Biến dạng BOT giao thông:
Bài 2: Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Khánh Hòa, đủ các kiểu "ăn chênh"
(Dân trí) - Cơ quan Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa công bố kết luận thanh tra tại Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa do Công ty Cổ phần 194 (TP.HCM) làm chủ đầu tư theo chỉ định thầu.
Theo kết luận của cơ quan Thanh tra Bộ KH&ĐT công bố mới đây, sau 6 tháng kiểm tra 17 dự án xây dựng đường bộ theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh - chuyển giao) được phê duyệt vào cuối năm 2014, cơ quan này đã phát hiện nhiều vụ sai phạm nghiêm trọng xảy ra ở một số dự án điển hình, trong đó có dự án đường Quốc lộ (QL) 1 đi qua tỉnh Khánh Hòa (BOT Khánh Hòa) với tổng dài 37,7 km, gồm 18 cây cầu (trong đó xây 01 cây cầu mới và cải tạo 17 cây cầu cũ).
Lập dự toán vượt hàng nghìn tỷ đồng
Báo cáo của đoàn thanh tra Bộ KH&ĐT khẳng định: Đây là dự án được cấp phép vào tháng 4/2013, dự kiến hoàn thành vào tháng 1/2016. Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch. Tổng vốn của dự án là 2.644 tỷ đồng, trong đó vốn chi lớn nhất cho xây dựng và thiết bị là hơn 1.300 tỷ đồng.
Mặc dù dự án đẩy nhanh tiến độ, giúp giảm chi phí xây dựng, giá thành dự án và đưa đường mới vào phục vụ nhân dân, doanh nghiệp song theo kết luận thanh tra Bộ KH&ĐT, dự án BOT QL 1 đoạn qua Khánh Hòa có nhiều sai phạm liên quan đến lập dự toán.
Cụ thể, dự án BOT Khánh Hòa lập dự toán với tổng vốn gần 2.644 tỷ đồng nhưng tính đến tháng 10/2015 khi dự án hoàn thành và bắt đầu đưa vào sử dụng, tổng vốn thực hiện chỉ là 1.400 tỷ đồng, bằng gần 1/2 so với dự toán, tức phần chênh lệch dự toán ban đầu lên tới 1.282 tỷ đồng.
Cũng theo kết luận của đoàn thanh tra, việc vốn đầu tư thực tế thấp hơn nhiều so với dự toán là do không phải sử dụng số tiền 640 tỷ đồng chi phí dự phòng. Đáng chú ý, trong dự toán vốn vay ngân hàng của dự án, hợp đồng vay hơn 2.350 tỷ đồng, nhưng trên thực tế khi dự án hoàn thành phần vốn vay giải ngân chỉ là 1.000 tỷ đồng, mức chênh lệch là hơn 1.350 tỷ đồng.
Vốn vay thấp hơn nhiều so với dự toán vay, khiến chi phí lãi vay trong dự toán dự án sẽ giảm xuống. Thế nhưng, trước đó khi lập dự toán, chủ đầu tư dự toán dành 343 tỷ đồng chi trả chi phí lãi vay hơn 2.350 tỷ cho các ngân hàng. Tuy nhiên, với 1.000 tỷ đồng lãi vay, trên thực tế dự án chỉ mất hơn 60 tỷ đồng (tức mức chênh lêch gần hơn 280 tỷ đồng)
Khui ra hàng loạt “mánh” ăn chênh
Ngoài những dự toán lớn chênh lệch vốn, kết luận thanh tra Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra một số sai phạm cụ thể như: Khi lập dự toán, khối lượng đất đá đắp trong một hạng mục của dự án này đã tính trùng thành 2 lần, làm tăng chi phí đầu tư lên đến 26,9 tỷ đồng. Chi phí nhân công trong đơn giá xây lắp tính chưa đúng, làm tăng thêm giá trị dự toán 15 tỷ đồng.
"Việc tính thêm 10% (chế độ không ổn định sản xuất) trong cơ cấu lương cho nhân công không có trong quy định tại Nghị định số 205.2004/NĐ-CP, do đó đã làm tăng chi phí nhân công kể trên", văn bản kết luận của Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung nêu rõ.
Về việc tính nhầm, tính lượng đất đắp khi lập dự toán, làm tăng thêm 26,9 tỷ đồng, kết luận của Thanh tra Bộ KH&ĐT nêu rõ: Trong tính toán, chủ đầu tư dự kiến sẽ tận dụng 50% đất đào nền đường để đắp lên với khối lượng là 273.700 m3, tuy nhiên trên thực tế 50% này chỉ là 86.602 m3, chênh lệch quy ra tiền tương đương hơn 7,6 tỷ đồng.
Đặc biệt, sai lệch về cự ly vận chuyển vật tư, vật liệu từ mỏ, địa điểm cung cấp bê tông đến nơi thi công làm tăng giá trị dự toán dự án lên 14 tỷ đồng. Ngoài ra, một số chi phí trong dự toán đưa ra cũng chưa hợp lý, chưa có cơ sở dự tính là 3,4 tỷ đồng.
Theo kết luận, các sai phạm về cự ly vận chuyển đất, đá của dự án ở hầu hết các hạng mục gói thầu số 4, số 10, số 7 6, 5 và 11 đều sai lệch (giảm trên thực tế) so với dự toán trước đó, cá biệt trong gói thầu số 4, cự ly vận chuyển không thích hợp, đất đào cấp 3, bê tông.... đổ thải là 5,15 km, nhưng trên dự toán trước đó là 15,8 km (thực tế giảm 10,8 km), khiến làm tăng giá trị gói thầu xây lắp số 4 lên 1,8 tỷ đồng.
Nguyễn Tuyền