Ám ảnh nợ xấu, từ "tê" đến "liệt"
Hết đường xoay xở, cạn nguồn thu, không có dòng tiền trả nợ, nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh rơi vào khó khăn, thậm chí đối diện nguy cơ có thể bị siết nợ thu hồi tài sản.
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đang tiếp tục "quật ngã" nhiều doanh nghiệp. Hết đường xoay xở, cạn nguồn thu, không có dòng tiền trả nợ, nhiều doanh nghiệp (DN) và hộ kinh doanh rơi vào khó khăn, thậm chí đối diện nguy cơ có thể bị siết nợ thu hồi tài sản.
DN vận tải kêu cứu
Những ngày đầu tháng 6 miền Bắc oi nóng, hàng trăm taxi, xe khách của Công ty Thương mại và Dịch vụ Đất cảng nằm phơi sương, phơi nắng dưới cái nóng hơn 40 độ C ở kho bãi tại Hải Phòng. Và ngày nào, ông chủ hãng xe này cũng cùng nhân viên xuống khởi động xe cho đỡ hỏng máy móc và ngóng ngày hết dịch bệnh. Cũng như nhiều DN vận tải khác, hãng xe này chưa khắc phục hết những thua lỗ do ảnh hưởng từ mấy đợt dịch trước. Nay, bão Covid-19 tiếp tục ập đến, đẩy DN vào tình cảnh tồi tệ hơn rất nhiều.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng chia sẻ, tổng số xe DN đang sở hữu khoảng hơn 300, bao gồm xe khách, taxi và du lịch. Hiện, chỉ có khoảng 20% hoạt động cầm chừng.
"Chạy cũng chết mà không chạy cũng chết. Ngoài việc cắt giảm tối đa chi phí để cố gắng cầm cự, chúng tôi tạm thời chưa đưa ra được cách gì khác để giải quyết", ông Hải nói.
Nói về nguyện vọng, ông Hải cho biết: "Chúng tôi muốn ngân hàng giảm lãi suất về mức 3-5%/năm chứ hiện vẫn trả lãi gần 9%/năm là cao quá. Những đợt dịch trước, DN chưa được giảm lãi hay khoanh nợ và đang thế chấp bằng xe nên nếu không huy động từ nguồn khác trả nợ, chắc chắn doanh nghiệp sẽ vỡ trận".
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Công ty Thiên Thảo Nguyên ngậm ngùi chia sẻ, bãi xe rộng hàng héc ta công ty thuê lại ở Linh Đàm (Hà Nội) giờ chứa hàng trăm xe đắp chiếu, phơi mưa nắng. "Giờ tiền bến bãi hằng ngày đã là gánh nặng với doanh nghiệp, doanh nghiệp đã tê liệt", ông Tùng nói.
Trước đây, công ty có hơn 300 đầu xe, giờ thanh lý còn khoảng 100 xe 4 - 45 chỗ, tuy nhiên công suất chạy hiện tại cũng chỉ đạt 10%.
Ông Tùng cũng đề nghị các ngân hàng khoanh gốc và lãi đến cuối năm 2021 hoặc ân hạn gốc và lãi vay trong thời hạn 6 tháng để DN sử dụng nguồn tiền này vào tái đầu tư, phục vụ cho hoạt động của công ty. Đây cũng là mong muốn của nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải du lịch.
Mới đây, Hiệp hội taxi Ba miền (Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM) vừa có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị hỗ trợ các DN vận tải vượt qua khó khăn trước đại dịch Covid-19. Theo Hiệp hội, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 ở nhiều tỉnh thành trên cả nước đã làm cho hoạt động kinh doanh của các DN vận tải taxi lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn; một số doanh nghiệp nguy cơ bị phá sản. Hiệp Hội taxi Ba miền kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho DN. Cụ thể, giảm từ 3% đến 5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bị dọa siết nợ, bán tài sản thế chấp
Chị Mai, chủ một DN kinh doanh có gần 10 đầu xe du lịch (Thanh Xuân - Hà Nội) kể, hai tuần trước, chị bất ngờ bị ngân hàng siết nợ kéo xe về bãi ngay, do trễ hạn trả nợ gần 2 tháng khoản vay 2 tỷ đồng (đã trả được 500 triệu đồng, còn nợ gần 1,5 tỷ đồng). Câu chuyện chỉ được tạm hoãn khi chị phải chạy vạy đôn đáo lo nộp đủ tiền gốc, lãi và phạt nợ quá hạn, để xin ngân hàng trả xe về. Tuy nhiên, đến giờ, chị Mai vẫn nơm nớp, bởi đang bị "treo" khoản nợ hai chiếc xe thế chấp khác và lời dọa của nhân viên thu hồi nợ: Sẽ thu xe ngay nếu khi ngân hàng yêu cầu mà chủ xe không tất toán được.
Tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong ít ngày trước cho thấy, một chủ DN sở hữu khách sạn tại Nha Trang (Khánh Hòa) đã có đơn gửi đến Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. Theo lời DN này, năm 2018, ông xây một khách sạn 5 sao hoành tráng với tổng vốn đầu tư lên tới 500 tỷ đồng, trong đó 50% là vốn đối ứng của DN, 50% là vay nợ ngân hàng. Tháng 12/2019 khách sạn đi vào hoạt động, chưa được 1 tháng thì dịch Covid-19 ập đến. Cũng từ đó đến nay, khách sạn lay lắt hoạt động với thời gian đóng cửa nhiều hơn mở. Không có dòng tiền vào, cạn vốn là lí do khiến DN luôn chật vật xoay xở trả nợ ngân hàng chậm, hoặc thành nợ quá hạn.
Qua đơn gửi lên Thủ tướng và Thống đốc, điều DN mong mỏi là ngân hàng cho phép được khoanh nợ, giãn nợ thêm lần nữa để có sức cầm cự tới lúc dịch được kiểm soát, khách sạn hoạt động trở lại. Trong đơn ông viết: "Nhân viên xử lý nợ của ngân hàng gọi điện giục tôi bán tài sản thế chấp là khách sạn để trả nợ. Nhưng đó là điều tôi không hề muốn. Dịch là bất khả kháng, chỉ mong ngân hàng cho tôi cơ hội cầm cự thời gian này", ông chia sẻ.
Lo nợ xấu dềnh lên
Theo Thông tư 03 sửa đổi, ngân hàng thương mại được giữ nguyên nhóm nợ và cơ cấu để DN được tiếp tục vay (có hiệu lực ngày 17/5). Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kể cả trường hợp gia hạn nợ phải phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch và không vượt quá 12 tháng. Tuy nhiên, chỉ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ đáp ứng đầy đủ các điều kiện gồm: Các khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong thời gian từ 23/1/2020 đến 31/3; khách hàng không có khả năng trả nợ gốc, lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hiện 5 ngân hàng chiếm thị phần lớn về cho vay mua ô tô là VIB, Shinhan Bank, Techcombank, VPBank và TPBank. Có ngân hàng thừa nhận, nợ xấu tăng trong quý đầu năm 2020 chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân vay mua ô tô. Phụ trách quản lý tài sản nợ đã thu hồi của một ngân hàng tại Hà Nội cho biết: Từ đầu năm đến nay, số ô tô thu hồi của khách hàng tăng nhanh, thu cả hàng trăm chiếc nhưng bán thì chẳng được bao nhiêu, càng để càng hư hại.
"Có nhiều xe mang đấu giá tới 4-5 lần chẳng ai mua. Mỗi lần đấu giá lại giảm 5%, tới lần thứ 4 giá giảm 20% so với định giá ban đầu, vậy nhưng đến nay vẫn để không. Bãi xe của ngân hàng giờ đã đầy, còn xe để lâu ngày cũng hỏng nhưng luật đã quy định, ngân hàng không thể không siết nợ khi món vay toàn tiền trăm triệu tới cả tỷ đồng", vị này kể.
Từng xử lý nợ xấu của VAMC, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký hiệp hội Ngân hàng (nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN) chỉ ra: Với đợt Covid-19 lần thứ tư bùng phát, DN thực sự khó khăn và liên quan đến giữ nguyên nhóm nợ, cho vay tiếp, chúng tôi nhận thấy các ngân hàng cũng đang cố gắng hỗ trợ.
"Tuy nhiên, ngân hàng sẽ phải phân loại kỹ dự án, khoản vay, tránh có thể bị lợi dụng tranh thủ "quy" hết về đổ lỗi cho Covid-19. Với tình hình hiện tại, dự báo, nợ xấu nhiều ngân hàng tăng dù đã trích lập", ông Hùng nói.
Làm sao để hạn chế tình cảnh ngân hàng siết nợ đẩy doanh nghiệp vào khó khăn? Theo ông Hùng, ngân hàng cũng là DN, trung gian đứng ra huy động vốn rồi cho vay lại nên nếu có vấn đề gì về khoản vay, họ cũng phải chịu trách nhiệm. DN không trả được nợ, nợ xấu ngân hàng ắt dềnh lên.
"Câu chuyện đợt bão Covid-19 lần này đã đến hồi phải chuyển lên "tầng cao" hơn. Muốn hỗ trợ cộng đồng DN, Chính phủ cần có giải pháp tổng thể, với gói hỗ trợ khoản vay hay lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh", ông Hùng nhấn mạnh.
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo NHNN cho hay, thời gian qua, ngành ngân hàng cố gắng xử lý để "tháo" nguy cơ không được vay vốn tiếp cho doanh nghiệp và hạn chế nợ xấu cho ngân hàng. Số liệu từ NHNN cho thấy, tính đến ngày 5/4, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 357 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng…