1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kỳ lạ chuyện một doanh nghiệp chỉ mong được... tăng thuế!

Hà Nguyễn

(Dân trí) - Thông thường, các doanh nghiệp chỉ muốn được miễn, giảm thuế. Nhưng điều kỳ lạ, có loại hình doanh nghiệp lại đang muốn được tăng thuế - đó là một số doanh nghiệp sản xuất phân bón.

Kỳ lạ chuyện một doanh nghiệp chỉ mong được... tăng thuế! - 1

Sản xuất phân bón hiện không phải chịu thuế. Ảnh: Lương Bằng 

Mới đây, Bộ Tài chính đã có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị báo cáo Quốc hội tăng thuế giá trị giá tăng (VAT) cho doanh nghiệp sản xuất phân bón.

Cụ thể, Bộ này đưa ra một dự thảo dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua về chính sách VAT với hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón. Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế này với mức thuế suất 5%.

Bộ Tài chính cho rằng việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất giá trị giá tăng lên 5% sẽ tác động tích cực và toàn diện với nhiều đối tượng, đặc biệt, trả lại sự công bằng cho sản xuất phân bón trong nước, nông dân cả nước sẽ được hưởng lợi.

"Trong dài hạn, giá phân bón thấp hơn, có nhiều loại tốt hơn, góp phần giảm giá trị vật tư đầu vào, cải thiện hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập đáng kể của nông dân và ngành nông nghiệp", Tờ trình của Bộ Tài chính nêu.

Cũng theo Bộ Tài chính, việc quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5% khi áp dụng ở tất cả các khâu: Nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu cùng loại, khuyến khích các doanh nghiệp phân bón đầu tư dây chuyền mới sản xuất phân bón có chất lượng cao, phân bón thế hệ mới.

Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Tài chính tính toán khi áp dụng 5% thuế giá trị gia tăng với phân bón, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước giảm được giá thành sản xuất tương đương với 5% trên giá bán, mà theo số liệu từ Bộ Tài chính và Hiệp hội phân bón là khoảng 950 tỷ đồng.

“Vì vậy, giá phân bón sản xuất trong nước có thêm điều kiện để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, từ đó có thêm cơ hội để hạ giá phân bón so với phân bón nhập khẩu theo cơ chế thị trường”, Bộ Tài chính phân tích.

Việc điều chỉnh chính sách thuế thuế giá trị gia tăng đối với phân bón giúp tháo gỡ khó khăn cho các nhà sản xuất trong nước, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung.

Bộ Tài chính cho rằng: Do phân bón là đầu vào của hoạt động trồng trọt nên việc áp dụng mức thuế suất ưu đãi 5% so với mức thuế suất phổ thông (10%) sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất cho người nông dân.

Trao đổi với Dân trí, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó tổng giám đốc Công ty Đạm Cà Mau nói: "Trước năm 2015, phân bón là mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng 5%. Tất cả sắc thuế đánh trên giá trị nguyên liệu đầu vào, bao gồm cả đầu tư nhà máy, thì sẽ được liệt kê ra và được khấu trừ. Tuy nhiên Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế (có hiệu lực từ 1/1/2015) đã chuyển phân bón sang đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Cho nên, các chi phí đầu vào không được khấu trừ nữa".

"Khi được khấu trừ chi phí đầu vào, giá bán sản phẩm là 10 đồng. Nhưng vì không được khấu trừ nên giá bán ra thị trường là 12 đồng. Do vậy, nếu được chuyển sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5%, giá bán phân bón sẽ cạnh tranh hơn trong thị trường dư cung như hiện nay", bà Hiền nói.

Hiện nay, các nhà máy phía Tây Nam Trung Quốc 1 năm có thể xuất khẩu trên 10 triệu tấn, còn Indonesia cũng có nhiều lợi thế về giá bán, cho nên sức ép với phân bón trong nước là rất lớn. Đó là chưa kể, các doanh nghiệp trong nước cũng cạnh tranh nhau khốc liệt.

"Có thời điểm, Đạm Cà Mau phải tìm cách xuất sang các thị trường ngách - tức xuất đi các thị trường mà nước khác không làm - khi tồn kho ở mức cao do phân bón tiêu thụ theo mùa vụ", bà Hiền cho biết thêm.

Theo bà này, mỗi ngày, Nhà máy Đạm Cà Mau sản xuất 2.700 tấn. Cho nên, nếu một ngày không bán được thì hàng chất đầy kho. Cho nên phải bán hàng để làm sao có được lợi nhuận chứ không phải bán bằng mọi giá., thậm chí có thời điểm phải chấp nhận mang hàng sang tận châu Phi bán.

Ông Cao Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí, nhận xét: Ngay khi Luật thuế 71 có hiệu lực, chỉ thời gian ngắn sau các doanh nghiệp đã thấy bất cập. Do không được khấu từ chi phí nên người tiêu dùng phải gánh chịu tất cả. Trang thiết bị đầu tư nhưng không được hoàn thuế, nguyên liệu sản xuất cũng vậy khiến giá thành bị đội lên.

Về phía Hội Nông dân Việt Nam, đại diện Hội này cho rằng việc sửa đổi sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giảm bớt khó khăn cho các đơn vị trong nước, từ đó thêm cơ hội cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

"Tuy nhiên, cần có các quy định, nguyên tắc để các doanh nghiệp sản xuất phân bón không tăng giá bán phân bón trên thị trường thông qua các giải pháp như: Tăng cường quản trị, rà soát tiết giảm chi phí để giảm giá thành, hạ giá bán sản phẩm, chia sẻ lợi ích với người nông dân trên cơ sở các bên cùng có lợi", đại diện Hội Nông dân Việt Nam nêu quan điểm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm