Bà Mai Kiều Liên: "Không ai mua Vinamilk mà muốn xóa thương hiệu"

(Dân trí) - Rất nhiều cổ đông bày tỏ lo lắng khi Vinamilk thực hiện nâng tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài lên 100% thì giá trị thương hiệu sẽ mất đi. Tuy nhiên, vị nữ doanh nhân quyền lực đã chỉ rõ, giá trị thương hiệu Vinamilk là 7 tỷ USD, nước ngoài mua Vinamilk cũng vì thương hiệu.

Bà Mai Kiều Liên: "Không ai mua Vinamilk mà muốn xóa thương hiệu" - 1

Sáng nay (21/5), Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên với sự tham dự của hơn 600 cổ đông đại diện cho khoảng 82% vốn điều lệ với nhiều diễn biến rất đáng chú ý.

Vẫn là câu hỏi: Bao giờ SCIC thoái vốn?

Vấn đề nóng bỏng nhất, được nhiều cổ đông đón đợi nhất tại Đại hội lần này là chuyện tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài (nới room), khi mà tờ trình không nêu rõ tỷ lệ. Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT Vinamilk cho biết HĐQT đã điều chỉnh hoàn tất ngành nghề kinh doanh. Sau ĐHCĐ, HĐQT sẽ hoàn tất các thủ tục và thông báo cho cổ đông ngay sau khi các thủ tục hoàn tất. Theo đó, tỷ lệ room của VNM sẽ được nới từ 49% lên 100%.

Mặc dù cổ đông rất đồng tình với quyết định này của HĐQT song nhiều người bày tỏ lo lắng việc thương hiệu Vinamilk có thể bị mất đi hoặc bị xóa sổ khi nước ngoài đầu tư. Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty khẳng định, Vinamilk muốn trở thành Tập đoàn đa quốc gia. Giá trị thương hiệu Vinamilk được định giá khoảng 7 tỷ USD, do đó nước ngoài có mua Vinamilk thì cũng vì thương hiệu. Không ai bỏ tiền ra mua rồi lại muốn xóa thương hiệu đó đi, bà Liên nói.

Tuy nhiên, mấu chốt hiện tại Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang nắm giữ 45% vốn điều lệ tại VNM, nhà đầu tư nước ngoài hiện sở hữu 49%. "Dư địa" sở hữu còn lại chỉ 6%. Vì thế, nếu VNM nới room mà SCIC không thoái vốn thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Do đó, cổ đông đặt câu hỏi: Bao giờ "ông lớn nhà nước" SCIC thoái vốn? Bà Mai Kiều Liên nói không thể trả lời, do điều đó thuộc về quyền của SCIC. Như vậy, giá trị của việc nới room đối với Vinamilk đang phụ thuộc khá nhiều vào quá trình thoái vốn của SCIC, dẫu biết rằng SCIC đã có chủ trương này.

Vinamilk được xem là "con bò sữa vàng" của SCIC với mức cổ tức hàng năm không hề nhỏ. ĐHCĐ VNM vừa mới thông qua kế hoạch chi trả cổ tức năm 2015 với tỷ lệ chưa từng có tiền lệ là 60% bằng tiền mặt. Theo tỷ lệ này, SCIC riêng năm 2015 đã có trong tay khoảng 2.885 tỷ đồng cổ tức.

VNM sẽ mua bán, sáp nhập để kinh doanh đa ngành

Theo thông tin trong ĐHCĐ, năm 2016, Vinamilk lên kế hoạch doanh thu dự kiến đạt 44.560 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.266 tỷ đồng, tăng lần lượt 11% và 6% so với năm trước. Tỷ lệ cổ tức tối thiểu là 50% bằng tiền mặt.

Mục tiêu của Vinamilk trong 2-3 năm tới sẽ trở thành công ty kinh doanh đa ngành nghề hoạt động trên nền tảng các lợi thế cạnh tranh sẵn có. Để làm được điều này, công ty có kế hoạch sẽ thực hiện các giao dịch mua bán, sáp nhập (M&A). Tổng Giám đốc VNM cho rằng Công ty vẫn đang tìm kiếm các cơ hội M&A trên tiêu chí số tiền chi ít nhất nhưng hiệu quả phải cao nhất, phải tính toán kỹ lưỡng. Tất nhiên, đầu tư đa ngành là câu chuyện của tương lai, hiện tại ngành sữa vẫn là nền tảng kinh doanh cơ bản nhất của Vinamilk do nó có tiềm năng phát triển.

Nguyệt Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm