Áp thuế VAT với phân bón: Không chịu thuế còn đau khổ hơn chịu thuế 5%
(Dân trí) - Sau 10 năm đưa vào diện không chịu thuế VAT, nghịch lý xảy ra là ngành phân bón trong nước bị "thiệt đơn thiệt kép". Có doanh nghiệp than thiệt hại cả trăm tỷ đồng mỗi năm.
Tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng dự kiến trình Quốc hội xem xét tới đây, phân bón được đưa vào diện chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 5%, thay vì không chịu thuế như quy định hiện hành (Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014). Trước Luật 71, phân bón cũng thuộc diện chịu thuế VAT 5%.
Theo chương trình sửa đổi các luật thuế trong năm 2024, dự án Luật Thuế gái trị gia tăng sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 đang diễn ra và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10.
Nghịch lý giá phân bón tăng khi không áp thuế VAT
Phát biểu tại tọa đàm "Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp" do báo Đầu Tư vừa tổ chức, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, qua 10 năm thực hiện, Luật 71 cho thấy nhiều bất cập và đã đến lúc không thể không sửa đổi.
Ông Ngọc nêu lên nghịch lý, 10 năm không áp thuế VAT, ngành nông nghiệp vừa thiệt đơn vừa thiệt kép, mà người nông dân là đối tượng gánh chịu.
Vị này giải thích, mặt hàng phân bón thuộc đối tượng "không chịu thuế VAT" theo Luật 71. Do đó, các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào là hàng hóa, dịch vụ, thiết bị máy móc, đầu tư cho sản xuất phân bón. Chính vì không được khấu trừ nên các hoạt động sản xuất phân bón phải tính vào chi phí sản phẩm, tức là tính vào giá thành sản phẩm, tác động đẩy giá phân bón lên.
"Vậy ai là người chịu? Chính là người nông dân, người sử dụng vật tư đó phải chịu. Trong khi vật tư đó chiếm khoảng 40-60% giá thành của các sản phẩm nông nghiệp, là sản phẩm đầu vào thiết yếu, không thể thiếu được", ông Ngọc nhìn nhận.
Một tác động nữa là giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng, gây bất lợi cho việc cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu. Mỗi năm, ngành nông nghiệp tiêu thụ 11-12 triệu tấn phân bón, trong đó các sản phẩm sản xuất trong nước khoảng 8 triệu tấn, còn lại buộc phải nhập khẩu do những sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được.
Theo ông Ngọc, ở đây xảy ra tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng do đối thủ chịu thuế VAT nên được khấu trừ và giá nhập vào thấp hơn so với giá sản xuất trong nước. Điều này dẫn đến ngành phân bón trong nước "thiệt đơn thiệt kép".
Có doanh nghiệp mất 100 tỷ đồng mỗi năm
Cũng trao đổi tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó tổng giám đốc CTCP DAP - Vinachem, một trong 2 đơn vị sản xuất DAP tại Việt Nam cho biết, toàn bộ chi phí đầu vào phải tính vào giá thành sản xuất, khoảng 7-8% chi phí sản xuất tăng thêm. Ước tính mỗi năm, doanh nghiệp mất khoảng 100 tỷ đồng, và lũy kế trong 10 năm qua lên tới con số cả nghìn tỷ đồng.
Theo ông Trung, ngành sản xuất phân bón trong nước thời gian qua không làm chủ được thị trường, không chi phối được thị trường, phải theo luật chơi của phân bón nhập khẩu. Phân bón nhập khẩu hình thành mặt bằng giá chung, giá bán của doanh nghiệp trong nước không thể điều chỉnh theo giá thành, qua đó khiến kết quả sản xuất - kinh doanh sụt giảm.
Trong 10 năm qua, tất cả chi phí đầu tư nâng cấp nhà máy, nâng cao chất lượng sản phẩm không được hoàn thuế, cộng vào tổng mức đầu tư dẫn tới hạn chế tính hiệu quả của dự án, các cơ quan quản lý theo đó, rất khó khăn trong việc quyết định lựa chọn phương án đầu tư.
Các quốc gia đều áp thuế VAT phân bón
Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), đánh giá, việc không áp thuế VAT đối với mặt hàng phân bón vô hình trung gây thiệt hại cho cả 3 nhà: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra "không chịu thuế còn đau khổ hơn chịu thuế 5%."
Ông nhắc lại năm 2008, khi Quốc hội thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng, lúc đó Việt Nam có 26 nhóm hàng hóa dịch vụ chịu thuế, 15 nhóm hàng hóa dịch vụ chịu thuế 5%, thuế 0% dành cho nhóm dịch vụ hàng hóa xuất khẩu và nhóm chịu thuế 10%.
Phân bón, thuốc trừ sâu, nguyên vật liệu đầu vào của nông nghiệp nhưng là đầu ra của công nghiệp chịu thuế suất 5%, 10%. Đặc biệt là phân bón và máy móc thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp đang áp dụng thuế 5%.
Lúc đó có nhiều hiệp hội ngành hàng kiến nghị đưa phân bón vào diện không chịu thuế VAT. "Với tư cách cán bộ làm chính sách của Bộ Tài chính, tôi đã khuyến cáo rằng không thể đưa vào diện không chịu VAT được vì theo thông lệ quốc tế và cam kết quốc tế, chúng ta chỉ áp dụng cho hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu, theo đúng nguyên tắc của thuế VAT", ông Phụng cho hay.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan nghiên cứu… không đủ thông tin dữ liệu để chứng minh trước Quốc hội rằng 5% có lợi hay không chịu thuế có lợi, theo đó, phân bón từ chỗ chịu thuế 5% đã được thông qua tại quy định mới là không chịu thuế.
Vị chuyên gia cho biết, phân bón làm từ nguyên liệu hóa thạch như dầu mỏ, dầu thô, khí thiên nhiên qua quá trình chế biến phức tạp, việc áp thuế liên quan đến cả ngành công nghiệp phía sau. Trung Quốc, Nga, Thái Lan, Malaysia, Singapore… đều áp dụng thuế VAT cho phân bón, không có nước nào không áp thuế VAT phân bón.
Khi áp thuế 5% VAT với phân bón, ông Phụng cho rằng, lợi ích trước nhất là tăng thu ngân sách đối với thuế nhập khẩu trong khi vẫn giữ mặt bằng giá bán trong nước. Nông dân có cơ hội yêu cầu doanh nghiệp bán giá mới thấp hơn, còn doanh nghiệp phân bón thực hiện nguyên tắc đúng theo luật, được khấu trừ đầu vào.
Còn theo ông Nguyễn Trí Ngọc, việc Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi đưa vào quy định áp thuế VAT 5% với phân bón đã mang lại những triển vọng.
Các doanh nghiệp phân bón trong 10 năm chịu thiệt thòi hơn 10.000 tỷ đồng, nhưng nếu bây giờ thay đổi, số tiền đó có thể sử dụng để đầu tư máy móc, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng phân bón và mang tới sản phẩm tốt hơn cho người nông dân.
Ví dụ đơn giản, trước kia mỗi vụ người nông dân cần bón phân 5-6 lần, nhưng bây giờ chất lượng tốt hơn, cũng sản phẩm đó nhưng chỉ cần bón 3 lần, vậy là đã rút ngắn được rất nhiều thời gian, công sức, tiền của.
Ông Nguyễn Trí Ngọc đánh giá, trong thời buổi cạnh tranh hội nhập như hiện nay, nông sản Việt Nam muốn giữ vững lợi thế cạnh tranh của mình, không có cách nào khác là phải đổi mới thực sự, mà trước hết cơ hội để đổi mới tới từ nguồn đầu vào đang chiếm 40-60% giá thành sản phẩm. Giá thành đầu vào giảm xuống, chất lượng được nâng lên sẽ đáp ứng hơn nữa yêu cầu phát triển nền kinh tế nông nghiệp xanh sạch, an toàn, bền vững.