Asanzo, Khaisilk lừa dối người tiêu dùng: Trách nhiệm của nhà quản lý?

Asanzo, Khaisilk,...vẫn có thể qua mặt được để lừa dối người tiêu dùng một cách trắng trợn như vậy, một phần trách nhiệm là của nhà quản lý.

"Đánh lận con đen" vẫn tái diễn

Thời gian qua, khi vụ việc Khaisilk trà trộn khăn lụa hàng Trung Quốc và cài mác “Made in Vietnam” vẫn chưa được xử lý dứt điểm, lại đến nghi vấn Asanzo bán tivi Trung Quốc nhưng gắn mác hàng Việt Nam. Sunhouse - một thương hiệu lớn về đồ gia dụng tại Việt Nam cũng bị người tiêu dùng phát hiện bán nồi cơm điện Trung Quốc dán nhãn hàng Việt khiến dư luận hết sức bất bình và mất lòng tin vào thương hiệu Việt.

Từ những câu chuyện trên có thể thấy chuyện đánh tráo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa vẫn hoành hành mặc dù cơ quan chức năng đã và đang nỗ lực vào cuộc nhằm ngăn chặn. Dường như nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình tìm cách “lách luật” và sẵn sàng qua mặt các cơ quan chức năng cũng như chà đạp lên niềm tin của người tiêu dùng.

Asanzo, Khaisilk lừa dối người tiêu dùng: Trách nhiệm của nhà quản lý? - 1

Cần ngăn chặn chuyện đánh tráo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. (Ảnh minh họa)

Vấn đề mà người tiêu dùng thấy lạ là, thường những doanh nghiệp ngang nhiên làm ăn gian dối như đã kể trên lại có thương hiệu rất nổi tiếng, nhanh chóng lấy được niềm tin của người tiêu dùng và phất lên nhanh chóng. Trong khi nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính muốn có được thương hiệu lại vô cùng khó khăn.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, cần phải nghiêm túc nhìn lại công tác quản lý thị trường cũng như hoạt động thanh kiểm tra doanh nghiệp của các cơ quan chức năng trong thời gian qua. Bởi không chỉ vụ việc của Khaisilk, Asanzo, Sunhouse hoàn toàn do báo chí và người tiêu dùng đã phát hiện ra những dấu hiệu vi phạm của doanh nghiệp, không phải do cơ quan quản lý thị trường hay đơn vị quản lý nhà nước nào phát hiện.

Asanzo, Khaisilk lừa dối người tiêu dùng: Trách nhiệm của nhà quản lý? - 2

TS. Lê Đăng Doanh

 

Đối với trường hợp gian lận nhãn hiệu như vừa qua, TS. Lê Đăng Doanh nhìn nhận, những vụ việc này có dấu hiệu sai phạm khá nghiêm trọng, nhưng vấn đề là tại sao một doanh nghiệp hoạt động lâu như thế và trên quy mô lớn như vậy lại không bị phát hiện? Các cơ quan quản lý thị trường đã hoạt động như thế nào? Những doanh nghiệp này đã bị kiểm tra bao nhiêu lần mà không bị phát hiện, phải để đến khi người tiêu dùng tố cáo cơ quan chức năng mới phát hiện ra?

“Tất cả các câu hỏi đó đều phải được đặt ra và trả lời một cách xác đáng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, phải giữ người tiêu dùng Việt Nam để ưu tiên dùng hàng Việt Nam, không thể để người tiêu dùng thường trực ý nghĩ, dùng hàng ViệtNam nhưng thực ra là hàng hóa "đội lốt" hàng nước khác. Các cơ quan chức năng cần phải đề ra các tiêu chí hoạt động, phải thật sự nghiêm khắc, có trách nhiệm hơn nữa để những vụ tương tự sẽ không còn tái diễn”, TS. Lê Đăng Doanh nêu rõ.

Asanzo, Khaisilk lừa dối người tiêu dùng: Trách nhiệm của nhà quản lý? - 3

Ông Vũ Vinh Phú

 

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đặt câu hỏi rằng: “Tôi không thể hiểu tại sao có nhiều cơ quan chức năng tham gia quản lý các sản phẩm hàng hóa từ khâu sản xuất, tới phân phối, lưu thông, vậy mà một DN như Khaisilk, Asanzo, Sunhouse vẫn có thể qua mặt được để lừa dối người tiêu dùng một cách trắng trợn như vậy?” và ông Phú cũng cho rằng, một phần của câu chuyện này nằm ở trách nhiệm của nhà quản lý.

Ngăn chặn làm giả xuất xứ Việt Nam

Trước đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia vừa có công văn gửi Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm giả mạo nhãn mác “Made in Vietnam”. Theo đó, Văn phòng Thường trực đề nghị Cơ quan thường trực 389 các tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung điều tra cơ bản, rà soát, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu, biên giới và nội địa để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng hóa giả mạo xuất xứ; tăng cường công tác thanh, kiểm tra hành vi nhập lậu, phân phối lưu thông hàng hóa xuất xứ từ nước ngoài nhưng gắn mác “Made in Vietnam”.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về tình trạng hàng hóa sản xuất từ nước ngoài, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác “Made in Vietnam”, trong đó tập trung mặt hàng tiêu dùng, thời trang… để gian lận thương mại, gây thất thu NSNN, ảnh hưởng doanh nghiệp sản xuất trong nước và thiệt hại cho người tiêu dùng.

Lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại tại khu vực biên giới đã liên tiếp bắt giữ nhiều lô hàng sản xuất từ nước ngoài nhưng gắn mác "Made in Vietnam" đang tìm cách tuồn vào thị trường trong nước.

Bộ Công Thương đã chính thức đưa ra cảnh báo về tình trạng hàng nước ngoài giả mạo xuất xứ “Made in Vietnam” để hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu đi nước ngoài. Theo đó, việc gian lận thương mại thông qua việc ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất Việt Nam để xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế ngày một gia tăng.

Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan các quy định về ghi nhãn mác hàng hóa, đồng thời sẽ phối hợp các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho hàng xuất khẩu, trong đó đặc biệt lưu ý tới một số mặt hàng có nguy cơ cao trong việc làm giả xuất xứ Việt Nam.

Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp Bộ Tài chính để tổ chức theo dõi, nắm bắt những diễn biến bất thường trong hoạt động xuất khẩu sang một số thị trường để có biện pháp xử lý đối với hành vi gian lận thương mại.

Asanzo, Khaisilk lừa dối người tiêu dùng: Trách nhiệm của nhà quản lý? - 4

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, hiện Bộ Công Thương đang soạn thảo dự thảo về quy định ghi nhãn mác "Made in Vietnam".

Ông Khánh cho hay, phương pháp phổ biến nhất để xác định xuất xứ là xác định hàm lượng giá trị khu vực (RVC) trong sản phẩm. Có nghĩa là xác định xem giá trị được tạo ra tại khu vực có liên quan là bao nhiêu. Nếu khu vực là một nước, ví dụ như Việt Nam, thì xem phần giá trị được tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam là bao nhiêu, nếu khu vực là ASEAN thì xem phần gí trị được tạo ra trong phạm vi ASEAN. 

Một phương pháp phổ biến nữa mà Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chia sẻ là sử dụng Biểu HS (Biểu phân loại hàng hóa trong thương mại quốc tế) để xác định xuất xứ./.

Theo Nhóm PV

VOV