1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ấn Độ bùng nổ thương hiệu cao cấp

(Dân trí) - Ấn Độ hiện có khoảng 100.000 triệu phú, và giống như giới thượng lưu ở bất cứ đâu, họ cũng “chết mê chết mệt” xe hơi hạng sang, quần áo hàng hiệu, phụ trang đắt tiền... Đất nước Nam Á này do đó trở thành mảnh đất màu mỡ của các thương hiệu cao cấp.

Cách đây chưa lâu, hai nhà thiết kế thời trang cao cấp của Ấn Độ là Abu Jani và Sandeep Khosla đã mời 35 nhân vật thuộc giới thượng lưu ở nước này tới dự bữa tối thân mật tại nhà riêng ở ngoại ô Mumbai. Tại bữa tiệc, các thượng khách được mời thưởng thức rượu Dom Perignon hảo hạng từ năm 1999 cùng với cà ri cá Goan và cơm.

 

Đây là một trong 8 bữa tiệc đặc biệt do Moët Hennessey (LVMH) - tập đoàn chuyên kinh doanh các nhãn hiệu thời trang cao cấp - tổ chức trong năm vừa qua nhằm gây ấn tượng với những khách hàng tiềm năng.

 

Với LVMH và nhiều nhà cung cấp sản phẩm cao cấp khác, Ấn Độ là một miền đất hứa rộng lớn. Điều đó không có gì phải nghi ngờ, vì 2/3 trong tổng dân số khoảng 1,1 tỷ người của Ấn Độ sống ở những vùng ít có điều kiện tiếp xúc với các mặt hàng xa xỉ phẩm, trong khi đất nước Nam Á này lại có gần 100.000 triệu phú USD.

 

Tập đoàn tài chính American Express dự đoán số lượng triệu phú của Ấn Độ sẽ tăng với tốc độ 12,8%/năm trong 3 năm tới. Còn theo dự đoán của công ty tư vấn A.T. Kearney, những triệu phú mới phất ở đây có thể tiêu tới 30 tỷ USD/năm cho hàng hoá cao cấp vào năm 2015. Hiện tại, mức chi tiêu của họ ở mức khoảng 4 tỷ USD, trong khi Trung Quốc chi hơn 5 tỷ USD. Theo một khảo sát hồi đầu năm nay của công ty nghiên cứu thị trường A.C. Nielsen, Ấn Độ là nơi chuộng hàng hiệu thứ 3 trên thế giới, sau Hy Lạp và Hồng Kông.

 

Các nhân viên marketing đang làm tất cả những gì cần thiết họ vẫn làm để thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng: mở các cửa hàng lộng lẫy tại Mumbai, New Delhi, Bangalore, Hyderabad và Chennai. Họ cũng tìm cách mời các nhân vật nổi tiếng và giới nghệ sĩ tham gia quảng bá sản phẩm, áp dụng những ưu đãi đặc biệt đối với khách hàng thường xuyên, và quảng cáo trên các tạp chí thời trang cao cấp.

 

Các cửa hàng được bố trí cho phù hợp với thị trường Ấn Độ. Ví dụ, cửa hàng của Moschino ở đây có cả thương hiệu Moschino cao cấp lẫn nhãn hiệu rẻ hơn một chút - Cheap and Chic. Tập đoàn Murjani cũng làm tương tự, như với nhãn hiệu Gucci, những chiếc túi giá 5.000 USD được bán chung của hàng với những đồ nhỏ và rẻ hơn, như cà vạt giá 200 USD, móc chìa khoá hay dây đeo điện thoại giá 50 USD...

 

Chăm sóc chu đáo từng khách hàng

 

Điều mà LVMH cũng như nhiều tập đoàn khác phát hiện ra là cách tốt nhất để tiếp cận giới trung lưu Ấn Độ là dịch vụ tận tình chu đáo. “Người Ấn Độ thích được cung phụng,” ông Vijay Murjani, Giám đốc tập đoàn Murjani - chuyên phân phối các sản phẩm của Gucci, Jimmy Choo, La Perla, và Bottega Veneta tại khách sạn 5 sao Triden ở Mumbai, chia sẻ.

 

Tại Ấn Độ, họ nhận thấy cần phải thiết lập và duy trì mối quan hệ thân thiết với khách hàng. Trước đây, chế độ này chỉ dành cho một nhóm khách hàng nhỏ, gồm những người từng mua sản phẩm của các hãng khi đi du lịch ở Paris, London, hay New York. Tuy nhiên, ngày nay, dịch vụ này mở rộng hơn, sang cả đối tượng khách hàng trung lưu, những người có thể không xài hàng hiệu thường nhật, nhưng vẫn có nhu cầu cho những dịp thật đặc biệt, như các cô gái trẻ muốn dùng túi Louis Vuitton để mang đồ đạc chuyển về nhà chồng khi kết hôn, các bạn trẻ muốn chiêu đãi khách mời đám cưới bằng rượu Dom Perignon, hay dùng khăn quàng hiệu Hermès, quần áo nhãn hiệu Boss và  giày của Jimmy Choos trong tuần trăng mật.

 

Bất cứ khi nào các cửa hàng của Hugo Boss có bộ sản phẩm mới, nhân viên bán hàng lại gọi điện cho từng khách hàng quen để thông báo. Khi khách hàng tới, các nhân viên giúp họ lựa chọn phong cách, màu sắc trang phục, còn những thợ may bậc cao sẵn sàng sửa lại trang phục cho thật vừa vặn với từng khổ người, nếu cần.

 

“Thị trường cao cấp Ấn Độ chưa phát triển nên chúng tôi vẫn phải tìm kiếm khách hàng,” ông Harish Chandra, Giám đốc Hugo Boss tại Ấn Độ, nói. Ông cho biết sự chăm sóc khách hàng như vậy giúp hãng tìm hiểu tốt hơn thị hiếu về chất liệu và phong cách của người tiêu dùng ở đây.

 

Khi Hugo Boss tới Ấn Độ vào năm 2003, họ bày bán tại cửa hàng các bộ comple đủ size của 15 phong cách. Nhưng họ nhanh chóng nhận ra rằng cân nặng trung bình của đàn ông Ấn Độ cao hơn ở các nước khác, nên các kích cỡ may sẵn của hãng không vừa người hầu hết khách hàng. Hiện nay, Boss chỉ nhập khẩu khoảng 9 phong cách thiết kế vào Ấn Độ, với chất liệu cashmere cho thị trường Delhi vì ở đây khí hậu lạnh hơn, và chất liệu vải nhẹ cho thị trường Mumbai để phù hợp với thời tiết nắng nóng nhiệt đới.

 

La Prairie, công ty kinh doanh các sản phẩm chăm sóc da của Thuỵ Sĩ, lại có cách “lấy lòng” khách hàng bằng những bữa ăn trưa thân mật chỉ có phái nữ để giới thiệu sản phẩm. Và hai tháng một lần, La Prairie lại mời những khách hàng thường xuyên tới một cửa hàng ở Mumbai để được chăm sóc da mặt miễn phí. “Chúng tôi thường xuyên làm như vậy để giữ quan hệ thân thiết với khách hàng,” bà Beena Patel, Giám đốc La Prairie tại Ấn Độ, nói.

 

Trong khi đó, Mercedes tổ chức những chuyến du ngoạn cho giới thượng lưu ra ngoại thành để thử xe của hãng. Khách hàng tiềm năng có thể lái thử mọi mẫu xe hãng có, từ dòng C-Class đến chiếc Maybach giá 1,7 triệu USD.

 

Đặng Lê

Theo Business Week

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm