1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

4 nữ tiếp viên Vietnam Airlines xách ma túy có thể đối mặt với điều tồi tệ

Văn Hưng

(Dân trí) - Theo lãnh đạo Cục Hàng không, nếu xác định được hành vi của 4 tiếp viên Vietnam Airlines là buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, họ sẽ không bao giờ được làm nhiệm vụ của nhân viên hàng không nữa.

Trao đổi với Dân trí liên quan đến việc 4 nữ tiếp viên Vietnam Airlines xách hơn 11kg ma túy được trả tự do, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết sau khi cơ quan Nhà nước kết luận bản chất của vụ việc, hành vi của các tiếp viên trên có thể bị xử lý theo Thông tư 46/2013. Thông tư 46/2013 là văn bản của Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn thực hiện chế độ kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không.

Cụ thể, Điều 6 của Thông tư 46/2013 quy định: Không sử dụng làm việc tại vị trí nhân viên hàng không ở bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng đối với hành vi lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa.

Hiện tại, 4 tiếp viên của Vietnam Airlines đang bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ để phục vụ công tác điều tra theo quyết định của hãng. Còn cơ quan công an mới khởi tố vụ án hình sự để tiếp tục điều tra, truy xét, xử lý, chứ chưa có kết luận cuối cùng.

4 nữ tiếp viên Vietnam Airlines xách ma túy có thể đối mặt với điều tồi tệ - 1

Các tiếp viên dù được trả tự do nhưng đối mặt với nguy cơ không bao giờ được làm nhiệm vụ của nhân viên hàng không nữa (Ảnh: S.T.).

Cùng ngày, đại diện Vietnam Airlines cho biết quyết định đình chỉ thực hiện nhiệm vụ đối với 4 nữ tiếp viên vẫn còn hiệu lực. "Việc đi làm hay không, lúc nào đi làm thì phải có kết quả kiểm điểm, xác minh, làm rõ. Vietnam Airlines luôn có bộ máy và lúc nào, hoàn cảnh nào cũng thực hiện những biện pháp để đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của tất cả người lao động", vị này nói.

Đại diện hãng hàng không quốc gia cũng khẳng định các cá nhân nếu vi phạm quy định pháp luật, vi phạm nội quy lao động đều phải bị xử lý nghiêm theo quy định, đơn vị sẽ không bao che. Mức độ xử lý thì cần kiểm điểm, xác minh, làm rõ chứ không quy chụp hoặc chạy theo dư luận.

Tại cơ quan công an, lời khai ban đầu, các tiếp viên cho rằng đã nhận lô hàng kem đánh răng nặng hàng chục kg thông qua một đồng nghiệp làm chung hãng để đưa về sân bay Tân Sơn Nhất, tiền công là hơn 10 triệu đồng. Sau đó, số kem đánh răng này được chia ra cho từng người để vận chuyển.

Cơ quan điều tra đã triệu tập, làm việc với người giới thiệu để các tiếp viên đưa số kem đánh răng trên từ Pháp về Việt Nam.

Qua làm việc, các tiếp viên cũng cung cấp các đoạn tin nhắn thỏa thuận tiền công vận chuyển 10 triệu đồng với người giao hàng tại Pháp. Từ những cơ sở trên, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ra quyết định trả tự do cho các nữ tiếp viên.