Áp lực trả nợ trái phiếu của các thành viên Trungnam Group ra sao?

Hà Ngân

(Dân trí) - Áp lực trả nợ trái phiếu của các thành viên Trungnam Group nặng nhất rơi vào các năm 2024, 2029 và 2035. Riêng năm 2023, trái phiếu đến hạn gần 3.000 tỷ đồng.

"Bức tranh" trái phiếu Trungnam

Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Trung Nam (TNRE), đơn vị thành viên của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group), mới đây thông báo gia hạn thời gian trả gốc và lãi lô trái phiếu TRECB2223001 tổng trị giá 1.586 tỷ đồng từ ngày 30/6 đến ngày 4/8. Trong đó, 1.500 tỷ đồng là gốc trái phiếu và 86 tỷ đồng là lãi.

Trước đó, thành viên khác của Trungnam Group là Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh cho biết không thể thanh toán đúng hạn lãi phát sinh 642 triệu đồng cho lô trái phiếu TVSCH2123001 (giá trị đang lưu hành 25,5 tỷ đồng) vào ngày 26/7. Công ty đang tiếp tục thu xếp nguồn thanh toán cho trái chủ.

Áp lực trả nợ trái phiếu của các thành viên Trungnam Group ra sao? - 1

Trái phiếu "họ" Trungnam (Nguồn: Tổng hợp).

Vào tháng 3, Trungnam Group cũng thông báo gặp các vấn đề dòng tiền nên không thanh toán đủ gốc trái phiếu khi đến hạn.

Cụ thể, lô trái phiếu TNGCH2223001 trị giá 400 tỷ đồng đến hạn thanh toán vào 16/3, tập đoàn trả được 80 tỷ đồng cùng lãi phát sinh 9,4 tỷ đồng. Hay lô trái phiếu TNGCH2223002 trị giá 300 tỷ đồng đến hạn 22/3, tập đoàn mới thanh toán 30,6 tỷ đồng kèm lãi 7 tỷ đồng.

Nguyên nhân nhóm không thanh toán nợ trái phiếu đến hạn gồm các dự án mới đi vào vận hành đang trong thời gian cân chỉnh chưa chạy hết công suất, lãi suất tăng cao, EVN chậm thanh toán tiền hay điều kiện khí hậu không thuận lợi…

Tính đến cuối năm 2022, tập đoàn năng lượng có 27.914 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Nợ phải trả gấp 2,44 lần vốn chủ sở hữu ở mức 68.110 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu tương đương 0,87% vốn chủ sở hữu, tức khoảng 24.300 tỷ đồng. Riêng với công ty mẹ, vốn chủ sở hữu 23.561 tỷ đồng, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu 0,85 và dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu 0,17.

Vào giai đoạn 2019-2021, nhóm doanh nghiệp trở thành cái tên "nóng" trên thị trường khi liên tục huy động hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (Bình Thuận/Ninh Thuận), điện gió Ea Nam, điện gió Trung Nam - Trà Vinh… Lãi suất trong khoảng 9,5-10,5%/năm trong năm đầu tiên. Các năm tiếp theo, lãi suất được thả nổi cộng biên độ 3,2% đến 3,9%.

Thống kê cho thấy tổng dư nợ trái phiếu tính đến cuối năm 2022 của cả nhóm ở mức 24.270 tỷ đồng. Trong đó, riêng dư nợ Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 là gần 10.000 tỷ đồng, Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam gần 5.000 tỷ đồng.

Áp lực trả nợ trái phiếu của các thành viên Trungnam Group ra sao? - 2

Một dự án điện gió của Trungnam (Ảnh: Trungnam Group).

Trong năm 2023, cả nhóm có 2.955,4 tỷ đồng trái phiếu đến hạn gồm 2.630 tỷ đồng huy động trong năm 2022 với kỳ hạn 1 năm, 300 tỷ đồng huy động từ 2019 và phần còn lại của lô trái phiếu TVSCH2123001 chào bán cuối năm 2021.

Ngoài 3 lô trái phiếu đã có thông báo thanh toán không đúng hạn thì còn 1 lô khác trị giá 430 tỷ đồng đến hạn 24/6, 1 lô 300 tỷ đồng đến hạn vào 3/6 và phần còn lại lô trái phiếu TVSCH2123001 trị giá 25,4 tỷ đồng đáo hạn cuối năm.

Những năm nhóm Trungnam Group có lượng trái phiếu đáo hạn lớn gồm năm 2024 với 4.500 tỷ đồng, năm 2029 là 4.863 tỷ đồng và năm 2035 nhiều nhất với 7.178 tỷ đồng.

Theo thỏa thuận mua bán trái phiếu giữa Trungnam Group và các bên, tổ chức phát hành có quyền mua lại một phần hoặc toàn bộ trái phiếu trước hạn trên cơ cở tuân thủ các điều khoản và điều kiện của trái phiếu, thời gian có thể 1 năm sau phát hành.

Ngược lại, chủ sở hữu trái phiếu có thể đề nghị tổ chức phát hành mua một phần hoặc toàn bộ trái phiếu bất cứ thời điểm nào, song tổ chức phát hành có quyền quyết định có mua lại hay không.

Nhiều dự án hoàn thành giai đoạn 2020-2021

Mặc dù đang gặp khó trong dòng tiền nhưng các dự án của Trungnam Group đa phần đều hoàn thành trong năm 2020-2021, kịp thời hưởng giá ưu đãi.

Có thể kể đến Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW, sản lượng 1,2 tỷ kWh khánh thành năm 2020; Điện gió Ea Nam 400MW, sản lượng 1,1 tỷ kWh hoàn thành năm 2021; Điện gió số 5 - Ninh Thuận đi vào vận hành 2021... Hầu hết công ty thành viên bắt đầu có doanh thu và lợi nhuận từ 2021.

Riêng Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 báo lỗ đậm 859 tỷ đồng ngay năm đầu tiên vận hành. Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam tiếp tục giảm lãi xuống 81 tỷ đồng, giảm 80% so với 2021.

Hợp nhất, "ông lớn" năng lượng tái tạo Trungnam Group lãi giảm mạnh từ 1.635 tỷ đồng năm 2021 xuống 254,7 tỷ đồng năm 2022. Nguyên nhân là trong năm 2021, tập đoàn đã bán 49% cổ phần tại nhà máy điện mặt trời Trung Nam cho Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) và bán 35,1% cổ phần cho Tập đoàn Hitachi (Nhật Bản).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm