TP.HCM:

Ẩn họa khi mua nhà đất bằng giấy viết tay

(Dân trí) - Thủ tục đơn giản, việc mua bán diễn ra chỉ bằng giấy loại viết tay, thiếu yếu tố pháp lý khiến nhiều người đã “sập bẫy” của chủ đất. Để rồi, hết tháng này đến năm khác họ long đong kiện tụng và có thể đứng trước nguy cơ mất trắng.

Một căn nhà có hai chủ!

Căn nhà của ông Hồng bị ủi sập trong khi tranh chấp quyền sử dụng đất chưa được giải quyết
Căn nhà của ông Hồng bị ủi sập trong khi tranh chấp quyền sử dụng đất chưa được giải quyết

Dư luận tại TP.HCM vẫn chưa lắng xuống sau sự việc căn nhà của gia đình ông Đặng Thanh Hồng (57 tuổi, ngụ số 201D Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh) bị máy xúc đánh sập mà nguyên nhân ban đầu đã được xác định có thể là do mâu thuẫn trong việc mua bán đất với một người khác từ gần 10 nằm về trước. Thời điểm ấy, ông Hồng và phía chủ bán đất chỉ thực hiện các giao dịch mua bán bằng giấy viết tay và các biên nhận, nhận tiền đặt cọc.

Ông Hồng cho biết; năm 2005, ông và vợ là bà Nguyễn Thị Thu Thủy (48 tuổi) có mua mảnh đất thuộc lô số 201D Hoàng Hoa Thám của ông Đỗ Văn Bính (ngụ phường Bến Thành, quận 1) với giá 30 lượng vàng và 200 triệu đồng. Ông Hồng đã trả 30 lượng vàng, 125 triệu đồng và thiếu lại 75 triệu. Ông Hồng cho biết thêm, do việc mua bán chỉ bằng giấy viết tay nên 75 triệu đồng còn lại sẽ được ông trả khi hoàn tất giấy tờ.

Khi đã chuẩn bị đủ tiền để tra, ông Hồng nhiều lần hối thúc chủ đất nhanh chóng làm chủ quyền đất nhưng đợi mãi vợ chồng ông không nhận được hồi âm. Nghi ngờ người bán có điều gì đó mờ ám nên vợ chồng ông Hồng đã làm đơn kiện ra TAND quận Bình Thạnh để giải quyết. Bắt đầu từ thời điểm này, gia đình ông Hồng lao đao vì các đợt kiện tụng kéo dài.

Đang chờ tòa giải quyết, thì bất ngờ vào tháng 4/2009, một công ty bất động sản ở quận Gò Vấp đến bảo họ đã mua lại lô đất 201, trong đó có phần căn nhà vợ ông Hồng đang ở. Từ vị trí nguyên đơn trong vụ kiện chủ đất, vợ chồng ông Hồng trở thành bị đơn khi công ty bất động sản đâm đơn kiện ra toà. Nhưng khi được triệu tập, ông Hồng trình ra một số giấy tờ thì sau đó công ty này bất ngờ rút đơn kiện.

Ngay sau đó, vợ chồng ông Hồng đã làm đơn khởi kiện đối với ông Đỗ Văn Bính và được Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm thụ lý vụ án: “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Điều đáng nói, khi tòa án triệu tập nguyên đơn và bị đơn thì vợ chồng ông Bính đã “mất tích” khỏi nơi cư trú. Sau khi có chứng cứ về việc vợ chồng ông Bính đã trở lại nơi cư trú, ngày 12/12/2012, TAND TPHCM đã hủy quyết định đình chỉ vụ án và chuyển hồ sơ về cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết theo quy định của pháp luật.

Chiều 7/4, hai thanh niên bịt mặt xuất hiện rồi lái máy xúc ủi sập toàn bộ căn nhà của ông Hồng. “Tôi mong công an sớm tìm ra thủ phạm đã ủi sập nhà và có hướng giải quyết để gia đình tôi sớm yên ổn cuộc sống và buộc phía chủ đất phải bồi thường thỏa đáng cho gia đình tôi” – Ông Hồng khẳng định.

Ẩn họa khi mua nhà đất bằng giấy viết tay

Mua bán nhà đất bằng giấy viết tay luôn tiềm ẩn những rủi ro mất trắng
Mua bán nhà đất bằng giấy viết tay luôn tiềm ẩn những rủi ro "mất trắng"

Thực tế, việc mua bán nhà, đất bằng giấy viết tay đang diễn ra khá phổ biến tại TP.HCM, nhất là tại khu vực vùng ven thành phố, nhưng khu đất trước đây là ruộng lúa, ao hồ. Quy trình mua - bán dạng này rất đơn giản. Bên chủ đất hoặc mô giới chỉ cần đưa người mua xem địa thế để lựa chọn, thỏa thuận giá cả và làm xác nhận chủ bằng khoán, dù nhiều mảnh đất này đã được “sang tay” cho những người mua đi bán lại.

Tình trạng mua đất giấy tay hoặc nhà không phép diễn ra khá chủ yếu tại nhiều khu vực ở huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, quận Bình Tân, 12…Giao dịch bằng giấy tay có thể khiến người mua bị chủ đất lật lọng, lô đất đó có thể đã bán cho nhiều người khác. Chủ đất chỉ có bằng khoán, khi người mua cần sang nhượng sẽ bị họ làm khó dễ, đòi thêm tiền mới chịu ký giấy để sang nhượng. Ngoài ra, rất nhiều trường hợp người mua nhà hoặc đất kiểu này đang đứng trước nguy cơ mất trắng.

“Lỡ nhà nước quy hoạch cũng không lo, tiền bỏ ra xây nhà chỉ trên dưới 100 triệu đồng mà được ở vài năm coi như bằng với tiền đi thuê nhà. Còn phần đất, khi bị giải tỏa vẫn được bồi thường rất cao. Mà khu vực này có quy hoạch cũng còn lâu lắm, nhà cửa họ xây lên đầy rẫy đó, lo gì” – Quang, một chủ đất tại khu vực đường quách Điêu (xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh) phân tích.

Quang cho biết thêm, đất ở đây chủ yếu là đất nông nghiệp, mua bán bằng giấy viết tay là được. Quan trọng là làm ăn uy tín và người bán người mua tin nhau là chính!. Đa số khi người mua đất tại các khu vực này cùng lắm thì được chủ đất “cấp” cho bằng khoán đất được photo, có chứng thực sao y của chính quyền xã.

Nhiều trường hợp đã “ăn” phải “quả đắng” khi mua nhà, đất chỉ bằng giấy viết tay. Chị Đ.T.H.X. (ngụ quận Tân Bình) đã mua một mảnh đất với diện tích khoảng 60m2 tại phường Tân Chánh Hiệp (quận 12) với giá khá “bèo”. Tuy nhiên, mọi thủ tục mua bán chỉ bằng giấy viết tay và vài ba người làm chứng. Đến khi tính chuyện xây nhà, chị X. mới “té ngửa” khi biết mảnh đất đó nằm trong diện quy hoạch không thể xây dựng.

Theo quy định của pháp luật, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền. Những trường hợp người sử dụng đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được phép mua bán, chuyển nhượng.

Trường hợp thỏa mãn điều kiện quy định, bên mua và bán đất cần phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền. Việc mua đất qua giấy tay, không lập thành hợp đồng, không có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của chính quyền địa phương, nơi có đất, giao dịch đó bị coi là vô hiệu.

Trung Kiên