Agribank đầu tư nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững và hiệu quả

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển (26/3/1988- 26/3/2018), với mục tiêu kiên định đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đến nay, Agribank đã triển khai cho vay xây dựng Nông thôn mới tại 8.937 xã trên tổng số 9.001 xã trong cả nước.

Riêng tại Agribank Long An đã dành trên 96 % trên tổng dư nợ để cho vay nông nghiệp nông thôn, với nhiều chương trình cho vay hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ, cho vay phát triển nông nghiệp sạch, cho vay xây dựng nông thôn mới, cho vay hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch, . . . theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015; Quyết định số 63,65,68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước tỉnh Long An, Agribank chi nhánh Long An là một trong những ngân hàng đầu tầu của tỉnh nhà, với thị phần chiếm trên 30% trong số hơn 25 tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Long An. Ông Đào Văn Nghiệp - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Long An - ghi nhận những đóng góp quan trọng của Agribank nói chung và Agribank chi nhánh Long An. Tổng dư nợ của tỉnh khoảng trên 18.000 tỷ đồng; trong đó có gần 16.000 tỷ đồng của Agribank Long An (chiếm 89% trên tổng dự nợ của tỉnh). Các thủ tục cho vay của Agribank Long An đều hết sức thuận tiện cho người dân, . . .

Long An là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, phía Đông giáp thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh, phía Bắc giáp Vương quốc Campuchia, phía Tây giáp tỉnh Đồng Tháp và phía Nam giáp tỉnh Tiền Giang. Tổng diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh là 4.491,87 km2. Trên địa bàn tỉnh có 1 thị xã và 13 huyện, trong đó có 6 huyện nằm trong khu vực Đồng Tháp Mười, địa hình trũng bao gồm Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hoá, Tân Thạnh, Thạnh Hoá và Đức Huệ với diện tích đất tự nhiên là 298.243 ha. Theo quyết định 964/QĐ-TTg ban hành ngày 30/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Long An có 7 huyện, thị xã nằm trong Danh mục địa bàn ưu tiên thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020, bao gồm: Huyện Đức Huệ, Huyện Mộc Hóa, Huyện Vĩnh Hưng, Thị xã Kiến Tường, Huyện Thạnh Hóa, Huyện Tân Hưng, Huyện Cần Giuộc.

Theo ông Bùi Văn Hiệu, Chủ tịch xã Khánh Hưng - xã nông thôn mới ở huyện Vĩnh Hưng, cho biết: “Tại đây chủ yếu sản xuất lúa, trồng bưởi, ổi, cam… diện tích đất canh tác trên 5.222 ha, sản xuất lúa 02 vụ chiếm 4.500 ha, 322 ha trồng cây ăn trái, hoa màu, số còn lại được trồng xen canh 2 lúa, 1 màu. Theo định mức chi phí sản xuất nông nghiệp trên 1 ha lúa khoảng 25-30 triệu/ha. Tại xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, chúng tôi đến thăm vườn bưởi da xanh của gia đình ông Trần Văn Ngoan, là hộ đầu tiên của ấp mạnh dạn đầu tư vào mô hình trồng bưởi da xanh. Sau khi học hỏi được kinh nghiệm trồng và chăm sóc bưởi da xanh, nhận thấy đất ở đây là đất gò, rất phù hợp cho trồng bưởi da xanh, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng, cải tạo 1,5 ha đất để trồng bưởi. Trong suốt 03 năm qua, năm nào ông cũng thu nhập trên 300 triệu từ việc bán bưởi. Hiện tại đời sống kinh tế gia đình ông đã khá lên rất nhiều và chỉ còn vay của Agribank 350 triệu đồng.

Cũng ở ấp Cả Trốt, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, người đã gắn bó với Agribank gần 30 năm, ông Lưu Văn Hoài ở ấp cho biết: “trước đây gia đình tôi do chưa có kinh nghiệm trong việc trồng dưa dấu, dẫn đến thua lỗ nặng, tôi phải bán gần hết đất của gia đình hơn 10 ha để trả nợ”. Trầm ngâm một lúc, ông hào hứng kể: “Nhờ vốn vay của Agribank đầu tư vào trồng lúa, gia đình tôi hiện có 07 ha đất trồng lúa, 1 năm làm 2 vụ đông Xuân và hè Thu, năng suất bình quân 6,5-7 tấn/ha, giá lúa thơm 7000đ/kg, lúa thường 5000đ/kg”. Được mùa lại được giá, gia đình ông rất phấn khởi với thành quả đã đạt được, trong năm tới gia đình ông quyết định đầu tư tăng quy mô sản xuất và chuyển đổi một ít sang trồng bưởi da xanh, mô hình cây trồng đang rất hiệu quả tại đây. Ông vui mừng cho biết thêm, hiện ông là Giám đốc Hợp tác xã Hưng Phú, với quy mô 300 ha trồng lúa, cung cấp các dịch vụ bơm tưới, cày xới, thu hoạch. HTX Hưng Phú cũng là khách hàng thân thiết của Agribank Vĩnh Hưng với dư nợ 1,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, Agribank Long An luôn bám sát tình hình kinh tế địa phương, chủ động đẩy mạnh, đáp ứng nhu cầu về vốn để thực hiện các chương trình, dự án phát triển KT-XH trọng tâm của tỉnh, nhất là phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; Cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 63,65,68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng dư nợ của Agribank Long An tính đến 31/12/2017 đạt trên 15.769 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm, cao hơn cùng kỳ năm 2016. Nguồn vốn huy động đạt 16.533 tỷ đồng, tăng 20,7% so với năm 2016. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng 0,33% trong khả năng kiểm soát được. Thu dịch vụ đạt 36,9 tỷ đồng, tăng 36,67%. Thu hồi nợ đã xử lý rủi ro đạt 37,2 tỷ đồng (tăng 12,73%); thu hồi nợ đã bán cho VAMC là 14,7 tỷ đồng.

Hầu hết người dân Long An đều tìm đến Agribank Long An để được hỗ trợ vay vốn, vì nguồn vốn vay ở đây có nhiều ưu đãi (lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn, chính sách chăm sóc khách hàng tốt...). Anh Lê Thanh Nhân - một doanh nhân trẻ ở huyện Châu Thành - Long An cho biết: Anh gắn bó với Agribank nhiều năm nay, Agribank đã đáp ứng tốt nhu cầu hoạt động của công ty, dư nợ của công ty tại Agribank trên 20 tỷ, và chừng đó đã đảm bảo tốt cho hoạt động xuất khẩu nông sản chủ lực là trái thanh long của công ty anh. Trung bình mỗi tháng anh xuất được 500-600 tấn thanh long, (trong đó khoảng 95% tổng số hàng là xuất sang các nước Trung Quốc, Châu Âu, Mỹ, Nhật, Malaysia, Thái Lan..., khoảng 5% số hàng còn lại dành cho thị trường trong nước), doanh thu đạt 4-5 triệu USD/năm.

Agribank đầu tư nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững và hiệu quả - 1

Ông Nguyễn Văn Được - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An đánh giá cao kết quả hoạt động kinh doanh của Agribank chi nhánh tỉnh Long An trong việc đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh; đồng thời đề nghị Agribank nói chung và chi nhánh Long An nói riêng tiếp tục chủ động bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh, đưa ra các giải pháp điều hành theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước và theo tín hiệu thị trường nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng, bảo đảm hoạt động đúng pháp luật; tiếp tục đồng hành cùng người nông dân trong tỉnh, nỗ lực không ngừng trong phát triển tín dụng xanh, hỗ trợ phát triển chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng cánh đồng mẫu lớn,…của tỉnh.

Tuy là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được Agribank ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác từ 1-2%. Mỗi năm bằng tài chính của Ngân hàng, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với 8 đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp. Tài trợ xây dựng hàng trăm trường học, trạm y tế, hàng nghìn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo từ quỹ phúc lợi và đóng góp của cán bộ, công nhân viên trong toàn hệ thống…