Ấn Độ gạn lọc kỹ lưỡng các công ty Trung Quốc “dính líu” tới quân đội

(Dân trí) - Hôm 19/7, truyền thông Ấn Độ đồng loạt đưa tin về việc chính phủ nước này đang mở một cuộc rà soát kỹ lưỡng các công ty lớn của Trung Quốc tại Ấn Độ có liên quan đến quân đội Trung Quốc.

Ấn Độ gạn lọc kỹ lưỡng các công ty Trung Quốc “dính líu” tới quân đội - 1
Trong năm 2018, tổng giá trị hàng hóa Trung Quốc được nhập khẩu vào Ấn Độ ước tính chiếm 14% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này. Ảnh: Reuters

Theo đó, phía Ấn Độ có thể sớm hành động chống lại 7 công ty lớn của Trung Quốc bị cáo buộc có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới quân đội Trung Quốc nhằm ngăn cản sự ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc vào nền kinh tế Ấn Độ.

Nguồn tin từ Chính phủ Ấn Độ cho biết, nước này đang theo dõi 7 công ty, bao gồm Huawei, Alibaba, Xindia Steels, Xinxing Cathay, Tập đoàn Công nghệ điện tử Trung Quốc, Tencent và tập đoàn ô tô SAIC

Nguồn tin trên nhấn mạnh đây là những công ty có liên quan tới quân đội Trung Quốc (PLA).

Các nguồn tin cũng nhấn mạnh Alibaba, Baidu và Tencent là một phần của các dự án hợp nhất dân sự, quân sự và trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc.

Theo trang Wion, Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc đã công bố doanh thu lên đến 1,7 tỷ USD từ các đầu tư tại Ấn Độ trong năm tài chính 2018-2019.

Ấn Độ gạn lọc kỹ lưỡng các công ty Trung Quốc “dính líu” tới quân đội - 2
Nhiều nghi vấn cho rằng Quân đội Trung Quốc đang đứng sau một số các công ty lớn của Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Báo cáo năm 2019 của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung cho biết, theo chính sách hợp nhất quân - dân sự của Trung Quốc, các cơ chế được Chính phủ hậu thuẫn, bao gồm cả các quỹ đầu tư mạo hiểm... được sử dụng để tận dụng thành quả của đổi mới dân sự phục vụ cho lĩnh vực quân sự.

Alibaba đã đầu tư vào nhiều công ty khởi nghiệp tại Ấn Độ như PayTM, Zomato, Big basket, Snapdeal, Xpressbees trong khi Tencent đầu tư lớn vào không gian công nghệ Ấn Độ, bao gồm 400 triệu USD cho hãng taxi Ola và 700 triệu USD cho trang thương mại điện tử Flipkart

Nguồn tin của báo Times of India cho biết, các quy định mới trong đầu tư FDI của Ấn Độ sẽ cho phép gạn lọc kỹ hơn nguồn gốc các nhà đầu tư, kể cả các công ty khởi nghiệp với nguồn vốn từ Trung Quốc.

Theo các quy định mới được Ấn Độ công bố vào tháng 4 năm nay, tất cả các khoản đầu tư từ các nước láng giềng, dù là mới hay bổ sung, đều cần có sự chấp thuận của chính phủ Ấn Độ.

Quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc trở nên căng thẳng nhiều hơn trong thời gian gần đây, đặc biệt sau vụ đụng độ ở biên giới khiến nhiều binh sĩ thiệt mạng.

Ấn Độ gạn lọc kỹ lưỡng các công ty Trung Quốc “dính líu” tới quân đội - 3

Nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc và kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc đã diễn ra ở nhiều tỉnh thành của Ấn Độ. Ảnh: Getty

Tháng trước, Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng di động, hầu hết trong số đó là của Trung Quốc, bao gồm cả TikTok và WeChat. Đây là hành động cứng rắn nhất của Ấn Độ đối với Trung Quốc kể từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng biên giới hồi tháng trước. Động thái này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng của các công ty lớn của Trung Quốc ở Ấn Độ.

Tổ chức nghiên cứu Brookings hồi tháng 3 năm nay cho biết, các công ty Trung Quốc đã và có kế hoạch đầu tư hơn 26 tỷ USD vào Ấn Độ.

Hương Vũ

Theo Times of India, Wion