Áp lực lạm phát có thể nghiêm trọng hơn

“Nếu Nhà nước làm mọi cách để chấm dứt lạm phát từ tháng 5 trở đi thì lạm phát vào tháng 12/2008 so với tháng 12/2007 vẫn là 16,9%, và lạm phát trung bình cả năm so với năm 2007 vẫn ở mức cao là 19,7%” - tính toán của chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt.

Nếu giảm mức lạm phát những tháng sắp tới xuống 1% thì lạm phát vẫn trên 21,6%. Và nếu ở mức 2,2%/tháng như hiện nay thì lạm phát sẽ lên 33%. Tuy nhiên, không nhà kinh tế nào lại chỉ nhìn vấn đề trung bình như vậy. Vấn đề ở chỗ mức độ giảm hàng tháng của lạm phát như thế nào.

Đấy là tình hình hiện nay khi nhìn về tương lai. Tình hình có thể còn nghiêm trọng hơn thế. Năm 2007, thâm hụt cán cân thương mại (kể cả hàng hóa và dịch vụ) là 14,1 tỉ USD (12,4 tỉ USD nếu chỉ tính hàng hóa), được giải quyết bằng ba nguồn tài chính từ nước ngoài đổ vào: (1) người Việt sống và làm việc ở nước ngoài chuyển về nước 6,3 tỉ USD, bằng 9,8% GDP, (2) đầu tư trực tiếp của nước ngoài khoảng 4 tỉ USD, và (3) phần còn lại là đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán và vay mượn ngắn hạn. Đây chỉ là những thông tin dựa vào nguồn phi chính thức.

Năm 2008, thâm hụt cán cân thương mại đang xấu hơn nhiều. Nhập thép, nhập ô tô là khoản tăng đáng kể nhất, chắc là do các kế hoạch đầu tư tràn lan của các tập đoàn nhà nước và tiêu dùng của giới giàu có mới nổi thời gian qua (những điều này đều có thể kiểm chứng qua xem xét chi tiết chủ nhân hàng nhập khẩu).

Chỉ bốn tháng đầu năm, nhập siêu hàng hóa đã lên đến 11,1 tỉ USD, bằng 16,5% GDP (so với mức thâm hụt của Mỹ là 5%, nguyên nhân sâu xa tạo ra khủng hoảng tài chính trên thế giới hiện nay). Đây là điều chưa từng xảy ra trong nền kinh tế Việt Nam.

Nếu tiếp tục như hiện nay, thâm hụt từ nhập siêu có thể tới 30 tỉ USD. Vậy nguồn vốn nào để bù đắp cho nó, khi mà khả năng đầu tư của nước ngoài cả trực tiếp lẫn gián tiếp đều không còn “hồng” nữa. Những gì đã cam kết sẽ thành chờ thời.

Cầu ngoại tệ sẽ cao hơn cung và sẽ được giải quyết bằng khoảng 30 tỉ USD dự trữ hiện nay, và tất nhiên là sẽ đưa đến việc đồng Việt Nam sẽ mất giá so với USD, giá hàng nhập bằng đồng Việt Nam sẽ đắt lên, tạo thêm áp lực đối với lạm phát.

Biện pháp cụ thể

Biện pháp cụ thể phải dựa trên các thông tin cụ thể, rất thiếu hiện nay. Tuy nhiên chúng ta có thể đặt ra quy trình phải làm. Nói một cách tổng quát, không thể đưa lạm phát xuống nếu không đưa cung tiền và cung tín dụng xuống. Mà biện pháp cơ bản là lãi suất. Đặt trần lãi suất là một hành động phi thị trường, nhất là lại đặt trần thấp hơn cả tốc độ lạm phát.

Trong tình hình lạm phát, lãi suất tăng là yêu cầu khách quan nhằm giảm cầu, đặc biệt là đầu tư, và khuyến khích để dành. Cái cần đặt trần, chủ yếu nhằm chống cho vay nặng lãi kiểu bóc lột, là chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động.

Đặt trần lãi suất như hiện nay không khuyến khích để dành. Với lãi suất thấp, nhu cầu đầu tư vẫn cao, sẽ đưa tới việc thiếu thanh khoản.

Từ nhận định trên, điều mà tổng tư lệnh chống lạm phát (ở Việt Nam thì không ai khác hơn là Thủ tướng) cần làm là theo dõi sát sao để có những quyết định thích hợp:

- Các thông tin về chỉ số lạm phát, về tổng cung tiền, tổng tín dụng, phải có ở mức hàng tuần để có biện pháp điều hành lãi suất cho phù hợp. Ý tưởng chủ đạo là không thể đưa nền kinh tế trở lại bình ổn nếu như cung tiền tăng ở mức trên 20% một năm.

- Chi tiêu đầu tư của Nhà nước và của cả các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước phải bị cắt giảm, kể cả khả năng tạm thời chấm dứt toàn bộ các đầu tư mới. Các thông tin này, giai đoạn hiện nay, phải theo dõi hàng tháng.

- Các thông tin phải có về xuất nhập khẩu (cần thiết đến mức biết được chủ nhân hàng xuất nhập).

- Tăng cường việc kiểm soát ngân sách. Ở bất cứ đâu, muốn kiểm soát ngân sách thì ngân sách đã phải ghi thành từng dòng chi (từ chi đầu tư vào đâu, chi mua xe, chi ra nước ngoài, chi hội nghị...) và nếu quy trình là phải thông qua Kho bạc Nhà nước để có tiền chi thì khi tổng tư lệnh ra lệnh đình chỉ các khoản chi theo dòng mã số thì dù có Bộ trưởng Tài chính yêu cầu chi, Kho bạc Nhà nước cũng phải từ chối.

Vấn đề kiểm soát giá

Tôi hoàn toàn đồng ý với TS Lê Đăng Doanh là hãy để thị trường vận hành, nhưng Nhà nước phải theo dõi sát sao, chống các hành vi đầu cơ. Và điều này không khó vì các nhóm tiếp tay cho đầu cơ như đầu cơ gạo vừa qua chính là các doanh nghiệp nhà nước, mà cho đến nay Nhà nước vẫn không có biện pháp mạnh để trừng trị.

Tình hình mất tin tưởng vào chính sách cũng như tập đoàn lũng đoạn nhà nước đã đưa đến dư luận trên báo chí đòi hỏi kìm giá. Nhưng làm như vậy sẽ không giải quyết được lạm phát mà còn làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Đây là đòi hỏi Nhà nước làm chuyện bất khả.

Giá xăng dầu không nằm trong tay Nhà nước mà là do cung cầu trên thị trường thế giới quyết định. Việc giữ giá sẽ đòi hỏi bù lỗ, thúc đẩy xuất lậu, và có thể đưa đến tình trạng in khống tiền chi trả, tạo thêm lạm phát.

Giá điện cũng thế, nó phải có mục đích quân bình cung cầu, nhất là khi lượng điện sử dụng để sản xuất cùng một giá trị hàng hóa ở Việt Nam cao gấp nhiều lần so với các nước khác.

Điều này đáng lẽ đã phải làm vài năm trước khi nền kinh tế thế giới và cả Việt Nam ở trong tình trạng giảm phát. Nhưng dù thời cơ đã qua, không thể không làm nếu như ngân sách không chịu đựng nổi.

Ở đây cần thấy giải pháp chống lạm phát phải mang tính trọn gói. Giá xăng, giá điện tăng lên sẽ đưa đến giảm chi tiêu, giảm đầu tư, và với các biện pháp kiểm soát cung tiền và tín dụng chặt chẽ, mức tăng giá nói chung sẽ bị kiềm chế.

Nhưng chính điều này đòi hỏi toàn bộ lợi nhuận của các tập đoàn độc quyền như tập đoàn Điện lực, Nhà xuất bản Giáo dục thu thêm được phải nộp lại cho ngân sách, để Nhà nước xử lý vào bù lỗ vào những nơi đáng bù lỗ, đặc biệt là cho dân nghèo.

Vũ Quang Việt
Thời báo kinh tế Sài Gòn