Áp lực tiêu tiền của Bộ Giao thông: Phải giải ngân tiếp hơn 12.000 tỷ đồng

Mộc An

(Dân trí) - Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân được khoảng 40.700 tỷ đồng (đạt khoảng 74%). Để phấn đấu đạt tối thiểu 95%, bộ này hướng tới mục tiêu giải ngân khoảng 12.300 tỷ đồng thời gian tới.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 diễn ra sáng 17/12, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết Bộ GTVT luôn nằm trong số các bộ, ngành đạt tỷ lệ giải ngân cao so với bình quân cả nước.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ và giá trị giải ngân vốn đầu tư công của cả nước cũng như của Bộ GTVT tăng dần qua các năm, tuy nhiên đều không đạt 100% kế hoạch đề ra.

Áp lực tiêu tiền của Bộ Giao thông: Phải giải ngân tiếp hơn 12.000 tỷ đồng - 1

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang (Ảnh: Cục hàng hải Việt Nam)

Cụ thể, năm 2019, Bộ giải ngân 26.575 tỷ đồng trên 30.134 tỷ đồng (đạt 88,2%), cả nước giải ngân hơn 325.111 tỷ đồng (đạt 76,75%). Năm 2020, Bộ GTVT giải ngân 35.209 tỷ đồng trên 36.122 tỷ đồng (đạt 97,5%), cả nước giải ngân hơn 455.031 tỷ đồng (đạt 81,59%). Năm 2021, Bộ GTVT giải ngân 40.300 tỷ đồng trên 42.996 tỷ đồng (đạt 93,7%), cả nước giải ngân 417.702 tỷ đồng (đạt 92,34%).

Đối với năm 2022, đến nay, Bộ GTVT đã giải ngân được khoảng 40.700 tỷ đồng trên 55.051 tỷ đồng kế hoạch (đạt khoảng 74%). Dự kiến cả năm nay, Bộ này phấn đấu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao, tương ứng khoảng 53.000 tỷ đồng. Như vậy để đạt mục tiêu, Bộ GTVT hướng tới mục tiêu giải ngân khoảng 12.300 tỷ đồng.

Năm 2023, Bộ GTVT được giao nhiệm giải ngân 94.161 tỷ đồng vốn đầu tư công, cũng là giá trị vốn được giao lớn nhất của Bộ GTVT từ trước tới nay (gấp 1,7 lần năm 2022 và gấp 2,2 lần năm 2021).

Việc giải ngân hết nguồn vốn được bố trí là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, thách thức đối với Bộ GTVT. Điều này, theo lãnh đạo Bộ, đặc biệt khó khăn trong điều kiện tổ chức triển khai các dự án năm 2023 vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2023, Bộ GTVT đưa ra các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án.

Thứ nhất là nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đối với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương để từ đó các địa phương có sự quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp trong cả hệ thống chính trị nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung cấp và giá thành nguyên vật liệu.

Thứ hai là tăng cường năng lực của các chủ thể tham gia thực hiện các dự án thông qua việc lựa chọn các nhà thầu xây dựng và tư vấn có đủ năng lực; tạo điều kiện, tăng tính chủ động về tài chính cho các nhà thầu thông qua việc tăng tỷ lệ tạm ứng hợp đồng, kết hợp giải pháp kiểm soát quá trình giải ngân để bảo đảm nguồn vốn của dự án được sử dụng đúng mục đích, phát huy tối đa hiệu quả.

Thứ ba là nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo điều hành; đẩy mạnh công tác hoàn thiện thủ tục xây dựng cơ bản, đẩy mạnh tiến độ thi công các dự án, tinh giản thủ tục nghiệm thu thanh toán, quyết toán cho các dự án theo đúng quy định.

Thứ tư là trong công tác xây dựng, điều hành kế hoạch, cần phải đôn
đốc hoàn thiện các thủ tục đầu tư để sớm giao kế hoạch, đảm bảo cấp vốn kịp thời cho các dự án. Bên cạnh đó là lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho toàn bộ thời gian thực hiện dự án và kế hoạch chi tiết từng tháng, quý đối với kế hoạch hàng năm và phải phù hợp với các mốc tiến độ của dự án để chủ động trong công tác chỉ đạo điều hành. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch đầu tư công cũng được tăng cường để kịp thời phát hiện, xử lý các vướng mắc, chủ động đề xuất điều hòa, điều chỉnh kế hoạch giữa các dự án, kiên quyết điều chỉnh giảm kế hoạch của các dự án thực hiện chậm cho các dự án có tiến độ tốt, giải ngân nhanh.