Ai được yêu cầu cung cấp thông tin khách của ngân hàng?

Mộc An

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ các đối tượng, trường hợp cụ thể được yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng của ngân hàng, không thể "bỗng dưng có công văn đến và bảo là cung cấp thông tin".

Trong phiên thảo luận toàn thể ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi vào chiều 10/6, một số đại biểu Quốc hội đặt vấn đề về bảo mật thông tin khách hàng.

Bảo mật thông tin là quyền con người

Theo ông Trương Trọng Nghĩa (đoàn ĐBQH TPHCM), hiện nay theo thông lệ quốc tế có một số ngành nghề bí mật thông tin khách hàng được bảo vệ nghiêm ngặt bằng hiến pháp và bằng luật gồm ngân hàng, y, luật sư. Bí mật của ngành ngân hàng như một số bí mật khác thuộc về bí mật đời tư, bí mật gia đình, bí mật riêng tư. Bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình là quyền con người được ghi nhận trong công ước quốc tế và Việt Nam là thành viên.

Cụ thể tại Khoản 3, Điều 14 của dự thảo Luật quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng ngân hàng, chi nhánh nước ngoài trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và được sự chấp thuận của khách hàng.

Trong khi đó tại Điều 21, Hiến pháp 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng tư bí mật cá nhân bí mật gia đình. Thông tin về bí mật đời sống riêng tư, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm và ở Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật trong trường hợp cần thiết vì quốc phòng an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Đại biểu cho rằng với quy định tại Điều 14 trong dự thảo luật như hiện tại là hạn chế quyền con người được bảo vệ thông tin vì quy định cung cấp thông tin theo quy định Chính phủ hoặc theo pháp luật là không đầy đủ.

Cần quy định rõ trường hợp và đối tượng được yêu cầu cung cấp thông tin

Ông Nghĩa đề nghị dự án Luật sửa lại điều 14 chỉ cung cấp thông tin khách hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan, không phải theo pháp luật.

Tại Nghị định 117 về bảo mật thông tin quy định chi tiết là chỉ được cung cấp thông tin khách hàng theo các quy định cụ thể của Đạo luật, của Luật, của Nghị quyết Quốc hội. Ông đề nghị đưa quy định này vào Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng. 

Điểm thứ hai được đại biểu góp ý là chỉ yêu cầu cung cấp thông tin với những khách hàng liên quan đến vụ án đang được khởi tố điều tra và những nội dung yêu cầu cũng là cần thiết cho việc điều tra.

Ai được yêu cầu cung cấp thông tin khách của ngân hàng?  - 1

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi) đề nghị bổ sung cụ thể trường hợp nào sẽ được cung cấp thông tin khách hàng của ngân hàng (Ảnh: Quochoi.vn).

"Không thể bỗng dưng có công văn đến và bảo là cung cấp thông tin khách hàng", ông Nghĩa nêu ý kiến.

Tại Nghị định 117 mở rộng đối tượng được yêu cầu cung cấp thông tin đến thành viên đoàn thanh tra chính phủ, thành viên đoàn kiểm toán, các cơ quan điều tra cấp huyện, hải quan.

"Theo tôi tính toán có tới chục ngàn người có quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng. Cho nên chúng tôi đề nghị thiết kế lại như đề xuất và nếu được đưa vào thì đưa vào Luật những đối tượng được yêu cầu", ông bày tỏ. 

Ngoài ra, với những đối tượng đó thì chỉ có thủ trưởng, phó thủ trưởng mới được ký công văn yêu cầu chứ không được mở rộng xuống thành viên đoàn cũng được yêu cầu", đại biểu Nghĩa đề nghị quy định cụ thể.

Đồng tình với đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Vũ Thị Liên Hương (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) cũng đề nghị bổ sung cụ thể trường hợp nào sẽ được cung cấp thông tin khách hàng. Ví dụ trường hợp khách hàng chết, mất năng lực hành vi dân sự, người thừa kế đến yêu cầu được cung cấp thông tin hoặc yêu cầu cung cấp báo cáo định kỳ theo quy định của pháp luật.