1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp tuần qua:

Bà Phương Hằng "chơi lớn"; Novaland bị Trương Mỹ Lan đòi 2.500 tỷ đồng

Mai Chi

(Dân trí) - Tuần qua, thông tin về cuộc gặp giữa tỷ phú Vượng và 50 doanh nghiệp vận tải; hoạt động ủng hộ của gia đình bà Phương Hằng; bà Trương Mỹ Lan bất ngờ đòi tiền Novaland... được chú ý.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng gặp mặt 50 doanh nghiệp vận tải

Tại buổi gặp gỡ giữa VinFast - GSM và hơn 50 doanh nghiệp vận tải hành khách tại Việt Nam sáng 30/9, ông Phạm Nhật Vượng bày tỏ mong muốn đồng hành và là đối tác của các doanh nghiệp để cùng phát triển, mang lại lợi ích chung.

Ông nhấn mạnh 2 mục tiêu lớn. Một là xây dựng tương lai cho con em, để các thế hệ sau có môi trường sống xanh, sạch, an toàn hơn. Hai là có một thương hiệu Việt đẳng cấp quốc tế.

"VinFast có thể là thương hiệu đầu tiên nhưng từ sự truyền cảm hứng đó, chúng ta sẽ có hàng chục, hàng trăm thương hiệu khác. Đó cũng sẽ là niềm tự hào, là tương lai của con em chúng ta", Chủ tịch Tập đoàn Vingroup nói.

Bà Phương Hằng chơi lớn; Novaland bị Trương Mỹ Lan đòi 2.500 tỷ đồng - 1

Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - tại cuộc gặp với 50 doanh nghiệp vận tải (Ảnh: Vingroup).

Ông Nguyễn Văn Thanh - Tổng Giám đốc GSM Toàn cầu - tổng kết về 3 giai đoạn của ngành vận tải Việt Nam. Một là doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, đơn cử như Grab, Uber. Hai là giai đoạn khó khăn khi cả thị trường gặp phải dịch bệnh. Thứ ba và cũng là giai đoạn hiện tại là "bão xanh".

Ông Thanh tính toán trong năm nay, khoảng 10 hãng vận tải chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện. Ông hy vọng trong năm 2025, con số này lên tới 40-50 hãng, qua đó giúp xe điện phủ xanh các tỉnh, thành Việt Nam. 

Phương Hằng và công ty ủng hộ hơn 25 tỷ đồng qua Mặt trận Tổ quốc 

Bà Nguyễn Phương Hằng mong muốn cộng đồng tiếp tục quyên góp và ủng hộ hướng về đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, thông qua số tài khoản của MTTQ Việt Nam.

Bà Phương Hằng chơi lớn; Novaland bị Trương Mỹ Lan đòi 2.500 tỷ đồng - 2

Bà Nguyễn Phương Hằng giao lưu tại khu du lịch Đại Nam (Ảnh: T.T.).

Ngoài ra, bà Hằng cũng quyết định sẽ ủng hộ thêm 10 tỷ đồng để giúp đồng bào Miền Trung. Số tiền này sẽ được chuyển trực tiếp tới Ủy ban MTTQ Việt Nam. Theo thông báo, tổng số tiền mà Công ty cổ phần Đại Nam, bà Nguyễn Phương Hằng đã ủng hộ cho đồng bào thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam là hơn 25 tỷ đồng.

Bà Hằng cũng quyết định sẽ không livestream trên tất cả phương tiện truyền thông từ đây về sau. Mọi tài khoản mạng xã hội đăng tải nội dung tương tự đều là giả mạo.

Novaland bị bà Trương Mỹ Lan đòi 2.500 tỷ đồng

Trong phiên xét xử ngày 1/10, bà Trương Mỹ Lan đã đề nghị Novaland thanh toán 2.500 tỷ đồng bằng tiền mặt liên quan đến dự án Tân Thành Long An để khắc phục hậu quả của vụ án.

Đến chiều 3/10, Novaland đăng thông tin khẳng định không liên quan đến dự án Việt Phát và Công ty Tân Thành Long An mà trước đó tại tòa bà Trương Mỹ Lan (Vạn Thịnh Phát) đã nêu.

Trong quá trình mở rộng hoạt động kinh doanh, năm 2022, Novaland đã hợp tác với Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An phát triển dự án Khu công nghiệp và Khu đô thị Việt Phát. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, Công ty Tân Thành Long An đã có yêu cầu tạm dừng việc phát triển dự án.

Bà Phương Hằng chơi lớn; Novaland bị Trương Mỹ Lan đòi 2.500 tỷ đồng - 3

Bà Trương Mỹ Lan tại một phiên xét xử (Ảnh: Hải Long).

Tập đoàn này nói việc bà Trương Mỹ Lan đề cập đến việc đàm phán với Tập đoàn Novaland trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (ngày 1/10) là hoàn toàn không có cơ sở. 

Doanh nghiệp của bầu Đức chậm trả hơn 4.500 tỷ đồng gốc, lãi trái phiếu

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) công bố tại ngày 30/9, doanh nghiệp chậm thanh toán hơn 4.501 tỷ đồng gốc, lãi trái phiếu. Cụ thể, công ty chậm thanh toán số tiền lãi hơn 3.486 tỷ đồng và 1.015 tỷ đồng tiền gốc. Thời gian dự kiến thanh toán trong quý IV.

Lý do chậm thanh toán được đưa ra là chưa thu đủ nguồn tiền từ khoản nợ của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (hiện đã thỏa thuận lộ trình trả nợ 3 bên) và chưa thanh lý được một số tài sản không sinh lợi.

Lô trái phiếu mà Hoàng Anh Gia Lai chậm thanh toán được phát hành cho BIDV. Tại ngày 30/6, giá trị nợ ghi nhận là 4.248 tỷ đồng.

Theo báo cáo soát xét nửa đầu năm, Hoàng Anh Gia Lai cũng bị chỉ ra vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng trái phiếu và chưa thanh toán các khoản nợ gốc, lãi của các khoản vay trái phiếu đến hạn. 

Thay đổi nhân sự tại FLC: 2 sếp lớn xin từ nhiệm

Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) công bố thông tin cho hay, trong ngày hôm nay (30/9), doanh nghiệp đồng thời nhận được 2 lá đơn từ nhiệm của 2 nhân sự cấp cao cùng đề ngày 29/9.

Cụ thể, Hội đồng quản trị (HĐQT) FLC nhận được đơn xin từ nhiệm Thành viên HĐQT của ông Ngô Đặng Hoàng Anh. Cùng thời gian, HĐQT và Ban Tổng giám đốc FLC cũng nhận được đơn từ nhiệm của bà Vũ Đặng Hải Yến đề nghị thôi các chức vụ Phó chủ tịch thường trực, Thành viên HĐQT.

Sau phiên họp ĐHĐCĐ bất thường tổ chức hồi tháng 2 năm nay, HĐQT của FLC có 5 thành viên bao gồm ông Lê Bá Nguyên - Chủ tịch HĐQT, bà Vũ Đặng Hải Yến - Phó Chủ tịch thường trực, bà Trần Thị Hương và các thành viên là ông Lê Tiến Dũng và ông Ngô Đặng Hoàng Anh.

Tuy nhiên, đến nay đã có 3 trong số 5 nhân sự xin từ nhiệm. Trước bà Yến và ông Hoàng Anh thì vào ngày 21/8, bà Trần Thị Hương đã có đơn xin từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc thường trực và Người phụ trách quản trị công ty. Ông Lê Tiến Dũng - Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc - sau đó được bổ nhiệm giữ chức Người phụ trách quản trị công ty.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm