Ác mộng đầu tư chứng khoán: Muốn mua không được, muốn bán không xong
(Dân trí) - Một vị lãnh đạo công ty chứng khoán cho rằng, nỗi sợ lớn nhất của nhà đầu tư không phải là sự lên xuống của cổ phiếu, mà sợ trong trường hợp, muốn mua không mua được, muốn bán không bán được.
Nhà đầu tư F0 không chỉ có "gà mờ"
Nhiều nội dung hấp dẫn liên quan đến thị trường chứng khoán, trong đó có việc áp dụng công nghệ vào thị trường đã được các khách mời chia sẻ trong tọa đàm "Chứng khoán số: Cuộc đua ngầm" do báo Dân trí tổ chức ngày 17/1.
Ông Nguyễn Hoàng Giang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán DNSE - cho rằng, sự kiện Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) xử lý được việc nghẽn lệnh là hành động đáng hoan nghênh. "Để giải quyết một vấn đề lớn của hệ thống trong vòng 100 ngày, đó là việc cũng phải nỗ lực tất cả những người tham gia, thành viên tham gia thị trường. Tôi thấy, đó là điều mà tôi thấy là ấn tượng nhất trong năm 2021", ông nói.
Ngoài ra, ông Giang còn đánh giá, năm 2021 là năm in dấu nhiều kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt Nam với 1,5 triệu tài khoản được mở mới, đồng nghĩa với việc, nhiều nhà đầu tư mới hay gọi là F0 gia nhập thị trường. Song, bên cạnh đó, có nhiều nhà đầu tư là những người đã có kinh nghiệm từ lâu và họ khá có nguyên tắc trong cuộc chơi này.
Đồng quan điểm, ông Trần Hà Thanh - Giám đốc điều hành của Công ty giải pháp Công nghệ TMG - đánh giá, dấu ấn trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021 được thể hiện ở việc xử lý sự cố của sàn HoSE mà trước đây nhiều người đều nghĩ rằng phải sử dụng công nghệ của Thái Lan, Hàn Quốc. Điều này đã tạo ra niềm tin với nhà đầu tư về công nghệ Việt có thể phát triển, thông qua việc chỉ số liên tục đạt đỉnh trong năm qua.
Theo nhà báo Dương Ngọc Trinh - Đài Truyền hình Việt Nam - 2021 là năm bùng nổ của thị trường chứng khoán vì từ người già đến người trẻ đều nhận thức được thị trường chứng khoán là nơi để đầu tư, nơi có thể sản sinh lợi nhuận trong bối cảnh dịch Covid-19
"Chứng khoán là kênh mà mọi người có thể đầu tư. Đợt giãn cách vừa rồi khiến cho tất cả công việc đình trệ, các kênh kiếm tiền thông thường đều bị đình trệ, chỉ có chứng khoán và công nghệ là 2 lĩnh vực mà mọi người đều có thể tham gia đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận. Thậm chí có những chủ doanh nghiệp còn chia sẻ có khi phải đầu tư chứng khoán để có tiền trả nhân viên vì bây giờ đóng cửa hết không có kênh nào để sản sinh lợi nhuận, kiếm tiền", bà Trinh nói.
Ác mộng của giới đầu tư là gì?
Theo ông Thanh, có một nguyên nhân khiến số tài khoản chứng khoán tăng đột biến trong năm 2021 còn đến từ việc rất nhiều công ty công nghệ áp dụng công nghệ hiện đại.
Hiện nay, người chơi có thể sử dụng các công cụ mua bán, đặt lệnh và kiểm soát rủi ro bằng các công cụ, phương tiện hữu ích. Khi vài năm trở lại đây, thị trường Việt Nam mở ra thế giới, các công cụ nước ngoài, công cụ trên cloud (công nghệ đám mây) đã tích hợp với số liệu ở Việt Nam. Đây là tiền đề khiến người sử dụng công cụ dễ hơn rất nhiều.
Tương tự, nhà báo Dương Ngọc Trinh nhận định, trước đây, các nhà đầu tư hay chọn các công ty chứng khoán để đồng hành, có phí giao dịch thấp hơn để mở tài khoản. Nhưng bây giờ đã khác. Nhà đầu tư quan tâm đến phần mềm đặt lệnh có tiện lợi hay không, các lệnh nạp, chuyển tiền có phức tạp hay không và có nhanh không, có gần gũi thuận tiện hay không.
"Vấn đề hiện nay không nằm ở phí giao dịch của các công ty chứng khoán mà lựa chọn của các F0 bây giờ là có bảo mật, có tiện lợi và thân thiện hay không, nạp tiền và chi tiền ra có dễ hay không. Đó là 3 sự khác biệt lớn nhất mà các nhà đầu tư chứng khoán quan tâm", bà Trinh phân tích.
Để đáp ứng mọi nhu cầu, mong muốn của khách hàng, ông Nguyễn Hoàng Giang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán DNSE - cho biết công ty này đã luôn ứng dụng công nghệ vào cuộc đua này. Cụ thể bằng việc, khách hàng hoàn toàn có thể mở tài khoản online trực tuyến, chuyển tiền trực tuyến và hoàn toàn có thể đặt lệnh, xem các thông tin trực tuyến.
Theo ông Giang, khi càng nhiều người tham gia vào thị trường chứng khoán, đầu tư chứng khoán thì rủi ro sẽ tăng lên dẫn đến tâm lý đám đông, tâm lý bầy đàn thì việc quản trị rủi ro của nhà đầu tư càng phải được quan tâm. Do đó, người đồng hành, cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư rất quan trọng.
"Điểm quan trọng ở đây là khi thị trường có biến động mạnh. Những cái cách chia sẻ thông tin, đưa thông tin tới khách hàng là làm thế nào được minh bạch và thông suốt thì đấy là vai trò. Một trong những vai trò quan trọng nhất của một đơn vị chứng khoán", ông nói.
Ông Giang cho rằng, nỗi sợ lớn nhất của một nhà đầu tư không phải là sự lên xuống của cổ phiếu mà là sợ trong trường hợp muốn thực hiện chiến lược của mình mà không thực hiện được. Nghĩa là nhà đầu tư muốn bán đi mà không bán được, muốn mua mà không mua được. Đó là điều mà nhà đầu tư sợ nhất.