ACB kinh doanh ra sao dưới thời ông Trần Hùng Huy?
(Dân trí) - Dưới thời ông Trần Hùng Huy, tổng tài sản ACB tăng hơn 3 lần lên hơn 777.000 tỷ đồng. Đi cùng quy mô, tổng nợ xấu cũng tăng từ 900 tỷ đồng năm 2012 lên hơn 8.200 tỷ đồng vào cuối quý III/2024.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã chứng khoán: ACB) mới đây vừa vướng vào những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội. Cá nhân ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT ACB - cũng đã chia sẻ lại thông cáo của ngân hàng trên trang cá nhân của mình, phản bác tin đồn sai sự thật.
Ông Trần Hùng Huy (sinh năm 1978) là con của doanh nhân Trần Mộng Hùng - một trong những người sáng lập. Ông Trần Mộng Hùng cũng giữ chức Chủ tịch HĐQT ACB trong thời gian dài.
Ông Huy gia nhập ACB từ năm 2002 và chính thức đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT vào năm 2012. Ông nhận nhiệm vụ khi ngân hàng đang đối mặt với nhiều khó khăn sau sự kiện của ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và một số lãnh đạo cũ bị khởi tố.
Hậu biến cố với bầu Kiên, cuối năm 2012, lợi nhuận của ngân hàng rơi mạnh từ gần 3.208 tỷ đồng năm trước xuống còn 784 tỷ đồng. Giai đoạn 2012-2014 lợi nhuận sau thuế nhiều năm liền dưới mốc 1.000 tỷ đồng, giảm phân nửa so với những năm trước đó. Năm 2010, 2011 lợi nhuận của ACB luôn trên mốc 2.000 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, trong quý IV/2012, ACB ghi nhận mức lỗ sau thuế gần 159 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 1.349 tỷ đồng.
Và kể từ năm 2017, kết quả kinh doanh của nhà băng này mới thật sự khởi sắc khi lợi nhuận vượt mốc 2.000 tỷ đồng và liên tiếp xô đổ đỉnh lợi nhuận của chính mình.
Năm 2023, ACB báo lãi sau thuế 16.045 tỷ đồng, gấp 20 lần mức lợi nhuận của năm 2012. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2024, ACB ghi nhận mức lãi sau thuế hơn 12.200 tỷ đồng.
Cuối năm 2012, tổng tài sản ACB giảm mạnh từ hơn 255.000 tỷ đồng (tính đến tháng 6/2012) xuống còn 176.308 tỷ đồng. Liên tiếp nhiều năm sau đó, quy mô tài sản của ACB cũng không ngừng bị thu hẹp và tăng trưởng không nhanh. Cho đến năm 2015, tổng tài sản của ACB lấy lại mốc 200.000 tỷ đồng. Tính đến quý III/2024, tổng tài sản đạt 777.392 tỷ đồng, gấp gần 4 lần thời điểm năm 2015.
Về số dư nợ xấu, thời điểm cuối năm 2012, tổng nợ xấu của ngân hàng này đã vọt lên từ hơn 900 tỷ đồng lên 2.570 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ghi nhận 2,5%. Năm 2013 tỷ lệ này vượt mức 3% và chỉ giảm về dưới 2% cho đến năm 2015. Cuối năm 2012, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của ACB tăng từ 297 tỷ đồng lên hơn 1.150 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý III/2024, tổng dư nợ cho vay khách hàng là hơn 547.299 tỷ đồng, tăng 13,3% so với đầu năm. Tổng nợ xấu tính đến 30/9/2024 ghi nhận hơn 8.274 tỷ đồng, tăng 40% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,5% so với mức 1,2% hồi đầu năm.
Mới đây, ACB cũng vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2024. Trong đó, ngân hàng cho biết hoạt động tín dụng ghi nhận hơn 581.000 tỷ đồng, tăng 19,1% so với đầu năm. Mức tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến hết 31/12/2024 là hơn 15%.
ACB cho biết 90% danh mục cho vay thuộc về khách hàng bán lẻ, riêng tín dụng doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng 24%.
Huy động tiền gửi từ khách hàng đạt hơn 537.000 tỷ đồng, tăng trưởng 11,3%, trong khi tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cải thiện lên mức 23%.