1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bạc Liêu, Cà Mau… chuyện chưa từng có

Như một sự tình cờ, sau nỗi lo dự kiến hụt thu 31.000 tỷ đồng, ngân sách Trung ương lộ ra vụ "vỡ nợ" ở Bạc Liêu và TP. Cà Mau. Chuyện chưa từng có tiền lệ này đã đặt ra câu hỏi về những thói quen chi tiêu không được kiểm soát từ cấp cơ sở?

Trầm trọng

Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính nói rằng, xưa nay chưa từng có tiền lệ về việc có một đơn vị dự toán cấp chính quyền địa phương lại rơi vào cảnh mất cân đối thu chi trầm trọng như vậy.

Đầu tiên là thông tin Thành uỷ Bạc Liêu ‘vỡ nợ’! Bức tranh túng thiếu này được lộ ra tại một buổi bàn giao công nợ giữa lãnh đạo mới và lãnh đạo cũ. Kinh phí của cả Thành uỷ chỉ còn đủ để trả tiền điện và lương cho đến hết tháng 11. Thậm chí, buổi làm việc này được mô tả là náo loạn đến mức kế toán Thành uỷ ném vỡ cả bình trà.

Sau đó, TP. Cà Mau cũng bị bêu tên nợ nần. Đơn vị này còn nợ tới 60,9 tỷ đồng các khoản như xây dựng cơ bản, bảo hiểm, môi trường, nợ cả tiền điện chiếu sáng đô thị.

Thực tế, tình trạng nợ nần cũng đã diễn ra từ 3 năm nay, kể từ năm 2012, mỗi năm TP. Cà Mau đều nợ đọng trên dưới 50 tỷ đồng. Thậm chí, năm 2014, con số nợ còn lên tới 95 tỷ đồng.


Tình trạng nợ nần đã diễn ra từ 3 năm nay

Tình trạng nợ nần đã diễn ra từ 3 năm nay

Câu chuyện này khiến chúng ta nhớ rằng, ở nước Mỹ, Nhà Trắng cũng đã từng vì lý do thiếu tiền dẫn tới phải ngừng hoạt động vài lần. Cứ soi vào đó, chuyện thiếu tiền hoạt động ở một cấp chính quyền hay cấp tổ chức chính trị nào không phải là là chuyện lạ trên thế giới.

Nhưng ở Việt Nam, đây có thể là một chuyện hy hữu. Như ông Võ Thành Hưng nói, cách đây chục năm, cũng chỉ có 1 trường hợp tương tự, nợ nần xảy ra ở Hà Giang.

Tuy nhiên, trước "hiện tượng hy hữu" đó, lãnh đạo tỉnh Cà Mau vẫn cho rằng, chẳng có gì là bất thường! Và các lãnh đạo địa phương cũng lập luận rằng, có sự hiểu nhầm về nội dung báo cáo tài chính, hoặc đơn giản hơn, do cuối năm, một số nguồn thu chưa về kịp.

Khác với chuyện ở Nhà Trắng bên kia quả địa cầu, ở Việt Nam, các công chức thành phố Cà Mau hay Thành uỷ Bạc Liêu dù ngân sách thiếu tiền, cũng sẽ không phải lo nghỉ việc. Họ vẫn luôn được đảm bảo trả lương vì sẽ có ngân sách cấp trên điều tiết bổ sung, tạm ứng trước...

Ví như ở Cà Mau, Sở Tài chính đã đề nghị ứng cho thành phố 35,7 tỷ đồng dự toán 2016 để chi trong tháng 12 năm nay và trước mắt, tỉnh sẽ ứng 10 tỷ đồng. Trước đó, năm 2014, ngân sách thành phố Cà Mau cũng đã ứng trước dự toán 2015 khoản tiền 69,786 tỷ đồng. Không có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về câu chuyện mất cân đối thu chi này.

‘Chi tiêu sai’: Ai chịu trách nhiệm?

Trong dự toán thu chi ngân sách hàng năm, 13 địa phương "giàu có" nhất sẽ phải nộp bổ sung điều tiết về ngân sách Trung ương. Ngược lại, 50 địa phương được sử dụng 100% nguồn thu tại địa phương và còn được nhận bổ sung hỗ trợ từ Ngân sách trung ương để cân đối thu chi.


Chuyện chưa từng có tiền lệ này đã đặt ra câu hỏi về những thói quen chi tiêu không được kiểm soát từ cấp cơ sở?

Chuyện chưa từng có tiền lệ này đã đặt ra câu hỏi về những thói quen chi tiêu không được kiểm soát từ cấp cơ sở?

Cà Mau và Bạc Liêu là 2 trong số 50 tỉnh, thành phố này.

Năm 2015, Cà Mau dự kiến chỉ tự thu hơn 3.200 tỷ đồng nhưng sẽ chi gần 4.400 tỷ đồng. Do đó, tỉnh này được ngân sách Trung ương cân đối rót thêm 527 tỷ đồng và đồng thời, nhận thêm hơn 1.478 tỷ đồng cho các chương trình mục tiêu như các dự án công trình, chế độ chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Bạc Liêu nghèo hơn, nguồn thu dự kiến đạt hơn 1.170 tỷ đồng nhưng phải chi tới 2.648 tỷ đồng. Năm nay, ngân sách Trung ương phải điều tiết số tiền tương đương tổng thu của cả tỉnh, khoảng hơn 1000 tỷ, đồng thời, rót thêm 938 tỷ đồng để thực hiện các dự án, chương trình có mục tiêu...

Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu như không phải chỉ có ở Bạc Liêu và Cà Mau "vỡ nợ"? Số đơn vị vỡ nợ hơn 2 và có nhiều ở các tỉnh thì Bộ Tài chính sẽ phải xử lý như thế nào? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này? Liệu đây có phải là hiện tượng kỷ luật ngân sách lỏng lẻo?

Ông Võ Thành Hưng cho rằng, trên thực tế, đây mới chỉ là 2 đơn vị dự toán nhỏ, chứ nếu ở cấp độ 1 tỉnh thì chưa có chuyện "vỡ nợ".

Theo cơ chế phân cấp hiện nay, vụ "thiếu tiền" ở thành uỷ Bạc Liêu là đơn vị dự toán cấp huyện nên thành phố Bạc Liêu sẽ phải lo trước tiên, nếu thành phố không lo được thì tỉnh lo. Tương tự, tỉnh Cà Mau cũng sẽ phải lo điều tiết ngân sách cho thành phố Cà Mau. Trong thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương sẽ phải tự lo. Ngân sách Trung ương sẽ chỉ ứng cứu, hỗ trợ khi nguồn thu địa phương bị hụt bởi chính sách thuế của trung ương, ví dụ như việc vừa qua miễn thuế VAT nông sản, một số tỉnh đã gặp khó khăn.

"Về nguyên tắc, trong thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương sẽ phải tự lo và việc "vỡ nợ" này, các địa phương sẽ phải tự giải quyết", ông Hưng nhấn mạnh.

Và do vậy, ngoài các công văn điều hành hiện nay, Bộ Tài chính không thiệp "sâu" bằng văn bản chuyện mất cân đối thu chi của các đơn vị nhỏ này.

Trong khi đó, những ngày cuối năm, Tổng Cục Thuế họp căng thẳng liên tục với 13 tỉnh, thành phố về việc phải hoàn thành mọi giá nhiệm vụ tăng thu, ứng cứu cho ngân sách Trung ương. Bởi trước đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã hứa chắc như đinh đóng cột trước Quốc hội, đảm bảo thu nợ đủ 34.000 tỷ đồng.

Một vấn đề đáng băn khoăn ở đây là, tại sao nhiệm vụ thu đủ được truy trách nhiệm đến từng đội trưởng các chi cục thuế thì nhiệm vụ chi đúng, chi hợp lý với dự toán, không để xảy ra "vợ nợ" lại không được giám sát và truy cứu tới từng chủ tịch tỉnh, huyện, xã như vậy?

Theo Phạm Huyền
VEF

Bạc Liêu, Cà Mau… chuyện chưa từng có - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm