Bài toán tối ưu chi phí từ AWS giúp doanh nghiệp "vượt bão" Covid
(Dân trí) - Khởi nghiệp thế nào để tối ưu chi phí mà vẫn đảm bảo độ tin cậy và an toàn của hệ thống? Amazon Web Services (AWS) có thể là câu trả lời mà các startup đang tìm kiếm.
"Bước ngoặt" cho startup
Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, cộng đồng doanh nghiệp Việt liên tục chịu những tác động nặng nề từ dịch Covid-19. Trên thị trường không hiếm gặp nhiều doanh nghiệp đang làm ăn yên ổn, nhưng bất ngờ trở nên lao đao, thậm chí phá sản vì dịch kéo dài.
Thế nhưng, cũng không thể phủ nhận rằng có những doanh nghiệp lại đang tăng trưởng ấn tượng nhờ sản phẩm và công nghệ đằng sau nó phù hợp với những thay đổi mà đại dịch gây ra với thói quen của người dùng.
Infina - một nền tảng số về đầu tư tài chính dù thành lập từ chưa đầy 1 năm, nhưng đã nhanh chóng cho thấy sự khác biệt và lọt vào danh sách những doanh nghiệp được "hưởng lợi".
"Covid thì không ai mong muốn và nó đã gây ra rất nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp bán lẻ. Nhưng cũng có một số doanh nghiệp được hưởng lợi và may mắn chúng tôi là một trong số những doanh nghiệp đó - doanh nghiệp được thúc đẩy bởi đại dịch", ông James Vương, Founder & CEO của Infina cho biết.
Theo ông James, Covid-19 đã buộc mọi người phải thực hiện công việc một cách khác biệt. "Khi đại dịch Covid xảy ra, người dân buộc phải ở nhà, không được ra ngoài và phải sử dụng các giải pháp trực tuyến để kinh doanh, đầu tư hay tương tác, đồng thời qua đó khẳng định xu thế hiện nay là đầu tư vào các giải pháp trực tuyến, từ đó loại bỏ rào cản về mặt địa lý và mang lại lợi ích đáng kể cho cả doanh nghiệp lẫn người dùng".
Đồng quan điểm, CEO Raghu Rai của Jio Health - một startup trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe số tại Việt Nam cũng cho rằng đại dịch là cơ hội dành cho một số công ty trong lĩnh vực Fintech, healthtech, e-commerce…
"Những giải pháp y tế từ xa của chúng tôi đã hình thành từ lâu, nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thì nhiều người buộc phải sử dụng và có những trải nghiệm lần đầu tiên cùng với các ứng dụng này", ông Raghu chia sẻ.
Ông nhận định rằng điều quan trọng là mỗi startup cần tự thích ứng và phản ứng tình huống một cách nhanh chóng, biến những khó khăn trở thành mảnh đất màu mỡ để đưa ra giải pháp.
Chuyển đổi sang mô hình phù hợp
Dựa trên kinh nghiệm khởi nghiệp, ông James Vương cho rằng startup khi bắt đầu thực ra không cần quá nhiều vốn, "yếu tố quan trọng hơn ở thời gian đầu chính là nhân tố con người giỏi".
Tuy nhiên, việc tự xây dựng hạ tầng cũng sẽ khiến startup đối mặt với những rủi ro khó lường, điển hình như việc thiếu hụt nguồn lực và hạn chế để bổ sung phần cứng.
"Trước đây, chúng tôi từng phụ thuộc rất nhiều vào một nhân viên IT khi anh này phải quản lý tới 12 máy chủ", ông James kể lại. "Thế nhưng khi mức lưu lượng tăng lên, chúng tôi phải mua thêm máy chủ, lắp đặt máy chủ khiến mất rất nhiều thời gian".
Sau khi nền tảng số Infina không thể tiếp tục với mô hình cũ và đã chuyển sang sử dụng hạ tầng điện toán đám mây thì vấn đề được giải quyết. Chính vì vậy, ông James cho rằng các startup cần xác định được công nghệ nào phù hợp với xu thế trong tương lai xa, thay vì chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt.
Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Raghu Rai cho biết Jio Health từ lâu đã rất thoải mái với khả năng mở rộng của hạ tầng điện toán đám mây, qua đó giúp cho doanh nghiệp này có độ linh hoạt cao.
"Ngành y tế là một ngành được nhà nước quản lý rất chặt ở nhiều quốc gia khác nhau", ông Raghu cho biết. "Tuy nhiên, hạ tầng điện toán đám mây đã giúp chúng tôi có được những khả năng đáp ứng yêu cầu khắt khe của cơ quan quản lý".
Bên cạnh đó, ông Raghu cũng nhấn mạnh về khả năng cắt giảm chi phí vận hành, loại trừ rủi ro để tiết kiệm chi phí trước khi tung sản phẩm ra thị trường.
Bài toán tối ưu chi phí từ AWS
Với bất kỳ công ty khởi nghiệp nào, quá trình thử nghiệm - thất bại - rồi thử lại đều cần thiết và sẽ gây tổn thất không nhỏ về tài chính nếu họ không có các phương án chuẩn bị sẵn sàng.
Thực tế cũng cho thấy để giảm bớt áp lực vốn từ hoạt động này, các doanh nghiệp như Infina hay Jio Health đã sớm lựa chọn các giải pháp sử dụng bên thứ ba chuyên cung cấp dịch vụ đám mây. Điều này giúp họ không phải lo lắng về gánh nặng phí cho hạ tầng công nghệ thông tin, các chi phí kiểm thử.
Hiện tại, cả 2 công ty đều tham gia chương trình hỗ trợ khởi nghiệp AWS Activate của AWS, với những gói tài trợ AWS credits miễn phí trị giá lên tới 100.000 USD cho mỗi startup để ứng dụng các dịch vụ đám mây của hãng.
"Đây là những hỗ trợ cực kỳ lớn giúp xóa bỏ những rào cản về chi phí công nghệ khi khởi nghiệp. AWS giống như đang bỏ tiền ra để chúng ta khởi nghiệp vậy," ông Raghu ví von.
Theo bà Priya Lakshmi, Trưởng phòng mảng kinh doanh Khởi nghiệp của AWS khu vực ASEAN, rào cản lớn nhất của doanh nghiệp khởi nghiệp luôn là chi phí. Hiểu được điều này, AWS luôn cam kết hỗ trợ để đưa điện toán đám mây thành môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
"Hạ tầng của chúng tôi cho phép khách hàng mở rộng, nâng cao độ linh hoạt chỉ bằng vài cú click chuột. AWS đồng hành ngay từ ban đầu để startup có được hiệu quả hoạt động ngay từ sớm trên con đường khởi nghiệp", bà Priya Lakshmi cho biết.
Nhờ sự chuyển đổi này, các startup tiếp cận được các nguồn lực cần thiết, đáp ứng khả năng thử nghiệm nhiều lần mà không đòi hỏi khoản đầu tư lớn vào máy chủ hoặc lãng phí khoản đầu tư nếu ý tưởng không thành công.
Bên cạnh đó, các giải pháp của AWS còn giúp cho startup giải phóng tài nguyên, tập trung vào ưu tiên hàng đầu để phục vụ khách hàng tốt hơn, xây dựng đội ngũ nhân viên cân bằng, cũng như giải quyết bài toán về bảo mật thông tin, một yêu cầu luôn đòi hỏi sự đầu tư cả nguồn lực lẫn nguồn vốn đối với mọi doanh nghiệp.