1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bài toán giao hàng chặng cuối B2B trong kỷ nguyên số

Trường Thịnh

(Dân trí) - Giao hàng chặng cuối là khâu quan trọng và tốn kém nhất trong chuỗi cung ứng, cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của doanh nghiệp.

Tầm quan trọng của giao hàng chặng cuối B2B

Thị trường giao hàng chặng cuối được phân chia theo nhiều ngách, từ dịch vụ (bao gồm B2B và B2C), lĩnh vực hàng hóa (FMCG, thương mại điện tử, bán lẻ…) đến địa lý (châu Á - Thái Bình Dương, Bắc Mỹ, châu Âu, Nam Mỹ, Trung Đông và châu Phi)… Trong đó, riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến đóng góp 40% vào tăng trưởng toàn cầu năm 2027.

Giao hàng chặng cuối B2B (từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp) được định nghĩa là hoạt động vận chuyển sản phẩm từ điểm chuyển vận cuối hoặc trung tâm vận tải đến doanh nghiệp mua hàng hoặc người dùng cuối. Đây được coi là khâu quan trọng nhất và tốn kém nhất trong chuỗi cung ứng.

Các dịch vụ giao hàng B2B nói chung và giao hàng chặng cuối nói riêng đóng vai trò quyết định trong việc giành và giữ chân khách hàng, khi môi trường chuỗi cung ứng thay đổi nhanh chóng và đòi hỏi của khách hàng trở nên ngày một khắt khe.

Bài toán giao hàng chặng cuối B2B trong kỷ nguyên số - 1
Doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng gói sản phẩm (Ảnh: Freepik).

Trong quá trình triển khai các dịch vụ, các doanh nghiệp logistics cũng đồng thời phải giải nhiều bài toán của khách hàng. Đơn cử, tính chính xác, bảo mật là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Các doanh nghiệp điện máy, bán lẻ quan tâm đến tính nhanh chóng, kịp thời và tốc độ giải quyết khiếu nại. Các đơn vị phân phối thực phẩm và đồ uống ưu tiên tính đúng giờ, đòi hỏi các đơn vị giao vận đáp ứng chuẩn xác khung thời gian giao hàng cho các đối tác của họ như các cửa hàng tạp hóa, nhà hàng…

Có thể nói, trước tác động của "hiệu ứng Amazon", người tiêu dùng coi trọng tốc độ giao hàng hơn bao giờ hết. Trong thế giới B2B, việc cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh hơn giúp doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh cao hơn. Các khách hàng cũng tiếp tục đòi hỏi sự minh bạch và rõ ràng…

Theo các chuyên gia, việc đầu tư vào các công nghệ và giải pháp mới có thể giúp các công ty B2B nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục và giảm thiểu tác động của những tình huống bất ngờ như dịch Covid-19. Cuối cùng, áp dụng các giải pháp mới và đổi mới kinh doanh là cách tốt nhất để doanh nghiệp tiến lên trong thời đại mới.

Hướng giải pháp của các doanh nghiệp logistics

Giải pháp nào tối ưu chi phí giao hàng chặng cuối nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ, tạo thuận lợi cho việc quản lý đội xe và giảm thiểu sự cố, là bài toán được nhiều doanh nghiệp logistics đặt ra và chú trọng tìm lời giải.

Theo đại diện 247Express - doanh nghiệp có 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giao vận trong nước và quốc tế - 5 giải pháp sau giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí giao hàng chặng cuối mà vẫn tối ưu hiệu quả hoạt động.

Thứ nhất là ứng dụng phần mềm tối ưu hóa lộ trình giao hàng, từ đó thiết lập tuyến đường vận chuyển tối ưu nhất cho các đơn hàng, dựa trên dữ liệu đầu vào như: lượng đơn hàng, tình hình giao thông, thời gian giao dự tính, vị trí các trạm kiểm soát, khung giờ giao hàng từng đơn, số lượng và trọng tải xe… Các phần mềm giúp doanh nghiệp logistics phân bổ thời gian và nguồn lực hiệu quả hơn, giảm chi phí vận hành và chi phí nhiên liệu.

Bài toán giao hàng chặng cuối B2B trong kỷ nguyên số - 2
247Express chú trọng ứng dụng công nghệ trong hoạt động giao vận (Ảnh: 247Express).

Năm 2022, 247Express đã thực hiện số hóa toàn diện tại hơn 200 bưu cục từ Nam ra Bắc. Hàng trăm quy trình đã được doanh nghiệp thiết lập kèm lượng dữ liệu lớn số hóa trên nền tảng số.

Thứ hai là tối ưu hóa việc phân bổ tải trọng của phương tiện vận tải. Việc phân bổ tải trọng là việc sắp xếp hàng hóa để tận dụng tốt nhất khả năng vận chuyển, tối đa hóa giá trị sử dụng của phương tiện. Xe chở hết tải trọng sẽ giảm chi phí vận chuyển, giảm số lần giao hàng và rủi ro hư hỏng sản phẩm do bị xô lệch trong quá trình di chuyển. Nếu khả năng phân bổ tải trọng tốt, doanh nghiệp sẽ giảm số lượng phương tiện và nhân lực, đồng thời tăng hiệu quả, độ chính xác của khâu vận chuyển.

Thứ ba là lựa chọn phương tiện vận chuyển phù hợp. Các doanh nghiệp cũng cần tính toán phương án lựa chọn phương tiện theo các mục đích, điều kiện địa lý và giao thông, từ đó cắt giảm chi phí và thời gian cho quá trình vận chuyển trên đường, nâng cao hiệu quả giao hàng chặng cuối.

Thứ tư là xây dựng thêm kho hàng ở thành thị. Thay vì thiết kế nhiều kênh phân phối hàng hóa trung gian, các doanh nghiệp có thể tăng mật độ kho hàng, nhất là khu vực dân cư đông đúc, lượng khách hàng lớn. Hàng hóa được chuyển thẳng từ cơ sở sản xuất tới khu lưu trữ tại các kho này, sau đó được vận chuyển tới tay khách hàng khi có yêu cầu. Hình thức này giúp giảm thiểu chi phí giao hàng chặng cuối, đảm bảo tốc độ giao và tính thích ứng của chuỗi cung ứng với nhu cầu của khách hàng.

Thứ năm là hợp tác thực hiện logistics thu hồi (nhận và gửi lại những sản phẩm không mong muốn của họ, và các hoạt động liên quan). Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể thực hiện logistics thu hồi bằng cách hợp tác liên kết, thông qua các thỏa thuận đối tác hoặc hình thành hệ sinh thái các doanh nghiệp hỗ trợ nhau trong hoạt động đổi trả hàng hóa.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm