ADB coi BIDV là đối tác hàng đầu tại Việt Nam

(Dân trí) - Ngày 4/9, tại Singapore, trong khuôn khổ Hội thảo Tổng kết Thương mại Toàn cầu thường niên (Global Trade Review - GTR) 2018, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố danh sách các ngân hàng đạt giải thưởng của Chương trình Tài trợ thương mại (TFP). Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng Việt Nam duy nhất được vinh danh “Ngân hàng đối tác hàng đầu tại Việt Nam - Leading Partner Bank in Vietnam”.


Bà Trương Thị Thu Ba, Phó Giám đốc Ban Định chế tài chính BIDV,đại diện BIDV nhận giải thưởng từ ADB.

Bà Trương Thị Thu Ba, Phó Giám đốc Ban Định chế tài chính BIDV,đại diện BIDV nhận giải thưởng từ ADB.

Đây là năm thứ ba liên tiếp BIDV được trao giải thưởng này.

Trên 200 đại biểu đại diện các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên khắp thế giới đã tham dự sự kiện. Giải thưởng TFP vinh danh 23 ngân hàng đối tác tại 15 quốc gia. Với BIDV, giải thưởng là sự ghi nhận những nỗ lực của Ngân hàng trong việc duy trì và củng cố năng lực tài chính, mở rộng hoạt động tài trợ thương mại và minh bạch thông tin.

Từ năm 2009 đến nay, Chương trình tài trợ thương mại của ADB đã hỗ trợ hơn 12.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các nước đang phát triển trong khu vực Châu Á với trên 16.600 giao dịch trị giá trên 30 tỷ đô la Mỹ, giúp thu hẹp khoảng cách về tài trợ thương mại giữa các thị trường thông qua việc bảo lãnh và cho vay các định chế tài chính nhằm hỗ trợ các hoạt động thương mại trong khu vực. Chương trình TFP hiện được triển khai ở 21 quốc gia thành viên của ADB, trong đó 5 thị trường hoạt động tích cực nhất bao gồm Armenia, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, và Việt Nam.

Với định hạng tín nhiệm AAA của ADB, Chương trình tài trợ thương mại đã thực hiện bảo lãnh và cho vay hơn 200 ngân hàng đối tác để hỗ trợ hoạt động thương mại quốc tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên khắp châu Á tham gia vào các hoạt động xuất nhập khẩu. Theo khảo sát mới nhất của ADB, các định chế tài chính hỗ trợ thương mại và doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách tài trợ thương mại toàn cầu, ước tính lên tới 1.500 tỷ đô la Mỹ, trong đó 40% con số này là ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Tài trợ thương mại cũng là một cấu phần quan trọng đối với các quốc gia trong việc đạt được các mục tiêu về tăng trưởng bền vững, được xác định trong Chương trình hành động của Liên hợp quốc về tài chính cho phát triển.

Năm 2009, BIDV là một trong những đối tác đầu tiên của Việt Nam được ADB chọn để cấp hạn mức và ký Hợp đồng hạn mức tài trợ thương mại trong khuôn khổ Chương trình TFP.

H.Anh