Âm vốn chủ và thua lỗ, một công ty con của Vinalines vẫn “lên sàn”

(Dân trí) - Hơn 36,6 triệu cổ phiếu CPI của Cảng Cái Lân (một công ty con thuộc Vinalines) chào sàn hôm nay nhưng “trắng” giao dịch mua - bán. Mặc dù kết quả kinh doanh có cải thiện trong nửa đầu năm, song công ty này vẫn “gánh” khoản lỗ lũy kế gần 442 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu bị âm.

Từ sáng nay (28/7), hơn 36,6 triệu cổ phiếu CPI của Công ty CP Đầu tư Cảng Cái Lân đã bắt đầu được chính thức giao dịch trên sàn UPCoM của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với tổng giá trị đăng ký giao dịch đạt 365 tỷ đồng. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 5.900 đồng/cổ phiếu.


Lên sàn trong tình trạng lỗ lũy kế ở mức cao và vốn chủ sở hữu bị âm nên cổ phiếu CPI của Cảng Cái Lân không thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Lên sàn trong tình trạng lỗ lũy kế ở mức cao và vốn chủ sở hữu bị âm nên cổ phiếu CPI của Cảng Cái Lân không thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

CTCP Đầu tư Cảng Cái Lân được thành lập năm 2007 là công ty con của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cùng với 2 cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH MTV Cảng Quảng Ninh và CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) với mục tiêu chính là tạo ra chuỗi khép kín cung cấp dịch vụ cảng và logistic tại cảng Cái Lân – Quảng Ninh.

Năm 2013, công ty tăng vốn điều lệ lên hơn 365 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam nắm giữ 56,58% vốn cổ phần và CTCP Cảng Quảng Ninh nắm giữ 9,48% vốn cổ phần.

Hiện nay, hoạt động kinh doanh chính của Cảng Cái Lân được thực hiện chủ yếu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và các vùng phụ cận, bao gồm dịch vụ vận tải hàng hóa bằng container, các dịch vụ vận chuyển, tập kết, lưu kho bãi, xuất hàng hóa lên tàu và hỗ trợ thông quan tại cảng Cái Lân.

Bên cạnh đó, công ty cũng là đối tác đóng góp hơn 50% cổ phần tại Công ty TNHH Cảng Container quốc tế Cái Lân (CITC), liên doanh với tập đoàn SSA Marine Hoa Kỳ khai thác các bến 2, 3, 4 cảng Cái Lân.

Theo kế hoạch phát triển trong thời gian tới, Cảng Cái Lân sẽ tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng cảng biển bao gồm các bến cảng 2, 3, 4 Cảng Cái Lân, mở rộng thêm bến 8, 9 và xây dựng khu hậu phương của cảng.

Tuy nhiên, trong phiên chào sàn ngày hôm nay, cổ phiếu CPI lại không diễn ra giao dịch nào. Dễ hiểu vì sao giới đầu tư tỏ ra không mặn mà với phiên “ra mắt” của mã này.

Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2015 và 2016, Cảng Cái Lân đang rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu. Vốn chủ sở hữu năm 2015 âm 62,8 tỷ đồng và năm 2016 âm 64,1 tỷ đồng. Với doanh thu thuần lần lượt đạt 69,9 tỷ đồng và 51,5 tỷ đồng, trong hai năm vừa qua, Cảng Cái Lân thua lỗ 154,7 tỷ đồng vào 2015 và tiếp tục thua lỗ 1,3 tỷ đồng vào năm 2016.

Mới đây, Cảng Cái Lân công bố báo cáo tài chính quý II và nửa đầu năm 2017. Lỗ lũy kế thời điểm cuối năm 2016 là 443,2 tỷ đồng. Do nửa đầu năm, công ty có lãi 1,5 tỷ đồng nên con số lỗ lũy kế tại ngày 30/6/2017 giảm nhẹ còn 441,7 tỷ đồng.

Giá tham chiếu của cổ phiếu CPI hôm nay là 5.900 đồng, một mức giá không phải đắt trên thị trường, nhưng so với giá trị sổ sách thì lại ở mức cao. Sau khi được kiểm toán, giá trị sổ sách của Cảng Cái Lân ghi nhận âm 1.722 đồng/cổ phiếu vào năm 2015 và âm 1.758 đồng vào năm 2016.

Công ty này đặt mục tiêu đạt 62 tỷ đồng doanh thu thuần trong năm nay vào có lãi nhẹ 800 triệu đồng. Sang năm 2018, dự kiến cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh lên 70 tỷ đồng doanh thu thuần và đạt 1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Trong khi đó, trên thị trường chung, phiên hôm nay, chỉ số sàn UPCoM giảm nhẹ 0,04 điểm tương ứng 0,07% còn 56,43 điểm; khối lượng giao dịch đạt 13,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 129,5 tỷ đồng. Trên sàn này có 91 mã tăng và 80 mã giảm giá.

Các chỉ số chính diễn biến khả quan. VN-Index tăng 5,59 điểm tương ứng 0,72% lên 777,09 điểm nhờ có 162 mã tăng giá so với 106 mã giảm; HNX-Index tăng 0,93 điểm tương ứng 0,93% lên 100,55 điểm với 135 mã tăng so với 71 mã giảm giá. Tổng giá trị giao dịch trên hai sàn Hà Nội và TPHCM đạt trên 5.600 tỷ đồng.

Bích Diệp