1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ai được hưởng lợi khi giá lúa gạo tăng cao?

(Dân trí) - Điệp khúc mất mùa, rớt giá, nông dân thất thu đã thành quen, nhưng thực tế ngay cả khi giá lúa gạo tăng cao, người nông dân vẫn chưa được hưởng lợi tương xứng. Tại nông dân thiếu năng lực hay tại sự khống chế thị trường của các doanh nghiệp xuất khẩu nhà nước?

Ngành nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế và đã làm nên những điều kỳ diệu khi biến Việt Nam từ một nước nhập khẩu lương thực trước năm 1989 thành một nhà xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới nhờ chính sách đổi mới nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, thu nhập của nông dân trồng lúa vẫn không tăng lên thỏa đáng, thậm chí có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Giá lúa gạo xuất khẩu của ta thấp nhất thế giới do chất lượng gạo xuất khẩu còn thấp.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam thấp nhất thế giới, lợi nhuận của nông dân chưa được 30%.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam thấp nhất thế giới, lợi nhuận của nông dân chưa được 30%.

Chính sách hỗ trợ cho các “cán bộ ca-táp"

Báo cáo “Ai được hưởng lợi khi giá lúa gạo tăng cao?” của tổ chức Oxfam và Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) công bố sáng nay 17/10 cho thấy còn nhiều bất cập trong mọi khâu của chuỗi cung ứng lúa gạo ở nước ta: Người trồng lúa thiếu năng lực thị trường, thương lái ép giá nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu làm việc theo kiểu “cán bộ ca-táp”,…

“Mặc dù nhà nước có nhiều hỗ trợ cho nông dân nhưng người trồng lúa không được hưởng lợi nhiều từ việc giá gạo thế giới tăng cao,” TS Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện Trưởng IPSARD nhận định tại lễ công bố.

Theo ông Tuấn, các nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (2012) và Oxfam (2012) đều cho thấy thu nhập trung bình từ trồng lúa của các hộ tại vùng ĐBSCL, vùng có lợi thế sản xuất lúa tốt nhất của cả nước, cũng chỉ đạt 535.000 đồng/người/tháng, chỉ bằng một nửa mức lương tối thiểu.

Ngay cả khi giá gạo trên thị trường thế giới lên cao, các chính sách nhằm đảm bảo giá bán cho người tiêu dùng cũng không cho phép nông dân hưởng lợi từ giá lên. Cụ thể, lệnh cấm tạm thời với những hợp đồng xuất khẩu mới từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2008 đã khiến giá gạo trên thị trường Việt Nam giảm xuống thậm tệ còn 10.000/3kg. Mặc dù giá gạo xuất khẩu tăng từ 430 USD/tấn vào đầu năm 2008, lên 900 USD/tấn vào tháng 5 năm 2008, nhưng do lệnh cấm xuất khẩu, giá bán lúa của nông dân chỉ tăng có 100 USD/tấn.

Lý giải điều này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng đó là hậu quả của việc yếu kém ở khâu chính sách của nhà nước, phát triển thị trường và yếu tố xã hội.

“Mặc dù các chính sách đổi mới nông nghiệp cùa nhà nước đã đưa Việt Nam lên vị thế cao trên thị trường nông sản thế giới nhưng tư duy về lúa gạo hiện nay của ta còn chưa phù hợp với xu hướng của thị trường. Dường như nước ta vẫn nhìn nhận lúa gạo dưới góc độ an ninh lương thực nên cứ mải miết tăng năng suất bất chấp giá đầu vào cao, giá đầu ra thấp, lợi ích của nông dân không nhiều và tác động lớn đến môi trường.”

Theo bà Lan, xuất khẩu gạo của nước ta dường như chỉ chú trọng vào số lượng nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu lại thấp hơn so với Thái Lan rất nhiều. Nhà nước ta chưa tiếp cận lúa gạo dưới góc độ thị trường như một lợi thế của đất nước. Đối với nông dân, nhà nước dường như chỉ hướng tới người cày có ruộng hơn là người cày liên kết với nhau hay mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Trong khi đầu tư cho nông nghiệp của nhà nước được sếp dưới đáy ưu tiên sau hàng loạt các ngành công nghiệp, dịch vụ,…, hoạt động sản xuất vẫn theo kiểu cũ với hơn 9 triệu hộ nông dân làm nông nghiệp, sản xuất manh mún, thiếu liên kết nên khoảng cách giữa nông dân với thị trường ngày càng xa.

Trong khi đó doanh nghiệp xuất khẩu lại không quan tâm đến nông dân bởi họ không mua trực tiếp lúa gạo của người dân mà thông qua thương lái. Lãnh đạo của những doanh nghiệp xuất khẩu được gọi với cái tên vui là “cán bộ ca-táp” vì họ ngồi trong phòng máy lạnh, nghỉ trong khách sạn và ra lệnh cho thương lái thu mua lúa gạo xuất khẩu. Thị trường thì bị độc quyền bởi hai doanh nghiệp nhà nước: Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty lương thực miền nam (Vinafood 2), chiếm tới hơn 50% thị phần xuất khẩu gạo của nước ta.

Nguồn thu từ xuất khẩu lúa gạo được các doanh nghiệp này dùng để đầu tư và sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, khách sạn, bất động sản và thậm chí cả xe máy… nhằm hạn chế rủi ro trong kinh doanh. Nhưng điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận từ lúa gạo không được tái đầu tư cho chính ngành này.

Đáng buồn nữa là Hội nông dân Việt Nam lại hoạt động với vai trò chính trị thay vì bảo vệ lợi ích sát sườn của người nông dân, bởi lãnh đạo của hội không phải là người trồng lúa. Trong khi đó, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đáng lẽ nên đóng vai trò điều phối thị trường cho các doanh nghiệp thì lại có quá nhiều lợi thế trong việc đề xuất chính sách. Họ không quan tâm đến nông dân khi đề xuất chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo mà thay vào đó là bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp xuất khẩu. Người nông dân chưa có tiếng nói trong quá trình xây dựng chính sách liên quan đến chính họ.

“Đây là vấn đề của thể chế vì hiện nay nông dân không chơi được với nông dân, thương lái không chơi với thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu không chơi với doanh nghiệp và các bộ ngành dường như cũng không chơi với nhau. Trong khi Bộ NN&PTNN chỉ đạo sản xuất, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm xuất khẩu gạo. Nhưng khi không tìm được đầu ra cho sản phẩm thì lại đổ cho Bộ NN&PTNT, mà VFA không thuộc quản lý của bộ này,” ông Tuấn nhận định.

Cũng theo ông Tuấn, tỷ giá hối đoái của ta đang bị định giá quá cao so với giá thực tế. Điều này gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu nhưng lại làm lợi cho các nhà nhập khẩu. Mặc dù thặng dư xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam năm 2012 đạt 15 tỷ USD, nhưng ta bị thiệt hại tới 40% về giá trị do chênh lệch tỷ giá hối đoái!

Người nông dân tự làm khó cho mình…?

Theo GS. TS Võ Tòng Xuân, người nông dân Việt Nam cũng đang tự làm cho họ bất lợi trong cuộc đấu tranh giành quyền lợi bởi năng lực và hiểu biết còn hạn chế, khả năng tiếp cận thông tin thị trường và ứng dụng khoa học kỹ thuật chưa cao. Nhiều người không tuân thủ theo quy trình sản xuất VietGAP nên chi phí sản xuất đầu vào vẫn cao do lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón, làm gia tăng lượng khí thải, góp phần vào quá trình biến đổi khí hậu.

Nhiều chuyên gia cho rằng điểm yếu lớn nhất của nông dân là họ quá nghèo. Họ không có lãi vì họ bán lúa tươi ngay tại ruộng để trả nợ ngân hàng, trả tiền chi phí mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu và không có đủ năng lực để tạm trữ và sơ chế lúa. Do đó, dù giá có tăng cao đến đâu họ cũng không được hưởng lợi, đồng nghĩa với đó là chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo không tiếp cận được người dân.

Để giải quyết các vấn đề tồn tại trên và xây dựng một chuỗi cung ứng lúa gạo chuyên nghiệp, các chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện tất cả các khâu trong chuỗi giá trị này. Cần tổ chức lại người trồng lúa theo mô hình  hợp tác xã, tổ sản xuất, cánh đồng mẫu lớn để sản xuất tập trung, theo quy trình, chuyên nghiệp và nâng cao giá trị sản xuất. Người nông dân cần tự nâng cao năng lực của mình để có tiếng nói đấu tranh vì quyền lợi của chính họ thay vì chờ chính sách từ trên xuống.

“Thương lái cũng cần gắn lại với nhau để hoạt động chuyên nghiệp hơn bởi thị trường vẫn cần họ khi nông dân và hợp tác xã chưa trưởng thành. Nên giao cho Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm cả hoạt động sản xuất và xuất khẩu nông sản thay vì giao cho Bộ Công thương lo khâu xuất khẩu vì bộ này sẽ không ưu tiên cho nông nghiệp bởi họ đang các ngành công nghiệp như điện lực có thể mang lại doanh thu rất cao,” bà Phạm Chi Lan cho biết.

GS Võ Tòng Xuân cũng cho rằng, nếu tiếp tục để Vinafood 1, Vinafood 2 và VFA khống chế giá xuất khẩu và hạn ngạch xuất khẩu thì sẽ triệt tiêu sự sáng tạo của các doanh nghiệp tư nhân. Đáng lẽ, VFA nên tìm thị trường và giao chỉ tiêu cho các địa phương sản xuất chứ không nên tham gia trực tiếp vào xuất khẩu như hiện nay.

Theo ông, cần tìm ra các doanh nghiệp có đầu óc kinh doanh nhưng phải có cái tâm với nông dân và nông nghiệp để giúp cho ngành nông nghiệp phát triển vì lợi ích của người trồng lúa.

Các chuyên gia cũng khẳng định sự cần thiết phải thành lập một ủy ban lúa gạo có sự tham gia của các nhà quản lý nhà nước, doanh nghiệp xuất khẩu, thương lái và đại diện nông dân là những người trực tiếp trồng lúa để có ý kiến trong việc xây dựng chính sách và quyết định giá bán.

Thảo Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm