DMagazine

12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021

(Dân trí) - Dưới tác động bất lợi của đại dịch Covid-19, chứng khoán Việt Nam lại có một năm thăng hoa với hàng loạt sự kiện sôi động, trải dài trong cả 12 tháng.

Dưới tác động bất lợi của đại dịch Covid-19, chứng khoán Việt Nam lại có một năm thăng hoa với hàng loạt sự kiện sôi động, trải dài trong cả 12 tháng.

Năm 2021 chứng kiến lượng F0 trên thị trường chứng khoán lớn nhất từ trước đến nay. Một lực lượng mới đầy quyết tâm, nhưng thiếu tâm lý và kinh nghiệm đã đưa chuyến tàu Vn-Index và các mã cổ phiếu lượn trên những cung đường hình sin chưa từng thấy, tạo nên bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam đa sắc màu và sôi động hàng đầu khu vực châu Á.

12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021 - 1

Tháng đầu năm 2021 đánh dấu kỷ lục buồn của chứng khoán Việt với phiên giao dịch giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử 21 năm vào ngày 28/1. Chỉ số này kết phiên giảm tới 73,23 điểm, trong đó chỉ số VN30 giảm 72,88 điểm. Lệnh bán chất chồng, nhiều mã dư bán giá sàn tới hàng chục triệu cổ phiếu, trong khi gần như trắng bên mua. Trên cả 3 sàn, 945 mã giảm điểm trong đó có tới 507 mã giảm hết biên độ, rổ VN30 chỉ có 1 mã tăng/29 mã giảm.

Sự hoảng loạn của thị trường thực tế kéo dài từ ngày 26/1 và lên đỉnh điểm vào phiên 28/1, làm bốc hơi toàn bộ thành quả từ đầu năm. Với mức giảm lên tới 6,67%, Vn-Index không chỉ xác lập kỷ lục giảm tại Việt Nam mà còn trở thành chỉ số chứng khoán "tệ" nhất châu Á trong phiên 28/1. Phiên giao dịch này cũng khiến vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam bị "thổi bay" 366.114 tỷ đồng (khoảng 15,8 tỷ USD). Trong đó, riêng vốn hóa sàn HoSE mất đi 271.802 tỷ đồng, con số này thậm chí còn lớn hơn cả vốn hóa sàn HNX (vốn hóa HNX chốt phiên 28/1 còn 238.873 tỷ đồng).

12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021 - 2
12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021 - 3

Ngay trước kỳ nghỉ tết Nguyên đán, nhà đầu tư đua chốt lời thị trường khiến chỉ số Vn-Index gặp cú sốc giảm tới 43,73 điểm. Tuy nhiên, ngay khi giao dịch được nối lại, chỉ số chứng khoán chính của Việt Nam đã nhanh chóng bật tăng trở lại, và đứng trước cơ hội vượt đỉnh lịch sử (khi đó là 1.200 điểm).

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng tháng 2, chỉ số Vn-Index dừng tại 1.168,47 điểm, tương ứng mức tăng 5,85% so với đầu năm và nằm trong top 10 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới từ đầu năm tới nay.

Các quỹ ETFs cũng hút tiền khá mạnh với khoảng 130 triệu USD (khoảng 3.000 tỷ đồng) trong 2 tháng đầu năm. Sự bùng nổ của dòng vốn ETF cùng các nhà đầu tư trong nước đã giúp Vn-Index bứt phá mạnh, bất chấp khối ngoại vẫn bán ròng 2.700 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm.

12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021 - 4
12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021 - 5

Xuất hiện từ cuối năm 2020, hệ thống giao dịch của sàn HoSE có hiện tượng nghẽn lệnh. Bảng điện tử giao dịch liên tục hiển thị sai, gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Sang đến đầu năm 2021, tình trạng nghẽn lệnh càng trở nên phổ biến khi thanh khoản ngày càng cao. Thanh khoản thường chỉ đạt 13.000-16.000 tỷ đồng là tắc nghẽn, nhà đầu tư chỉ có thể giao dịch phiên sáng, trong khi phiên chiều liên tục diễn ra tình trạng quá tải, hệ thống không nhận lệnh.

Năng lực xử lý của sàn HoSE thời điểm đó là tối đa 900.000 lệnh mỗi phiên. Tuy nhiên, việc sửa hoặc hủy lệnh đã chiếm 1/3 trong tổng năng lực xử lý này, khiến chỉ còn 600.000 lệnh được khớp thực tế.

Trong cuộc gặp mặt với Thủ tướng theo chủ đề "Đối thoại 2045", FPT đã đưa ra đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp tư nhân trong nước xử lý vướng mắc về kỹ thuật của sàn HOSE. Ngay sau đó, Bộ Tài chính cùng FPT và tập đoàn SOVICO bắt tay vào kế hoạch kéo dài 100 ngày, chi phí dự kiến 60 tỷ đồng để "giải cứu" sàn HoSE.

12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021 - 6
12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021 - 7

Kết quả kinh doanh quý I/2021 khả quan, cùng với thông tin tích cực được công bố trong mùa đại hội cổ đông được xem là những yếu tố chính hỗ trợ thị trường chứng khoán tháng 4/2021 bùng nổ về điểm số và thanh khoản. Trên HoSE, chỉ số Vn-Index chính thức vượt đỉnh cũ 1.211 điểm của năm 2018 vào ngày 1/4/2021 và thiết lập đỉnh lịch sử mới của thị trường Việt Nam sau 20 năm hoạt động ở mức 1.268,28 điểm vào ngày 20/4.

12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021 - 8

Dù cuộc vui không dành cho tất cả mọi người nhưng ở chiều tăng tốc, VIC của Vingroup ghi nhận đỉnh lịch sử ở mốc giá 140.900 đồng/đơn vị trong phiên 15/4. Tại mức giá này, vốn hóa của tập đoàn tỷ phú Phạm Nhật Vượng đạt 476.584 tỷ đồng, bỏ xa các trụ cột khác như Vietcombank, Vinhomes, Vinamilk hay Hòa Phát, tương đương tổng vốn hóa của 3 ngân hàng lớn là BIDV, Vietinbank và Techcombank cộng lại.

12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021 - 9
12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021 - 10

Nhắc đến các mã cổ phiếu để lại dấu ấn trong đầu năm 2021, không thể bỏ qua cổ phiếu ngành thép. Đà tăng của nhóm này chủ yếu do kỳ vọng vào kết quả kinh doanh đột biến, khi giá thép thế giới và Việt Nam tăng phi mã, chạm kỷ lục vào tháng 6.

Có những giai đoạn, HPG, HSG, NKG trở thành tâm điểm của thị trường, đều ghi nhận mức tăng giá rất mạnh từ đầu năm 2021, lần lượt đạt 76%, 100% và 103% so với 22,8% của Vn-Index trong cùng giai đoạn, giúp ngành thép trở thành một trong những ngành có mức sinh lợi lớn nhất trong 5 tháng đầu năm 2021.

Sau đó, dù chững lại trong tháng 6 khi giá thép thế giới giảm nhiệt, các mã này tăng tiếp khoảng 60-70% trong quý III khi giá thép tăng phi mã cùng kết quả kinh doanh 6 tháng công bố ghi nhận những kết quả tích cực đột biến.

12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021 - 11
12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021 - 12

Tháng 6 đánh dấu kết thúc nửa năm thăng hoa của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên sau 4 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam có tháng giao dịch cuối cùng của quý II trong trạng thái tăng điểm. Vn-Index chốt lại ở 1.408,55 điểm, tăng tới 27,6% so với cuối năm 2020, tạo đỉnh lịch sử. Với mức tăng này, Việt Nam là thị trường chứng khoán tăng mạnh thứ hai thế giới, chỉ sau chỉ số chứng khoán Abu Dhabi.

Vốn hóa toàn thị trường chạm mốc 6,84 triệu tỷ đồng, tăng 29% so với cuối năm 2020, trong đó, sàn TPHCM đạt hơn 5,3 triệu tỷ đồng. Có 44 doanh nghiệp trên sàn lọt danh sách công ty có vốn hóa tỷ đô. Khối lượng giao dịch bình quân toàn thị trường đạt 930 triệu cổ phiếu mỗi phiên, tương ứng hơn 22.700 tỷ đồng.

12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021 - 13
12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021 - 14

Đúng mốc hẹn, hệ thống giao dịch mới của HoSE do FPT triển khai chính thức vận hành 5/7 với năng lực xử lý một ngày 3-5 triệu lệnh, gấp hơn 3 lần hệ thống cũ. Hệ thống mới cũng bỏ cơ chế phân bổ số lệnh và có thể chỉnh sửa khi gặp sự cố.

Đây cũng là tháng ghi nhận đợt điều chỉnh mạnh của thị trường. Sau khi duy trì đà tăng suốt nhiều tháng, Vn-Index giảm mạnh, có lúc đã thủng mốc 1.300 điểm, thanh khoản cũng giảm trung bình mỗi phiên 14% so với tháng 6.

Sắc đỏ xuất hiện trên diện rộng với nhiều nhóm cổ phiếu, từ bất động sản, chứng khoán, dầu khí, dệt may, xây dựng, thép, hàng không và cao su. Kết thúc tháng, có tới 286 mã cổ phiếu giảm điểm, gấp gần 3 lần số mã tăng.

Một sự kiện quan trọng cũng diễn ra vào tháng 7, khi HoSE mừng sinh nhật tuổi 21. Đây là cột mốc đánh dấu quá trình nỗ lực và trưởng thành của một đơn vị vận hành thị trường chứng khoán Việt Nam từ những ngày đầu còn sơ khai.

12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021 - 15
12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021 - 16

Thị trường vẽ đường hình sin khi thăng hoa ở những tuần đầu và ảm đạm ở những tuần cuối. Trước thông tin TPHCM thắt chặt quy định về giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, thị trường phản ứng lại bằng hai phiên giảm điểm liên tiếp vào ngày 20 và 21/8, lùi 5,6%, gần như xóa sổ toàn bộ lợi nhuận của nhà đầu tư. Phiên 20/8 cũng ghi nhận giá trị khớp lệnh kỷ lục, gần 2 tỷ USD.

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là "trái đắng" khi giảm chung 3,6% trong tháng này, bất chấp sự phục hồi của loạt cổ phiếu ngành chứng khoán, bảo hiểm hay y tế. Dẫu vậy, điểm sáng là nhờ hệ thống giao dịch mới vận hành trơn tru, thanh khoản thị trường cho thấy những cải thiện đáng kể. Giá trị giao dịch trung bình ngày của tháng 8 lên tới 1,3 tỷ USD, vượt 14% so với tháng 7. Tính chung 8 tháng đầu năm, thanh khoản thị trường đã tăng gấp 4 lần, đạt 1,05 tỷ USD từ mức 255 triệu USD cùng kỳ năm 2020.

12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021 - 17
12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021 - 18

Không còn những cú lượn sóng hết biên độ, Vn-Index tháng 9 giống như "con thuyền xuôi sông" khi chỉ dao động trong biên độ hẹp ở ngưỡng hỗ trợ 1.300 điểm. Sự yên ả của thị trường cũng khiến thanh khoản giảm nhẹ, tổng giá trị giao dịch trung bình ngày xuống chỉ đạt 21.000 tỷ đồng, thấp hơn 10% so với trung bình tháng 8. Dẫu vậy, mức này vẫn cao hơn gần 20% so với tháng 4 và gần 40% so với tháng 3.

Hai nhóm trụ cột là bất động sản và ngân hàng tạo lực kéo đẩy cân bằng trong suốt tháng 9. Nếu cổ phiếu bất động sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng, bán lẻ, dầu khí, logistis nằm trong nhóm có diễn biến tích cực, thì nhóm ngân hàng gồm VCB, CTG, STB, EIB, LPB lại điều chỉnh tiêu cực. VIC trở thành mã bị bán mạnh nhất với giá trị ròng gần 2.500 tỷ đồng.

12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021 - 19
12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021 - 20

Giá dầu, khí đốt chạm đỉnh cao sau thời gian khó khăn do đại dịch Covid-19 đã đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng năng lượng sâu rộng, trong đó, phân bón là ngành chịu tác động trực tiếp. Giá phân bón lên cao kỷ lục giúp kết quả kinh doanh các doanh nghiệp trong ngành khởi sắc mạnh mẽ, và dự báo sẽ vượt kỳ vọng. Điều này giúp nhiều mã như DCM, DPM, SFG… thăng hoa, giao dịch tại mức đỉnh. Tính riêng trong vòng 1 năm, các mã này đều có mức tăng 100%.

Vn-Index tiếp tục chinh phục các đỉnh cao mới khi xác lập kỷ lục trên 1.400 điểm. So với thị trường chứng khoán trong khu vực, Vn-Index có tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất với 7,6%, vượt cả Indonesia và gấp đôi so với Singapore. Vốn hóa toàn thị trường lúc này đạt 7,49 triệu tỷ đồng, với 59 công ty lọt vào danh sách doanh nghiệp tỷ đô trên sàn chứng khoán.

12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021 - 21
12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021 - 22

Tháng 11 là thời điểm chứng khiến đợt "sóng thần" của nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng. Hàng loạt phiên kịch trần đưa thị giá nhiều cổ phiếu tăng hàng chục đến hàng trăm phần trăm. Tính đến hết tháng 11, 5 mã cổ phiếu có mức tăng ấn tượng nhất thị trường đều thuộc về nhóm bất động sản và xây dựng, gồm LIC, LG9, PTO, CMS và CEO.

Ngày 25/11, Vn-Index vượt ngưỡng 1.5000 điểm khi chinh phục mốc 1.502,14 điểm, tăng 36% so với đầu năm. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Omicron đã giáng một đòn mạnh lên thị trường chứng khoán toàn cầu trong những phiên cuối tháng 11, và Vn-Index không thoát khỏi xu hướng chung, chỉ còn 1.478 điểm vào phiên cuối tháng. Dẫu vậy, lượng tài khoản chứng khoán cá nhân mở mới trong tháng 11 vẫn đạt kỷ lục, lần đầu vượt mốc 200.000 và tăng hơn 70% so với tháng trước đó.

12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021 - 23
12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021 - 24

Ngày 11/12, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam - công ty mẹ của HoSE và HNX - chính thức hoạt động. Sở ra đời với mục tiêu thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách, tư duy phát triển và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường. Việc hợp nhất các Sở cũng góp phần tăng quy mô, vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam, hội tụ đủ tiêu chuẩn để hội nhập, thu hút dòng vốn đầu tư trong nước, ngoài nước.

Phiên đáo hạn phái sinh tháng 12 ghi nhận sắc xanh cho Vn-Index. Cổ phiếu FLC hiếm hoi trở thành tâm điểm khi xuất hiện sắc tím.

12 tháng sôi động của chứng khoán Việt Nam năm 2021 - 25

Ngưỡng cản 1.500 điểm trở thành mốc chinh phục mới của thị trường chứng khoán trong năm tới, khi các chuyên gia khuyên nhà đầu tư tập trung vào các mã vừa và lớn trong những phiên giao dịch ở thời khắc chuyển đổi năm mới.

Nguồn thông tin: Công ty Cổ phần Chứng khoán DNSE

Nội dung: Trần Anh

Thiết kế: Khương Hiền