1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bạc Liêu, Cà Mau “hết tiền, thiếu nợ”: Vì sao nên nỗi?

(Dân trí) - Hết tiền hoạt động, nợ không có nguồn chi trả là tình trạng đang xảy ra tại Bạc Liêu và Cà Mau. Nguyên nhân được cho do chi vượt dự toán trong khi thu không như kỳ vọng, các địa phương lại liên tục ỉ lại vào nguồn tạm ứng năm sau và phải trang trải quá nhiều cho lễ lạt…

Trong những ngày gần đây, sau thông tin Thành ủy Bạc Liêu hết tiền hoạt động thì đến lượt Thành ủy Cà Mau trở thành con nợ lớn. Phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội về vấn đề này.

Ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (Ảnh: Bích Diệp)
Ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (Ảnh: Bích Diệp)

Thưa ông, qua trường hợp tại Bạc Liêu và Cà Mau, ông có thể cho biết, tình trạng mất cân đối ngân sách địa phương hiện có xảy ra phổ biến hay không?

Thực tế thì việc chi phát sinh tại các địa phương dẫn đến tình trạng chi vượt quá thu và địa phương không cân đối được cũng đã xuất hiện trong những năm qua.

Sở dĩ có tình trạng này là do chất lượng xây dựng dự toán chưa thật sát, chưa lường hết được vấn đề phát sinh trong việc điều hành ngân sách trong năm, do đó dẫn đến một số khoản chi thường vượt so với dự toán.

Lý do thứ hai, trong điều kiện chi không vượt dự toán, thực hiện đúng bằng dự toán nhưng do lập dự toán thu không sát với thực tiễn, dẫn đến thu bị hụt thì vẫn xảy ra chênh lệch thu – chi (bội chi) ngân sách địa phương sẽ gia tăng.

Năm 2015 là một năm đặc biệt. Đây là năm tổ chức đại hội Đảng các cấp, là một năm chẵn với nhiều lễ kỷ niệm, do vậy, đây cũng là một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến làm tăng chi.

Do đó, tôi cho là 2 đơn vị trong 2 tỉnh thành phía Nam có tình trạng chi tăng so với dự toán, một số khoản thu hụt so với dự toán, nên dẫn đến không cân đối được ngân sách địa phương cũng là điều tất nhiên thôi.

Ông đánh giá như thế nào về tình trạng lạm dụng tạm ứng trong chi ngân sách địa phương thời gian vừa qua? Việc không kiểm soát chi tràn lan liệu có phải xuất phát từ tâm lý của lãnh đạo địa phương là luôn có nguồn ngân sách tạm ứng từ Trung Ương?

Trong trường hợp chi phát sinh mà chưa có nguồn thu để đảm bảo thì Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) hiện hành cho phép Chính phủ ứng trước dự toán năm sau để xử lý một số vấn đề phát sinh ở các địa phương cũng như các bộ ngành.

Sở dĩ có quy định như vậy là vì tình hình kinh tế xã hội của nước ta trong những năm vừa qua và những năm tới đây chưa thật ổn định, vững chắc, thu chi còn nhiều biến động. Do đó, quy định như vậy để Chính phủ chủ động hơn, linh hoạt hơn trong quá trình quản lý điều hành ngân sách.

Luật NSNN mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017, trong quá trình thảo luận thì Quốc hội cũng đã bàn về vấn đề có tiếp tục quy định cho tạm ứng ngân sách năm sau không? Nhiều ý kiến đề nghị không nên cho phép như vậy nữa để đảm bảo kỷ cương ngân sách được chặt chẽ hơn, đảm bảo chất lượng quản lý ngân sách nhà nước cũng như quản lý xây dự toán tốt hơn.

Nhưng đấy cũng chỉ là một ý kiến mà thôi, còn Quốc hội đã thông qua Luật NSNN 2015, theo đó vẫn tiếp tục cho Chính phủ giải quyết vấn đề tạm ứng ngân sách, ứng trước ngân sách năm sau cho các bộ, ngành địa phương. Tuy nhiên, quy mô, phạm vi của việc ứng trước ngân sách cũng có khuôn khổ ở một số trường hợp để hạn chế việc cho ứng dự toán năm sau một cách tương đối phổ biến, tràn lan như thời gian vừa qua.

Vậy để xảy ra những trường hợp như tại Bạc Liêu và Cà Mau vừa qua có trách nhiệm của cá nhân các lãnh đạo địa phương hay không và theo ông, việc xử lý trách nhiệm ở đây nên được thực hiện như thế nào?

Bây giờ phải xem xem tình trạng để chi vượt thu dẫn đến khó khăn cho cân đối ngân sách của các địa phương này xuất phát từ đâu. Phải làm rõ được nguyên nhân của tình trạng đó, xem nguyên nhân đó có phải là nguyên nhân chủ quan do quản lý điều hành ngân sách không.

Nếu do nguyên nhân chủ quan trong quản lý điều hành ngân sách thì lúc bây giờ mới xem xét trách nhiệm cá nhân được. Còn nếu do nguyên nhân khách quan thì không thể nào xem xét được trách nhiệm cá nhân.

Xin cảm ơn ông!

Được biết, tại thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ giữa lãnh đạo cũ cho lãnh đạo mới thì Thành ủy Bạc Liêu đang còn khoảng 2,8 tỉ đồng công nợ, trong khi dự toán ngân sách năm 2015 cho Thành ủy Bạc Liêu chỉ xấp xỉ 1,6 tỉ đồng để chi tiêu trong 5 tháng, không đủ trả lương và tiền điện nước, không còn tiền để hoạt động.

Còn tại TP.Cà Mau, ngoài gần 47 tỉ đồng nợ xây dựng cơ bản, địa phương này còn nợ Bảo hiểm xã hội 11 tỉ đồng, nợ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Cà Mau 14 tỉ đồng. Phương án thường xuyên được địa phương này sử dụng là xin tạm ứng ngân sách năm sau để “đập” vào khoản chi trả của năm trước.

 

Bích Diệp (thực hiện)

 

Bạc Liêu, Cà Mau “hết tiền, thiếu nợ”: Vì sao nên nỗi? - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm