Đại biểu Quốc hội bóc nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm

Trần Kháng

(Dân trí) - Thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 27/10, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, phân tích nguyên nhân dẫn tới thực trạng giải ngân vốn đầu tư công liên tục chậm.

Kỷ luật trong đầu tư công chưa cao

Đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) cho biết, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay đến ngày 30/9 mới đạt 46,7% thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2021. Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề tồn tại, kéo dài nhiều năm chưa có chuyển biến đáng kể.

Đại biểu Quốc hội bóc nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm - 1

Ông Bế Minh Đức, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng (Ảnh: Quốc Chính).

Theo ông Đức, nguyên nhân dẫn tới tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cùng với đó, các yếu tố biến động từ bên ngoài tác động đến nền kinh tế dẫn tới giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, cước phí vận chuyển hàng hóa cao, tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng...

Giải ngân vốn đầu tư chậm còn do nguyên nhân chủ quan là một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ, chưa thống nhất, chưa khả thi, ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công chưa cao, thái độ thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn kém, năng lực triển khai thực hiện còn yếu, chưa quyết liệt.

Xuất phát từ thực tiễn tại địa phương, vị đại biểu Quốc hội này cũng nêu ra số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư công. Thứ nhất, thể chế, chính sách liên quan đến triển khai các dự án đầu tư còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của dự án.

"Theo quy định của pháp luật, từ khi hình thành dự án cho đến khi giải ngân được vốn, tổ chức thi công phải trải qua rất nhiều giai đoạn, thủ tục. Ví dụ như công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện một dự án thường phải trải qua khoảng 12 bước, đối với dự án nhóm A, nếu thực hiện đúng thủ tục, trình tự thường mất thời gian khoảng gần 2 năm, với dự án nhóm B, nhóm C thường mất khoảng 9 đến 10 tháng, đó là không kể đến vướng mắc gì trong các khâu thẩm định hay giải phóng mặt bằng", ông Đức phân tích.

Mặt khác, theo ông Đức, thủ tục, trình tự triển khai thực hiện một dự án lại được quy định ở rất nhiều văn bản pháp luật liên quan như: Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công... một giai đoạn phải tuân thủ nghiêm ngặt về thủ tục, trình tự theo đúng thời gian quy định nên dẫn đến tiến độ chậm.

Ngoài ra, các dự án liên quan đến điều chỉnh quy hoạch các loại rừng thường mất thêm thời gian khoảng 4 tháng. Một số quy định trong các văn bản hướng dẫn còn có sự giao thoa, chồng chéo, dẫn đến mất rất nhiều thời gian hoàn thiện các thủ tục theo trình tự quy định…

Để tháo gỡ những khó khăn, ông Đức đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo quy định chặt chẽ và được thực thi nghiêm túc để tạo động lực cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có nhiệm vụ triển khai thực hiện các dự án đầu tư công.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Trần Quốc Quân (đoàn Long An) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của việc giải ngân chậm là do không có khối lượng hoàn thành để làm cơ sở giải ngân theo quy định, chậm triển khai dự án, thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, chậm điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay, công tác nghiệm thu, thanh quyết toán.

Đại biểu Quốc hội bóc nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm - 2

Ông Trần Quốc Quân- đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An (Ảnh: Quốc Chính).

Ông Quân đề nghị, các bộ, ngành, địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân, chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng.

Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao. Đối với dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư thì kịp thời điều chỉnh chủ trương đầu tư để sớm điều chỉnh thời hạn giải ngân, điều chỉnh vốn, phân bổ.

Bên cạnh đó, các chủ dự án, ban quản lý dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư xây dựng, về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi ngay sau khi có khối lượng hoàn thành.

Quyết liệt xử lý đối với từng dự án

Về vấn đề này, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai), chúng ta quyết liệt trong chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản thì kết quả giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm nay lại thấp hơn với cùng kỳ năm 2021, năm bị ảnh hưởng rất tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Đại biểu Quốc hội bóc nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm - 3

Ông Lê Hoàng Anh - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai (Ảnh: Quốc Chính).

"Tôi thống nhất với 3 nhóm, 25 thách thức khó khăn, vướng mắc trong Báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, về giải pháp, tôi cho rằng cần phải quyết liệt xử lý đối với từng dự án một. Cả nước trong 5 năm chỉ có 5.000 dự án nhưng ở đâu cũng thấy mắc như các đại biểu đã nói, giải ngân rất chậm", ông Anh nói.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh), giải ngân vốn đầu tư công vẫn là điểm nghẽn nhiều năm qua chưa được khắc phục triệt để, nhiều khả năng không đạt mục tiêu của Quốc hội đề ra mặc dù ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, qua đây cho thấy kỷ luật, kỷ cương đầu tư công chưa thật sự nghiêm.

Đại biểu Quốc hội bóc nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm - 4

Ông Huỳnh Thanh Phương - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh (Ảnh: Quốc Chính).

Ông cho rằng, cần phát huy trách nhiệm và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị gắn với quản lý khoa học, nhất là người đứng đầu nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Các ngành, các địa phương cần chủ động nắm chắc những vướng mắc trong cơ chế và tháo gỡ theo thẩm quyền, kịp thời kiến nghị với các cơ quan chức năng những vấn đề vượt thẩm quyền, đảm bảo cho việc hấp thụ vốn đầu tư công một cách hiệu quả nhất.