ACB: "Thanh khoản ngân hàng không thiếu"
(Dân trí) - Không khẳng định số dư thanh khoản là 15.000 tỷ đồng, song phát ngôn viên của Ngân hàng ACB cho biết, ngân hàng hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu rút tiền của người dân.
Sáng nay (22/8), trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc và là người phát ngôn của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, đến thời điểm hiện tại, thanh khoản ngân hàng hoàn toàn được đảm bảo.
Nói về con số cụ thể số dư thanh khoản tại ngân hàng, ông Toại nói: "Tôi không phát biểu cụ thể con số là 15.000 tỉ đồng như các báo đưa, song chúng tôi đảm bảo, đủ khả năng thanh toán cho nhu cầu rút tiền của khách hàng. Như vậy, khách hàng hoàn toàn có thể an tâm về tài sản gửi tại ngân hàng".
NHNN ngày hôm qua đã bất ngờ bơm ra một lượng tiền lớn 5.000 tỷ đồng trên thị trường mở.
Theo ông Toại, con số cụ thể không cần thiết. "Tôi muốn nói là số tiền ngân hàng có hiện nay còn rất lớn. Một khi NHNN đảm bảo thì thanh khoản tại ACB là vô tận. Chúng tôi luôn luôn đáp ứng được nhu cầu rút tiền, và có lẽ người dân cũng chỉ cần biết như vậy là đủ. Còn con số cụ thể, hôm nay có thể 10.000 tỷ, ngày mai 20.000 tỷ, ngày kia lại rút xuống 10.000 tỷ đồng - đó là chuyện bình thường".
Thông cáo của ACB phát ra cuối ngày hôm qua cũng khẳng định, đến hết giờ giao dịch ngày 21/8/2012, tình hình thanh khoản của ACB vẫn đang được quản lý tốt, đảm bảo quyền lợi khách hàng và các bên liên quan.
Trong trường hợp bình thường, thanh khoản ACB không thiếu. Nếu diễn biến phức tạp thì đã được sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Ông Toại cũng cho biết, ngày hôm qua (21/8), NHNN đã bơm ra một lượng tiền lớn trên thị trường mở (OMO).
Dữ liệu Reuters cũng cho thấy, trong ngày 21/8, NHNN đã bơm ra 5.000 tỷ đồng trên OMO với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 8,8%.
Với trường hợp người dân tại TP.HCM có nhu cầu rút tiền lớn hơn trong hôm qua, ông Toại nói hóm hỉnh "khách hàng rút tiền thì cứ rút bình thường thôi, không vấn đề gì cả". Trước đó, trong một cuộc trao đổi khác với Dân trí trong ngày 21/8, ông Toại cũng đã lưu ý, việc rút tiền trước hạn chỉ gây thiệt hại cho khách hàng, vì khách hàng bị mất lãi.
Tuy nhiên, tại Hà Nội, theo quan sát của phóng viên, các phòng giao dịch của ACB vẫn hoạt động bình thường, thậm chí có nơi vắng vẻ.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2012 của ACB ghi nhận, tại thời điểm 30/6, ngân hàng còn 51.691,2 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Trong đó, có 8.789,2 tỷ đồng tiền mặt, vàng bạc và đá quý, tăng nhẹ 80 tỷ đồng so thời điểm cuối năm 2011. Tổng tài sản đến hết quý II có 255.872,5 tỷ đồng.
Tiền gửi của khách hàng đến cuối quý II ghi nhận có 145.616,5 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so thời điểm 31/12/2011.
Cho vay khách hàng đến 30/6 là 103.727,2 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so cuối năm 2011, trong đó cho vay các tổ chức kinh tế và cá nhân trong nước 102.246 tỷ đồng. Tổng nợ xấu (nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5) là 1.620 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 1,56%.
Vụ việc ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, mặc dù ACB khẳng định, ông này không còn liên quan đến hoạt động của ngân hàng (cá nhân ông Kiên hiện không nắm giữ chức vụ gì trong ACB, không tham gia HĐQT, không tham gia Ban Điều hành, không chi phối công tác điều hành của HĐQT và Ban Điều hành ngân hàng) song giá cổ phiếu ACB đã bị tác động tiêu cực.
Diễn biến giao dịch cổ phiếu ACB trong 1 tháng (Nguồn: HNX).
Sau ngày giảm sút kịch sàn vào hôm qua, sáng nay, cổ phiếu ACB tiếp tục mất giá 1.600 đồng/cp, tương ứng giảm 6,64% xuống 22.500 đồng/cp (cập nhật giá lúc 10 giờ 27 phút). Áp lực bán vẫn rất mạnh, với dư bán sàn gần 1,1 triệu đơn vị.
Hiện tại, tình hình trên hai sàn vẫn chưa được cải thiện. HNX-index mất 2,22 điểm tương ứng mất 3,32% xuống 64,73 điểm. Tại HoSE, VN-Index tiếp tục mất 8 điểm, tương ứng giảm 1,92% xuống 408,84 điểm.
Bích Diệp