9X Hải Phòng biến đá cuội thành tiền nhờ tài "múa bút"
(Dân trí) - Với ý tưởng thông minh, sáng tạo, Nguyễn Trung Kiên, sinh năm 1997, ở Hải Phòng đã biến những viên đá cuội thành các tác phẩm có giá trị cao, nhiều viên có giá lên tới 3 triệu đồng.
Cơ duyên với đá cuội
Khi còn là sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội, Nguyễn Trung Kiên từng định hướng khi ra trường sẽ trở thành kiến trúc sư. Nhưng sự nghiệp bất ngờ rẽ ngang sang một hướng mới khi anh bén duyên với đá cuội.
Anh Kiên kể, trong một lần đi tìm đề tài trên mạng, anh bị mê hoặc bởi một video về nghệ thuật vẽ tranh trên đá cuội. Say mê tìm hiểu, 9X Hải Phòng mày mò vẽ thử và ngày càng đam mê.
"Quá phấn khích, tôi đã đăng tải bức tranh trên đá cuội lên mạng để khoe. Không ngờ, mọi người tỏ ra rất thích thú, hào hứng, có người còn hỏi mua lại tác phẩm với giá cao nhưng tôi không bán, muốn giữ lại làm kỷ niệm" - anh Kiên nói.
Tuy nhiên, vị khách này không bỏ cuộc, họ đưa ra lời đề nghị là anh Kiên vẽ lại cho họ một bức tương tự. Nhờ thương vụ đó, anh Kiên chính thức khởi nghiệp với đá cuội, bắt đầu chuỗi ngày đi khắp nơi nhặt đá cuội về vẽ rồi bán.
Để có nguồn đá tốt, anh Kiên cho biết phải bắt xe khách đi Lào Cai, Quảng Ninh để tìm nguyên liệu. Sau này, thấy việc đi lại xa xôi, anh Kiên đã nhờ người dân ở đó nhặt đá hộ và thu mua với giá là 10.000 đồng/kg. Thông thường, đá được rửa sạch, đóng túi và chuyển theo xe khách đến cho anh.
Vào những ngày cao điểm, anh Kiên bán ra thị trường 50-60 sản phẩm, thu về cả chục triệu đồng tiền lãi. Các tác phẩm chủ yếu thuộc dòng tranh 2D, 3D và nằm trong phân khúc từ 50.000-250.000 đồng/sản phẩm.
"Ban đầu, sản phẩm của tôi hướng đến là quà tặng cho các bạn học sinh, sinh viên. Các hình vẽ trên viên đá khá đơn giản, chủ yếu là hình hoạt hình, cây cối, phong cảnh" - anh thông tin.
Với sự kiên trì, nỗ lực, chỉ sau một thời gian ngắn, công việc kinh doanh của 9X Hải Phòng phát triển khá tốt, lượng khách tăng nhanh. Thấy một mình làm không xuể, anh Kiên còn thuê thêm 2 người đến phụ giúp.
Do việc kinh doanh ngày càng bận rộn, đến năm 3 đại học, anh Kiên quyết định dừng lại việc học để tập trung phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, gia đình anh Kiên phản đối kịch liệt. Thậm chí, bố mẹ 9X Hải Phòng còn đưa ra một biện pháp mạnh là cắt hết "viện trợ" hàng tháng của anh.
"Lúc đấy, tôi cũng hiểu tâm lý bố mẹ, bởi chẳng ai muốn con mình lỡ dở việc học để chạy theo đam mê mà chưa biết tương lai thế nào. Nhưng tôi tin, đây là con đường mà bản thân sẽ theo đuổi nên nhất quyết không dừng lại. Sau này, thấy tôi nỗ lực, cố gắng và có một số thành công bước đầu, bố mẹ cũng dần tin tưởng và hiểu cho tôi", anh nói.
Biến đá cuội thành tiền
Để mở rộng quy mô, anh Kiên hợp tác với nhiều quầy bán đồ lưu niệm ở các khu du lịch để phân phối hàng. Trước dịch Covid-19, vào mùa du lịch, mỗi tháng, anh vẽ hết khoảng 400 kg đá cuội, trừ tất cả chi phí, chưa tính công thì mỗi sản phẩm đem về 80% tiền lãi so với giá bán ra.
Tuy nhiên, anh Kiên cũng nhận ra một vấn đề bất cập là nếu sản phẩm cứ sản xuất ồ ạt, không thương hiệu, không tên tuổi thì sớm muộn cũng bị sao chép. Ngoài ra, khi chấp nhận bán buôn, anh phải chia cho đối tác một mức chiết khấu khá cao, nên dù có cung ứng nhiều thì số tiền thu về sẽ không tốt như kỳ vọng.
"Đứng trước những thách thức đó, tôi phải bắt tay vào việc đánh giá lại thị trường, chia lại phân khúc tranh. Theo đó, dòng tranh tầm thấp được vẽ 2D có giá từ 50.000-100.000 đồng/tác phẩm. Đối tượng hướng tới là các bạn học sinh, sinh viên và bên thứ ba, chính là các quán bán đồ lưu niệm.
Dòng tranh tầm trung, vẽ theo hình thức 2D, 3D tập trung hướng tới khách hàng là dân văn phòng, có giá từ 200.000-500.000 đồng/tác phẩm. Còn dòng tranh tầm cao, giá từ 1-3 triệu đồng/tác phẩm là vẽ 3D, dành cho người có thu nhập tốt" - anh Kiên cho biết nói.
Từ định hướng mới, phân khúc mà anh Kiên tập trung theo đuổi là dòng tranh tầm trung, tầm cao và giảm số lượng tranh tầm thấp.
Ngoài ra, kích thước tranh cũng được anh định hướng lại là đồ trang trí nội thất, vật để bàn nên kích thước mỗi viên đá sẽ chỉ từ 15-20 cm. Để tránh sao chép, trên các tác phẩm, Kiên còn thiết kế cả logo nhận diện, ký hiệu và những điểm nhận dạng đặc biệt.
"Đi chậm lại không có nghĩa là dừng lại mà tôi muốn nhìn rõ hơn thị trường, hiểu xem khách của mình là ai, họ cần gì. Đặc biệt, khi vẽ tranh, người thợ cần cảm xúc để sáng tác, truyền cảm hứng, cho nên mô hình kinh doanh này không thể phát triển ồ ạt, theo hướng công nghiệp được" - anh bày tỏ.
Hiện nay, ngoài phục vụ dòng khách nội địa, anh Kiên còn hướng những thị trường khách nước ngoài. Một tín hiệu rất tích cực cho chàng trai gốc Hải Phòng là nhiều sản phẩm đẹp, độc đáo của anh đã được một số vị khách ở Anh, Mỹ đặt mua.
Dự kiến, trong thời gian sắp tới, anh Kiên sẽ đẩy mạnh, đưa sản phẩm lên các website, sàn thương mại điện tử để nghệ thuật vẽ tranh trên đá cuội đến gần hơn với người tiêu dùng.