Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương vô hiệu vì ông Trịnh Xuân Thanh ?

(Dân trí) - Như tin đã đưa, hôm qua (11/7), Ủy ban kiểm tra Trung ương đã có những kết luận rất rõ ràng về những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016. Qua kết luận này, có thể thấy, ông Trịnh Xuân Thanh đã có rất nhiều sai phạm nhưng lãnh đạo Bộ Công Thương nhiệm kỳ trước đã "tạo điều kiện" để ông này nhanh chóng, qua nhiều nấc thang khác nhau, trở thành Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, rồi được bầu làm Đại biểu Quốc hội.


Nhiều người cho rằng, ông Trịnh Xuân Thanh chết vì chơi ngông

Nhiều người cho rằng, ông Trịnh Xuân Thanh "chết" vì chơi ngông

Trong thời kỳ từ việc giữ chức vụ Phó bí thư Đảng uỷ, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đến chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổng công ty này (từ năm 2007-2013), ông Trịnh Xuân Thanh đã để lại một thảm trạng không thể xấu hơn cho PVC: Thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng, có thời điểm gần mất hết vốn nhà nước. Nhiều cá nhân, đơn vị trong PVC thời kỳ đó bị khởi tố hình sự.

Cho dù ông Trịnh Xuân Thanh khi trả lời với báo chí thường cho rằng mình không có lỗi trong câu chuyện thua lỗ của PVC như nói rằng do PVC phải sáp nhập một số đơn vị làm ăn thua lỗ (như khách sạn Lam Kinh)...

Theo tư liệu của Dân trí tập hợp từ các cơ quan nhà nước, một loạt dự án do PVC triển khai trong thời kỳ đó như các Dự án nhiên liệu xăng sinh học tại Phú Thọ (hiện nay gần như trong tình trạng đắp chiếu, phá sản) và Dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng) do PVC làm tổng thầu hay liên doanh tổng thầu. Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, PVC tạm ứng hàng trăm tỷ đồng cho các nhà thầu phụ nhưng các nhà thầu phụ không thi công hoặc làm cầm chừng dẫn đến nguy cơ mất vốn nhà nước...


Quá trình công tác của ông Trịnh Xuân Thanh tại cho đến khi làm Chủ tịch tại PVC

Quá trình công tác của ông Trịnh Xuân Thanh tại cho đến khi làm Chủ tịch tại PVC

Trong một văn bản về nhận xét, đánh giá cán bộ của tập thể lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) do ông Phùng Đình Thực, nguyên Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Tập đoàn PVN ký đã ghi rõ: "Từ năm 2012 đến 5/2013, bên cạnh nguyên nhân khách quan là tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức nhất là trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản nhưng còn có nguyên nhân chủ quan là do một số hạn chế trong công tác quản lý nhưng chậm được khắc phục nên PVC đã không hoàn thành kế hoạch, làm ăn thua lỗ, hoạt động của đơn vị gặp nhiều khó khăn, một số cán bộ cấp dưới mắc sai phạm".

"Trước tình hình trên, mặc dù đã có những cố gắng cùng tập thể lãnh đạo đơn vị đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ nhưng với cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty (PVC), đồng chí Trịnh Xuân Thanh có phần trách nhiệm", đánh giá của ban lãnh đạo PVN tháng 9/2013 nêu.

Chính vì nhận xét như vậy, lãnh đạo PVN đã kết luận ông Trịnh Xuân Thanh đã không hoàn thành nhiệm vụ và bị cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty PVC.

Tuy nhiên, trải qua tất cả những câu chuyện bê bối đó, ông Trịnh Xuân Thanh vẫn bình an vô sự và tìm được bến đỗ mới, ban đầu chỉ là chức danh Phó chánh văn phòng, phụ trách Văn phòng đại diện miền Trung của Bộ Công Thương tại Đà Nẵng. Rồi lần lượt sau đó được lãnh đạo Bộ Công Thương bổ nhiệm lên các chức vụ: Phó chánh văn phòng phụ trách của Bộ, Vụ trưởng, Trưởng ban Đổi mới sắp xếp doanh nghiệp...và cuối cùng được thuyên chuyển về làm Tỉnh uỷ viên, Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, được bầu làm Đại biểu Quốc hội (hiện nay, ông Thanh đã không còn là Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang nhưng vẫn là đại biểu Quốc hội), sau việc bị phát hiện dùng biển xe công gắn vào xe cá nhân.

Theo Uỷ ban kiểm tra Trung ương thì từ thời kỳ làm lãnh đạo ở PVC, ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm tại đó nhưng chưa nghiêm túc, thành khẩn tự giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm, vi phạm của bản thân. Khi được thuyên chuyển vào Hậu Giang công tác, với cương vị là Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lại dùng biển số xe công gắn vào xe ôtô tư nhân để sử dụng là trái quy định, gây phản cảm, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

"Việc làm đó của đồng chí là thiếu gương mẫu, vi phạm Quy định số 101- QĐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nêu.


Đánh giá của lãnh đạo PVN về ông Thanh như vậy nhưng ông này vẫn nói:Mọi đánh giá về tôi đều rất tốt (!)

Đánh giá của lãnh đạo PVN về ông Thanh như vậy nhưng ông này vẫn nói:"Mọi đánh giá về tôi đều rất tốt" (!)

Nhưng từ các việc này nhìn lại, theo đánh giá của cơ quan chức năng từ khi công tác tại PVC đến nay, ông Trịnh Xuân Thanh đã không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo Kết luận 146-KL/TW, ngày 04-10-2013 của Bộ Chính trị khóa XI. Tuy nhiên, ông này vẫn đề nghị, để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang.

Mặc dù vậy, ông Thanh vẫn luôn thể hiện sự thiếu trung thực, khi trả lời phỏng vấn của báo Tiền Phong, ông này vẫn nói rằng, các nhận xét, đánh giá về ông khi luân chuyển đều "rất tốt" (!).

Tuy nhiên, từ các sự việc trên, có thể nhận thấy, công tác xem xét, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ với ông Trịnh Xuân Thanh từ PVC về Bộ Công Thương và từ Bộ Công Thương đi tỉnh Hậu Giang là rất có vấn đề. Có nhiều người đề cập đến trách nhiệm của nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng với trách nhiệm là Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Công Thương đã không thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình khi xem xét, phê duyệt, tạo điều kiện cho ông Trịnh Xuân Thanh liên tục và nhanh chóng được bổ nhiệm qua các chức vụ quan trọng ở Bộ này rồi luân chuyển đi Hậu Giang khi hồ sơ của ông Thanh không đủ điều kiện luân chuyển.

Cụ thể, qua kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: "Trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm, quy hoạch, giới thiệu bầu cử ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang đối với đồng chí Trịnh Xuân Thanh, các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan có khuyết điểm, đã vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ".

Ở đây, có thể nói, ngoài trách nhiệm của cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, cả tập thể Ban cán sự Đảng bộ Công Thương, Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Công Thương cũng có trách nhiệm khi gần như vô hiệu hoá, không thể hiện được trách nhiệm của mình khi biểu quyết về việc sắp xếp, bổ nhiệm các chức vụ cho ông Thanh tại Bộ Công Thương và trong việc làm hồ sơ cho ông Thanh luân chuyển đi tỉnh Hậu Giang.

Chính vì những điều này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư: - Chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Ban Thường vụ Đảng ủy và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tập thể, cá nhân có liên quan về các khuyết điểm, vi phạm. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành tổng kết, rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình về công tác cán bộ.

Việc Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét, không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Trịnh Xuân Thanh cũng là một kết luận hoàn toàn xác đáng đối với ông cựu Chủ tịch doanh nghiệp ngàn tỷ, ông "quan" lắm tật của ngành Công thương này bởi với một người quản lý yếu kém, thiếu trung thực, gian dối như vậy, không nên để giữ bất cứ chức vụ nào trong bộ máy, nói gì đến việc làm đại diện cho cử tri tỉnh Hậu Giang ?

Hà Nguyễn