Doanh nghiệp tuần qua:

Bà Nguyễn Phương Hằng trở lại Đại Nam; nhân vật bí ẩn vụ Trương Mỹ Lan

Mai Chi

(Dân trí) - Sự trở lại của bà Nguyễn Phương Hằng, doanh nghiệp đứng sau vụ bắn dây chun gây náo động mạng xã hội, tình huống gây chú ý tại vụ xét xử Trương Mỹ Lan... là những tin tức gây chú ý tuần qua.

Vụ Trương Mỹ Lan: Chiếc túi Hermès bạch tạng và vị đại gia bí ẩn

Tại phiên tòa ngày 27/9, HĐXX đã xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm liên quan tới những đồ vật, vật chứng, tài liệu bị thu giữ trong quá trình điều tra. Bà Lan cho biết quá trình điều tra bị nhà chức trách thu giữ nhiều đồ dùng cá nhân như túi xách, điện thoại, giày dép.

"Khi bị bắt, bị cáo bị thu giữ 2 túi Hermès bạch tạng. Một chiếc tôi mua tại Italia và chiếc còn lại tôi được một đại gia người Malaysia tặng. Những chiếc túi này giá trị không đáng bao nhiêu, sau này bị cáo muốn để lại cho con cháu làm kỷ niệm, vì vậy, xin HĐXX xem xét cho bị cáo xin lại 2 chiếc túi này", bị cáo Lan trình bày.

Bà Nguyễn Phương Hằng trở lại Đại Nam; nhân vật bí ẩn vụ Trương Mỹ Lan - 1

Bà Trương Mỹ Lan trong một phiên xét xử tại tòa (Ảnh: Hải Long).

Chiếc túi Hermès bạch tạng mà bà Trương Mỹ Lan nhắc đến có tên đầy đủ là Hermès Himalayan Crocodile Birkin, được mệnh danh là một trong những chiếc túi xách đắt đỏ và khó tìm nhất trên thế giới. Chiếc túi này cũng đứng đầu danh sách mong muốn sở hữu của những nhà sưu tập túi xách trên toàn thế giới.

Túi Himalaya Birkin được bán lần đầu tiên ra thị trường vào năm 2014 với giá 180.000 USD, tương đương hơn 4,4 tỷ đồng, được xem là chiếc túi đắt nhất thế giới. Từ đó tới nay, chúng luôn được đấu giá với số tiền kỷ lục. 

Trước đó, trong phiên xét xử ngày 24/9, bị cáo Trương Mỹ Lan nói tòa nhà 29 Liễu Giai (Hà Nội) đang được thế chấp cho ngân hàng nước ngoài với khoản vay 250 triệu USD. Đồng thời, người phụ nữ này nói có nhà đầu tư ngỏ ý muốn mua lại, nhưng mong muốn giá tốt hơn.

Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (bào chữa cho bị cáo Kwok Hakman Oliver - Tổng giám đốc Công ty An Đông) cho biết, có một người bạn của bà Trương Mỹ Lan đang sống tại Mỹ muốn cho bị cáo này vay 250 triệu USD (chưa lãi) để trả nợ ngân hàng, giải chấp tòa nhà trên.

Đồng thời, bà Trang cho biết người bạn này muốn cho bị cáo Trương Mỹ Lan vay 130 triệu USD để khắc phục hậu quả vụ án này.

Ban đầu, bà Lan nói việc mua bán tòa nhà trên không thể quyết định ngay tại tòa. Tuy nhiên, sau khi được nghe giải thích không phải mua bán mà cho vay mượn, bị cáo Trương Mỹ Lan liền đồng ý và gửi lời cảm ơn tới "nhân vật bí ẩn". 

Bà Nguyễn Phương Hằng trở lại Đại Nam

Lãnh đạo Công ty cổ phần Đại Nam xác nhận, doanh nghiệp này có quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Phương Hằng làm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Phó tổng giám đốc thứ nhất của Công ty cổ phần Đại Nam. Bà Hằng cũng kiêm chức Tổng giám đốc điều hành Khu du lịch Đại Nam.

Ông Huỳnh Uy Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam đồng thời là chồng bà Hằng - ký văn bản bổ nhiệm này.

Theo quyết định, bà Nguyễn Phương Hằng được Chủ tịch Công ty Đại Nam phân công giải quyết các vấn đề thuộc chức năng và quyền hạn của Phó chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc thứ nhất, kiêm Tổng giám đốc điều hành Khu du lịch Đại Nam. Quyết định có hiệu lực từ ngày 24/9.

Bà Hằng vừa mới ra tù được 5 ngày (từ 19/9), sớm hơn với bản án do chấp hành tốt nội quy. Bà bị phạt tù về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trước khi đi tù, bà Nguyễn Phương Hằng là Tổng giám đốc Công ty Đại Nam. 

Doanh nghiệp đứng sau vụ bắn dây chun gây "náo động" mạng xã hội

Video nữ "tổng tài" bắn dây thun vào cổ tay của nhiều cấp dưới trong sự kiện đào tạo mới đây của một doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm đã trở thành "hiện tượng mạng" và nhận về nhiều chỉ trích.

Không ít người cho rằng trò chơi "đào tạo" này là hành động gây đau đớn không cần thiết. Trước đó, thử thách cõng nhau đi trên hoa hồng có gai của công ty này cũng tạo ra nhiều tranh cãi.

Bà Nguyễn Phương Hằng trở lại Đại Nam; nhân vật bí ẩn vụ Trương Mỹ Lan - 2

Hình ảnh nữ "tổng tài" bắn dây thun vào cổ tay nhân viên khiến cộng đồng mạng xôn xao (Ảnh cắt từ clip).

Được biết doanh nghiệp đứng sau những clip đào tạo bán hàng gây ồn ào trên mạng xã hội là Công ty TNHH Mỹ phẩm Huyền Phi (Huyền Phi Cosmetics). Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 5/2017. Trụ sở chính tại quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) do ông Hoàng Văn Hưng (sinh năm 1990) làm Chủ tịch HĐTV kiêm Người đại diện pháp luật. Ngành nghề chính của doanh nghiệp là bán buôn nước hoa, hàng mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh.

Thời điểm mới thành lập, công ty này có vốn điều lệ 1,6 tỷ đồng do ông Hoàng Văn Hưng và bà Hoàng Thị Thu Huyền mỗi người góp 800 triệu đồng. Đến tháng 4/2022, doanh nghiệp tăng vốn lên 5 tỷ đồng, trong đó, ông Hưng và bà Huyền góp mỗi người 2,5 tỷ đồng.

Gần đây nhất vào tháng 5, Công ty TNHH Mỹ phẩm Huyền Phi được điều chỉnh tăng vốn điều lệ lên 9,8 tỷ đồng, trong đó cổ đông chính vẫn giữ nguyên là ông Hưng và bà Huyền, mỗi người góp 4,9 tỷ đồng.

Doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm này từng nhiều lần bị lực lượng chức năng xử phạt, đình chỉ thu hồi sản phẩm do chứa chất cấm, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo hay phát hiện các sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Cú "quay xe" sau soát xét tại Novaland: Từ lãi 345 tỷ đồng thành lỗ 7.327 tỷ đồng

Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) công bố báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét bởi PwC (Việt Nam). Đáng chú ý nhất là lợi nhuận sau soát xét âm 7.327 tỷ đồng. Còn trên báo cáo doanh nghiệp tự lập, công ty lãi 345 tỷ đồng.

Giải trình nguyên nhân, Novaland cho biết lý do chủ yếu đến từ việc trích lập dự phòng tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và giảm lợi nhuận theo yêu cầu của đơn vị kiểm toán.

Cụ thể, công ty giảm lợi nhuận sau thuế 4.358 tỷ đồng do kiểm toán đề nghị trích lập dự phòng tiền thuê đất, tiền sử dụng đất phải nộp của dự án 30,1ha Nam Rạch Chiếc, TP Thủ Đức, TPHCM (dự án Lakeview City - chủ đầu tư là Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21).

Công ty đang tiếp tục kiến nghị đến UBND TP cùng các sở, ban, ngành để xem xét. Khoản giá trị đã trích lập dự phòng này sẽ được điều chỉnh và thực hiện hoàn nhập khi đủ điều kiện.

Một lý do khác khiến lợi nhuận sau soát xét giảm sâu, theo Novaland, là đơn vị kiểm toán đề nghị điều chỉnh giảm doanh thu hoạt động tài chính từ hoạt động cho vay, hợp tác kinh doanh 2.991 tỷ đồng và thu nhập khác 55 tỷ đồng từ phạt vi phạm hợp đồng phát sinh trong kỳ nhưng chưa thu được bằng tiền tại ngày 30/6. Các khoản này sẽ được ghi nhận khi hoàn tất thu tiền.

Tại ngày phát hành báo cáo (26/9), các khoản này đã được thu hồi bằng tiền. Do đó, các khoản thu nhập này sẽ được ghi nhận lại vào báo cáo tài chính năm nay.

Còn lại, 268 tỷ đồng là khoản điều chỉnh giảm do trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho và điều chỉnh tăng giảm các khoản chi phí khác.