Anh hùng Phạm Tuân: “Chị Thái Hương đã làm nên kỳ tích”

(Dân trí) - Nhiều người Việt Nam biết về Phạm Tuân, phi công đã bắn rơi máy bay B52, phi hành gia bay vào vũ trụ – người 3 lần được phong Anh hùng ở cả Việt Nam và Liên xô (trước đây) khi tuổi đời còn rất trẻ. Ít ai biết rằng, ông còn là một doanh nhân trong lĩnh vực ngân hàng, từng là Chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội trong vòng 6 năm.

Từ góc nhìn kinh tế của người rất am hiểu nước Nga, ông đã có cuộc phỏng vấn về Dự án kinh tế đình đám của Việt Nam đang được triển khai tại Liên bang Nga- Dự án sữa TH true MILK của nữ doanh nhân Thái Hương.

Ngày 7/9, ông là người có mặt tại Lễ Khởi công Nhà máy chế biến sữa TH của tập đoàn TH tại Khu kinh tế đặc biệt thuộc tỉnh Kaluga. Ngồi khiêm nhường trong gần 700 đại biểu, ông lắng nghe và ủng hộ từng bước đi của bà Thái Hương- nhà sáng lập tập đoàn TH.


Chân dung anh hùng Phạm Tuân

Chân dung anh hùng Phạm Tuân

Lễ Khởi công Nhà máy chế biến sữa TH ở Kaluga có sự hiện diện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; ông Alexei Vasilievich Gordeev - Phó Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga; ông Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ ngoại giao cùng nhiều lãnh đạo cấp cao khác. Ông nhìn nhận thế nào về sự ủng hộ ở cấp chính phủ cho Dự án này?

Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của chị Thái Hương – khi sang Nga đã không còn là câu chuyện của riêng doanh nghiệp mà đó là Dự án đối trọng của Việt Nam thể hiện sự hợp tác giữa 2 bên. Chính bởi vậy, Dự án được sự quan tâm của cả 2 Chính phủ. Trong các chuyến thăm Nga, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đều quan tâm… và tôi được biết ở Nga không chỉ các tỉnh trưởng quan tâm, tạo điều kiện mà cả Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng biết tới dự án này và rất ủng hộ.

Dự án này là Dự án lớn đầu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp nên có vai trò đặt nền móng quan hệ đầu tư đa dạng giữa hai nước. Nếu chỉ một mình doanh nghiệp vào thì khó, nhưng Dự án của TH mang tính biểu tượng, đi đầu nên được sự ủng hộ.

Quá trình hợp tác toàn diện là quá trình lâu dài và chắc chắn là chúng ta đặt nền móng rồi thì sẽ lan tỏa, sẽ có nhiều doanh nghiệp làm nhiều công trình khác nhiều dự án khác nữa trên đất Nga.

Thời điểm Mỹ và các nước Châu Âu thực hiện lệnh cấm vận tại Nga, đồng rup mất giá, nhiều nhà đầu tư tháo chạy khỏi Nga, bà Thái Hương lại làm ngược lại, lên kế hoạch đổ tới 2,7 tỷ USD vào Nga làm nông nghiệp. Ông có lo ngại những bất ổn đó sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp?

Thời điểm đó đúng là rất khó khăn, người Việt buôn bán ở Nga mua hàng bằng USD, bán hàng bằng rup nên càng bán càng lỗ- nhiều khi phải giữ hàng, không dám bán. Nhưng đó là những người buôn bán nhỏ lẻ và thời điểm đó cũng qua rất nhanh nhờ các chính sách mạnh mẽ của Chính phủ của ông Vladimir Putin.


Hình ảnh trang trại TH ở Moscow

Hình ảnh trang trại TH ở Moscow

Khi Nga trả đũa bằng lệnh cấm nhập khẩu sữa và thực phẩm, các nhà lãnh đạo Nga đã tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp để tự chủ nguồn hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản trong nước bằng các chính sách ưu đãi đặc biệt cho phát triển nông nghiệp trong đó có sữa. Về mặt chính sách, nước Nga làm rất tốt và có tính cam kết nên tôi cho rằng không có gì đáng lo ngại.

Lĩnh vực nông nghiệp vốn là lĩnh vực có nhiều rủi ro, đặc biệt là nước Nga có những tháng mùa đông tuyết phủ- không thể trồng cấy. Từ góc nhìn của một chủ tịch ngân hàng, ông đánh giá thế nào về rủi ro này?

Tôi là nông dân chính hiệu và giờ vẫn là nông dân. Tôi đang trồng cây phong lan và cây cảnh (cười). Tôi nhận thấy nếu ứng dụng công nghệ, kiểm soát các tác động về thời tiết thì cây cối lên tốt và sống khỏe.

Điều tôi muốn nói là- lĩnh vực nông nghiệp có thể có rủi ro- nhưng là trước kia thôi, khi người nông dân phó mặc đồng ruộng của mình cho trời đất. Còn hiện nay, nhờ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp- các yếu tố ảnh hưởng như khí hậu, dịch bệnh đều được khắc chế, kiểm soát. Mà ở Việt Nam, chị Thái Hương nổi tiếng là người có tư duy vượt trội áp dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa thì các rủi ro đều có thể kiểm soát được.

Nhiều người cũng đặt câu hỏi, nước Nga từng là cường quốc trong nông nghiệp, vì sao khi chính phủ tái cấu trúc, doanh nghiệp trong nước không làm mà lại là một doanh nghiệp ở đất nước xa xôi tới đây làm? Liệu sau này họ làm, doanh nghiệp đó có cạnh tranh được không?

Nước Nga đã ở trong nền bao cấp hàng trăm năm nên tư duy kinh tế của họ trước kia là tư duy bao cấp. Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin lên nắm quyền, tư duy này thay đổi rất nhanh. Người Nga và doanh nghiệp của Nga đầu tư, phát triển ở nhiều lĩnh vực mà họ có thế mạnh.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nước Nga có đất đai rộng lớn, nông dân Nga chỉ cần gieo hạt- tới vụ là có thể thu hoạch đủ ăn và dư ra thì bán thô. Người Nga được thiên nhiên ưu đãi nhưng chưa đầu tư đúng mức cho lĩnh vực nông nghiệp và thực tế lĩnh vực này còn bỏ ngỏ. Đây là điểm mà mình có thể tận dụng.


Bà Thái Hương chụp ảnh lưu niệm với anh hùng Phạm Tuân

Bà Thái Hương chụp ảnh lưu niệm với anh hùng Phạm Tuân

Khi Nga cấm vận, chị Thái Hương đã nhanh chóng triển khai Dự án chăn nuôi bò sữa và đón đầu xu hướng đầu tư trong nông nghiệp ở Nga. Sau này có thể có các doanh nghiệp lớn khác cũng nhìn thấy cơ hội, nhưng chị Thái Hương là người đi trước- và đương nhiên là có nhiều lợi thế trong tổ chức sản xuất và làm thị trường.

Quan hệ đối tác 2 nước Việt- Nga đã nâng lên tầm đối tác chiến lược, ông đánh giá thế nào về mức độ đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Nga?

Quy mô đầu tư lớn nhất lên tới tỷ đô giữa 2 nước Việt – Nga là trong lĩnh vực dầu khí. Còn trong các lĩnh vực khác, trước đây và cả bây giờ, có nhiều doanh nghiệp đầu tư sang Nga nhưng đó chỉ là doanh nghiệp nhỏ so với tầm cỡ doanh nghiệp như của TH. Phải nói chị Thái Hương đã là một nữ doanh nhân nổi tiếng không chỉ ở nước ta mà ở tầm cỡ khu vực, châu lục rồi và đã từng có kinh nghiệm đầu tư ở Việt Nam nên khi sang Nga chị tự tin đầu tư lớn với những bước đi rất bài bản.

TH đầu tư cả tỷ đô vào nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại bậc nhất thế giới chứ không phải đầu tư bình thường. Thời điểm chị Thái Hương đầu tư vào Nga cũng là một thời cơ. Nước Nga có tiềm năng rất lớn về nông nghiệp, đất đai bát ngát mênh mông nhưng mà người ta khai thác chưa được như mong muốn. Bởi vậy Dự án của TH đã đạt được 2 điểm quan trọng: Thứ nhất, TH đã tìm được cơ hội để đầu tư để có thể thu được lợi nhuận; Thứ 2, đầu tư vào đây thể hiện hai mối quan hệ giữa hai nước ngày càng đi sâu vào thực chất. Doanh nghiệp Nga đã từng đầu tư vào chúng ta, giờ đây doanh nghiệp Việt Nam tìm được cơ hội để đầu tư trở lại thì có lẽ người Nga sẽ nhìn thấy rằng con người Việt Nam luôn luôn quan tâm đến nước Nga không chỉ ở lời nói mà thực tế ở việc làm.

Mức đầu tư của chị rất lớn chứ không phải nhỏ, thể hiện lòng biết ơn nước Nga và góp phần nâng cao đời sống cho người dân Nga. Việc này sẽ để lại trong ý thức trong tâm trí của người dân Nga. Sau này, sản phẩm của nhà máy sản xuất ra mà chất lượng tốt, người dân Nga chấp nhận thì đó thực sự là kết quả của tình đoàn kết, hợp tác chiến lược của chúng ta.


Cánh đồng cỏ TH tại Nga

Cánh đồng cỏ TH tại Nga

Trong lĩnh vực kinh doanh, đã sinh ra doanh nghiệp là phải có lợi nhuận, không thể nói đầu tư không lợi nhuận được. Nhưng với TH, việc đầu tư này còn mang đậm tình cảm tri ân và có cái tâm, có đạo đức trong việc sản xuất sản phẩm của mình thì không phải tất cả các doanh nghiệp làm được như vậy đâu. Nhìn vào góc độ con người, tôi thấy đó là điều tuyệt vời.

Câu hỏi cuối cùng, nhiều người khi biết về chiến công của ông và biết về Dự án chăn nuôi bò sữa- chế biến sữa của bà Thái Hương ở Nga thì cho rằng có nhiều điểm tương đồng, cả 2 đều bước vào lĩnh vực mà Việt Nam còn non trẻ và cả 2 đều rất dũng cảm, anh hùng làm nên những kỳ tích. Ông nghĩ thế nào về nhận xét này?

Tôi thấy nhận xét đó thú vị. Năm 1977, khi tôi sang Nga học về ngành hàng không vũ trụ, Việt Nam lúc đó thành lập Viện nghiên cứu hàng không- vũ trụ. Đó là lĩnh vực rất mới tại Việt Nam. Không ít người cho rằng sau chiến tranh, đất nước còn khó khăn lo làm những việc trước mắt như phục hồi kinh tế, sản xuất, chưa cần nghiên cứu những cái cao xa như vũ trụ. Tuy nhiên, ngành học đó không hề cao xa mà có ý nghĩa thực tiễn rất cao. Tôi cùng thầy tôi- lái chính đã bay trên con tàu vũ trụ với vận tốc 8km/s, bay 1 vòng trái đất hết 90 phút. Đây là chuyến bay đầu tiên phối hợp giữa 2 nước và đặt nền móng cho nghiên cứu vũ trụ trong những năm tiếp theo. Lĩnh vực vũ trụ rất mới với Việt Nam, trong lâu dài có ý nghĩa rất lớn đối với các nền kinh tế, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển con người trên trái đất. Hiện tại Việt Nam vẫn đang nghiên cứu, phát triển lĩnh vực này.

Tương tự như vậy, Việt Nam là đất nước còn non trẻ trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa nhưng đó là chuyện của 10 năm trước. Chị Thái Hương đã làm thay đổi quan niệm đó về Việt Nam, đã có kinh nghiệm thành công với Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa rất lớn. Nước Nga là đất nước có truyền thống lâu đời về sử dụng sữa, nhưng khoảng 20 năm trở lại đây- ngành nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi bò sữa bị lãng quên. Chị Thái Hương bắt trúng thời cơ để đi đầu trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa công nghệ cao. Tôi đánh giá đó cũng là quyết định và hành động anh hùng.

Trân trọng cảm ơn Anh hùng Phạm Tuân

“Dự án của TH có thể là khởi đầu của một xu hướng về đầu tư giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Lâu nay chúng ta vẫn quen với việc các doanh nghiệp Nga đầ tư vào Việt Nam, nay có điểm mới, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Nga. Được sự ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi của chính phủ hai nước, đây chắc chắn sẽ là thương vụ đầy triển vọng. Tôi mong rằng, với thành công Dự án này của TH, sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Nga, trong đó có tỉnh Kaluga”.

TN