(Dân trí) - Trước ngày tất cả tỉnh, thành ở miền Nam áp dụng Chỉ thị 16, doanh nghiệp của ông Hồ Quốc Lực vừa kịp thu hoạch gần 1.000 tấn tôm, chuẩn bị cho công nhân ăn ở tại nhà máy.
Cuộc đua chạy dịch Covid-19 với nghìn tấn tôm của anh hùng lao động Hồ Quốc Lực
Gần một tuần sau khi thu hoạch hết gần 1.000 tấn tôm dưới ao, Anh hùng Lao động - Tiến sĩ Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, một trong những doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu lớn nhất khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, thuật lại cảm xúc với Dân trí khi hoàn thành chiến dịch bằng hai từ "hú vía".
THU HOẠCH TÔM CHẠY DỊCH NHƯ "CƯỚI CHẠY TANG"
Khi thấy diễn biến dịch bệnh bùng phát với số ca bệnh Covid-19 mỗi ngày tại TPHCM tăng cao đầu tháng 7, ông Lực dự đoán dịch sẽ lan rộng ra các tỉnh miền Tây khi số lượng lớn lao động từ TPHCM về lại các tỉnh. Ngày 4/7, Sóc Trăng có ca dương tính Covid-19 đầu tiên.
Lúc này, trại nuôi tôm của Sao Ta đang lên lịch trình thu hoạch, còn hơn 100 ao. "Chúng tôi quyết định phải tập trung mọi nguồn lực thu hoạch tôm thật nhanh", ông Lực kể. Ông chủ Sao Ta tính toán nếu không may khu vực trại tôm bị phong tỏa mà chưa kịp thu hoạch xong, xe vận chuyển không thể ra vào, thiệt hại của công ty sẽ rất lớn.
Ngay lập tức, doanh nghiệp của ông tập trung mọi nguồn lực để hoàn tất thu hoạch tôm trong 10 ngày, có ngày làm đến 2h sáng để hoàn thành chỉ tiêu. Hai ngày từ lúc thu hoạch tôm "chạy dịch", số ca dương tính trong tỉnh Sóc Trăng tăng lên 2 chữ số.
Khi đó, cách trại tôm của công ty khoảng 2 km có một cụm dân cư bị phong tỏa vì liên quan dịch Covid-19. "Trại nuôi đầy nước nhưng chúng tôi tưởng như bị lửa vây quanh", ông Lực chia sẻ.
Quá trình thu hoạch tôm cũng gặp không ít trở ngại. Ngày 10/7, thị xã Vĩnh Châu nơi Sao Ta đặt trại tôm thực hiện Chỉ thị 15. Người ra vào khu vực phải có giấy xét nghiệm âm tính. Ông Lực chạy ngược chạy xuôi giải quyết để các xe vận chuyển của doanh nghiệp có thể ra vào trại liên tục nếu không hoạt động thu hoạch bị đình trệ.
Còn 4 ngày nữa việc thu hoạch tôm dự kiến hoành thành thì một phường trong thị xã Vĩnh Châu phải phong tỏa. Nhận thấy nguy cơ tăng cao, ông Lực quyết định tăng tốc hết mức và thu hoạch hết tôm dưới ao vào chiều thứ sáu (16/7), cách thời điểm toàn tỉnh Sóc Trăng thực hiện Chỉ thị 15 30 giờ. Đến ngày 19/7, toàn bộ 19 tỉnh, thành Đông và Tây Nam Bộ cùng giãn cách theo Chỉ thị 16.
Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc PAN Group, công ty mẹ của Sao Ta, ví von quá trình thu hoạch nghìn tấn tôm dưới ao như "đám cưới chạy tang".
"Dân làm ăn miền Tây ít dùng câu đó vì có "tang tóc". Cụm từ chúng tôi dùng là "thu tôm chạy dịch"", ông Lực cười, kể lại với Dân trí về chiến dịch thu hoạch thần tốc của doanh nghiệp.
Dù doanh nghiệp của mình đã ổn định, ông vẫn lo lắng cho những người nuôi tôm khác ở miền Tây "đang ngồi trên đống lửa". Nếu trại nào kẹt trong khu vực bị phong tỏa, người nuôi chưa kịp thu hoạch sẽ rất khốn đốn, chịu thiệt hại lớn vì xe không thể vào để vận chuyển tôm đi được.
NỖI LO CHO NHỮNG CÔNG NHÂN KHÔNG THỂ Ở LẠI NHÀ MÁY
Lo xong chuyện con tôm dưới ao, ông Lực lại tiếp tục giải quyết việc cho công nhân ăn ngủ tập trung ở nhà máy. Khi tỉnh Long An bắt đầu yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất phải thực hiện "3 tại chỗ" gồm sản xuất, ăn uống, ngủ nghỉ tại chỗ từ ngày 12/7 để chống dịch, Sao Ta bắt đầu nghiên cứu để áp dụng, quan sát, rút kinh nghiệm từ chính doanh nghiệp anh em Lafooco trong PAN Group.
Sau 9 ngày liên tục căng sức thu hoạch tôm, ông Lực cùng cộng sự lại ráo riết lo chỗ ăn ngủ cho công nhân trong hai ngày cuối tuần trước thời điểm Chỉ thị 16 được áp dụng tại Sóc Trăng và các tỉnh miền Tây khác.
Nhân viên nhà máy tất bật di chuyển vật tư để có khu nhà trống làm nơi ở nội trú. Đoán trước cơ quan y tế có thể không đủ kit test nhanh khi dịch bệnh diễn biến quá nhanh trên địa bàn tỉnh, ông Lực cũng dự phòng chủ động đặt mua kit và nhờ tập đoàn hỗ trợ. Nhận kết quả toàn bộ lao động đăng ký ở lại nhà máy đều âm tính, chủ tịch Sao Ta thở phào.
"Trong nguy cũng có cơ. Mấy ông làm việc ở trại tôm bình thường kiếm đủ lý do xin về nhà giờ cũng sợ dịch ở lại cho an toàn, không chỉ chống dịch cho người mà cho tôm nữa. Tôi đang sắm sửa, trang bị lại để cải tạo toàn bộ ao tôm giờ yên ổn làm, không sợ ai vô phá", ông Lực cười kể.
Còn tại nhà máy, thực hiện "3 tại chỗ" khiến Sao Ta tốn kém thêm nhiều chi phí từ tiền xét nghiệm định kỳ, tiền lo ăn 3 bữa cho khoảng 1.400 nhân viên ở lại, tiền mua chăn màn, chiếu, gối để công nhân ở lại. Nhưng khó khăn nhất là chỉ còn khoảng 30-40% công nhân đi làm khiến công suất hoạt động bị ảnh hưởng lớn.
"Nhà máy đâu có sẵn khu lưu trú, cố gắng tận dụng khoảng trống trong nhà kho, văn phòng nhưng đâu được nhiều. Nhiều người có con nhỏ, có người thân cần chăm sóc, có lý do cá nhân không ở lại được", ông Lực nói.
Không đủ công nhân sản xuất như thông thường, tiến độ giao hàng chắc chắn sẽ chậm. Vị chủ tịch 65 tuổi đã viết thư xin lỗi gửi khách hàng mong nhận được sự thông cảm vì giao hàng trễ với lý do bất khả kháng vì dịch bệnh.
"Họ cũng thiệt hại vì lúc ký hợp đồng đã có kế hoạch tiêu thụ, giờ lại bị ảnh hưởng. Làm "3 tại chỗ" chắc chắc không phải để mong vẫn có lời vì chi phí cao. Mình duy trì sản xuất để chia sẻ với người nuôi tôm, bảo đảm thu nhập cho công nhân, có hàng giao cho đối tác. Cùng nhau chia sẻ khó khăn mới phát triển được chứ nếu sợ khó, sợ lỗ rồi đóng cửa nhà máy, khách hàng thiệt hại lắm", ông Lực tâm sự.
Trong tình huống xấu nếu tình hình dịch bệnh chưa sớm thuyên giảm và doanh nghiệp phải thực hiện "3 tại chỗ" kéo dài, điều làm ông Lực lo lắng nhất không phải chuyện sản xuất hay đơn hàng mà là cuộc sống của những công nhân đang ở bên ngoài, không thể ở lại nhà máy.
"Công nhân nghỉ lâu quá không có việc làm khó khăn lắm. Sau khi ổn định sản xuất, chúng tôi gửi họ một số tiền trước để họ sống được đã. Còn tiền của gói hỗ trợ chừng nào tới họ tính sau", ông chủ doanh nghiệp tôm chia sẻ.
CHƯA BIẾT 6 THÁNG CUỐI NĂM RA SAO
Quý II nói riêng và 6 tháng đầu năm nói chung, Sao Ta tăng trưởng mạnh. Doanh thu quý II đạt 1.161 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 82 tỷ đồng, tăng 58%. Sau nửa năm, công ty đạt doanh thu thuần 2.129 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 113 tỷ đồng, cao hơn lần lượt 34% và 23% so với kỳ 6 tháng năm 2020.
Nhưng khi được hỏi về triển vọng kinh doanh của nửa cuối năm, ông Lực thừa nhận "thực tình chưa biết ra sao". Theo ông, nếu Chỉ thị 16 áp dụng 2 tuần rồi kết thúc, hoạt động công ty tuy bị ảnh hưởng nhưng vẫn sẽ hoàn thành tốt kế hoạch.
"Nhưng nếu dịch kéo dài lâu hơn, càng lâu thì mức độ hoàn thành kế hoạch càng giảm. Mức du di cầm cự chung là một tháng", thuyền trưởng Sao Ta trả lời Dân trí.
Ngay lúc này, mong muốn lớn nhất của doanh nhân đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động của tỉnh Sóc Trăng là chung tay, đồng lòng cùng Chính phủ dập dịch thành công nhanh nhất.
"Thật lòng, chúng tôi coi đó là nhiệm vụ hàng đầu chớ không còn suy nghĩ nhiệm vụ kép. Tuy nhiên, xã hội đã đặt mỗi người ở một vị trí. Chúng tôi chỉ biết sản xuất, đóng góp bằng ý thức chung tay như thực thi 5K, tự tổ chức tầm soát và hỗ trợ thêm chút kinh phí để tuyến đầu chống dịch thêm chút an ủi và ấm lòng", ông Lực nói.