1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

AFMM19: Thúc đẩy quá trình hội nhập tài chính tiền tệ khu vực

(Dân trí) - Đây cũng là năm đầu tiên diễn ra Hội nghị chung giữa Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy quá trình hội nhập tài chính tiền tệ khu vực sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập.

Trong 2 ngày 20 và 21/3/2015, trong khuôn khổ hợp tác tài chính ASEAN, dưới sự chủ trì của Malaysia, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 19 (AFMM19) đã diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia. Đây cũng là năm đầu tiên diễn ra Hội nghị chung giữa Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN, thể hiện quyết tâm chung của các nhà lãnh đạo cơ quan tài chính và ngân hàng trung ương ASEAN trong việc phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy quá trình hội nhập tài chính tiền tệ khu vực sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập.

Tham dự Hội nghị lần này có Bộ trưởng Tài chính các nước ASEAN,  Phó Tổng thư ký ASEAN, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Giám đốc điều hành Ngân hàng thế giới (WB), Giám đốc Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực ASEAN+3 (AMRO) và quan chức tài chính ngân hàng các nước thành viên. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã dẫn đầu đoàn đại biểu Bộ Tài chính Việt Nam tham dự Hội nghị. 

Đại diện Việt Nam tham dự sự kiện khu vực.
Đại diện Việt Nam tham dự sự kiện khu vực.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN, các Bộ trưởng và lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế đã thảo luận về vai trò của chính sách tài khóa và tiền tệ trong xóa đói giảm nghèo, nhu cầu tài trợ cơ sở hạ tầng ở châu Á và các giải pháp hướng tới hài hòa và hội nhập thuế khu vực. Các Bộ trưởng cũng thảo luận về tiến độ triển khai hợp tác trong các lĩnh vực tài chính khác như bảo hiểm, hải quan và hợp tác thuế.

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã khuyến nghị mặc dù các nước ASEAN có trình độ phát triển khác nhau nhưng cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực thuế, để kịp thời có những giải pháp ứng phó với việc giảm thất thu ngân sách do biến động từ bên ngoài, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thuế.  

Hội nghị ghi nhận Quỹ Cơ sở Hạ tầng ASEAN (AIF) như là một cấu phần trong những nỗ lực của ASEAN để tăng cường kết nối vật chất khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển cơ sở hạ tầng trong ASEAN, tổng số vốn của Quỹ hiện tại đạt 485.3 triệu USD. Trong năm vừa qua, Quỹ AIF đã hỗ trợ một số dự án cơ sở hạ tầng  bao gồm dự án chuyển giao năng lượng và hệ thống nước sạch tại Indonesia và dự án liên kết năng lượng tại Việt Nam. Các Bộ trưởng khuyến khích AIF tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trong việc mở rộng các dự án và số lượng dự án vay.

Các Bộ trưởng nhất trí tăng cường hoạt động của Diễn đàn thuế ASEAN để thúc được đẩy hơn nữa quá trình hài hòa thuế. Hội nghị ghi nhận những tiến bộ đạt được trong hợp tác hải quan, đặc biệt là việc thực hiện thành công dự án thí điểm thực hiện kết nối Cơ chế Một cửa ASEAN được triển khai tại bảy nước thành viên và việc hoàn thành cấu phần 2 dự án thí điểm hải quan một cửa trước khi thực hiện đầy đủ các cầu phần của dự án.  Nghị định thư về khung pháp lý để áp dụng triển khai cơ chế một cửa ASEAN sẽ được ký kết trong năm 2015. Trong lĩnh vực bảo hiểm, các Bộ trưởng ghi nhận những thành tựu các cơ quan bảo hiểm ASEAN đạt được trong việc xây dựng các khung khổ pháp lý điều hành để thúc đẩy các sản phẩm bảo hiểm và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, tỷ lệ bảo hiểm tăng cao trong khu vực và tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội giám sát bảo hiểm quốc tế như là một biện pháp quan trọng để hỗ trợ quá trình hiện thực hóa các mục tiêu của Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Ngoài ra, phiên họp chung giữa các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN tập trung thảo luận về tình hình phát triển kinh tế khu vực và thế giới, tiến độ triển khai các sáng kiến thuộc Lộ trình Hội nhập tài chính ASEAN và những cam kết thực hiện mục tiêu Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015, trên ba lĩnh vực Phát triển thị trường vốn, Tự do hóa tài khoản vốn và Tự do hóa dịch vụ tài chính và thống nhất những ưu tiên hợp tác và hội nhập tài chính sau khi Cộng đồng kinh tế 2015 được thành lập. 

Hội nghị ghi nhận tốc độ tăng trưởng mà khu vực ASEAN đạt 4,6% trong năm 2014, xuất khẩu đã phục hồi trong 6 tháng cuối năm mặc dù kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn. Triển vọng kinh tế lạc quan nhờ cầu nội địa tăng nhanh, xuất phát từ tiêu dùng cá nhân và đầu tư cơ sở hạ tầng. Mặc dù vậy, các nước ASEAN vẫn cần thận trọng các rủi ro bên ngoài, như nguy cơ rút vốn, sự biến động của tỷ giá, áp lực lạm phát gia tăng và thắt chặt các điều kiện tài chính có thể sẽ làm suy yếu quá trình tăng trưởng kinh tế của cả khu vực. 

Các Bộ trưởng cũng tái khẳng định cam kết thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ thích hợp để duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định thị trường tài chính thông qua việc điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô để phù hợp với mức độ phát triển của từng nước và tùy theo tình hình cụ thể mà từng nền kinh tế phải đối mặt.  Hội nghị nhất trí sẽ tăng cường hơn nữa cầu nội đia, tiếp tục cải cách cơ cấu, khuyến khích đầu tư khu vực tư nhân, với mục tiêu phát triển kinh tế cân bằng toàn khu vực. Hội nghị cũng nhất trí tăng cường nỗ lực hợp tác và hội nhập, để cải thiện khả năng phục hồi của khu vực đối phó với các nguy cơ bên ngoài. 

An Hạ
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”