Bỏ phố về quê nấu nước gội đầu thảo mộc, bà mẹ 2 con chốt đơn mỏi tay

Hoàng Dung

(Dân trí) - Sau một năm bỏ phố về quê, chị Phạm Thị Nhung (Hà Nội) khởi nghiệp thành công với mô hình nấu nước gội đầu thảo mộc.

Bỏ phố về quê

Sau đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất, chị Phạm Thị Nhung (Ứng Hòa, Hà Nội) quyết định xách vali về quê, khởi nghiệp với mô hình nấu nước gội đầu thảo mộc. Trước đó, chị từng làm truyền thông cho một công ty dược, mỗi tháng được trả 13 - 15 triệu đồng/tháng, chưa kể thu nhập từ làm thêm.

"Tháng 3/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, tôi có gửi các con về quê ở Ứng Hòa (Hà Nội) nhờ ông bà chăm sóc, còn vợ chồng tôi vẫn ở lại thành phố (Đống Đa, Hà Nội). Khi dịch trở nên căng thẳng, công ty cho nhân viên làm việc tại nhà, khi đó, tôi mới nghĩ hay là mình bỏ tất cả về quê khởi nghiệp", chị nói.

Bỏ phố về quê nấu nước gội đầu thảo mộc, bà mẹ 2 con chốt đơn mỏi tay - 1

Sau nhiều năm sinh sống ở thành phố, chị Nhung quyết định về quê khởi nghiệp.

Chị Nhung cho biết, với mức thu nhập hàng tháng khi ấy, vợ chồng chị vẫn có thể  trang trải sinh hoạt phí, trả tiền thuê nhà, nuôi 2 con ăn học ở Hà Nội. Tuy nhiên, lúc nào chị cũng cảm thấy căng thẳng, không có tương lai và không có nhiều thời gian dành cho con. Đến tháng 9/2020, chị quyết định xin nghỉ việc để về quê.

Với chị Nhung, quyết định này không liều lĩnh, bởi chị đã có đam mê với các sản phẩm handmade từ rất lâu. Cơ duyên đưa chị đến với nghề từ một sự cố xảy ra năm 2018 khi chị đi phun môi ở một cơ sở làm đẹp. Sau lần đó, môi chị thường xuyên bị khô, nứt nẻ quanh năm dù chị dùng đủ loại dưỡng mà vẫn không khỏi.

"Sau này, tôi được người bạn tặng cho thỏi son handmade, khi dùng thấy đỡ hẳn, môi không còn bị khô, rát như trước. Tôi có liên hệ với người bán để học công thức rồi mày mò tự làm. Ban đầu, những thỏi son làm ra chỉ đi tặng, rồi nhiều người hỏi mua tôi mới bán", chị kể.

Bỏ phố về quê nấu nước gội đầu thảo mộc, bà mẹ 2 con chốt đơn mỏi tay - 2

Không gian nghiên cứu sản phẩm, làm việc của chị Nhung ở quê.

Từ đó, chị Nhung bắt đầu tập tành kinh doanh các mặt hàng handmade như son môi, son dưỡng, nước hoa khô và được bạn bè, người quen ủng hộ. Chỉ đến khi thực sự bỏ phố về quê, chị mới chính thức khởi nghiệp kinh doanh đồ handmade. 

Theo chị, trong một lần tình cờ chia sẻ cách gội đầu bằng thảo mộc kiếm được quanh nhà, nhiều vị khách đã tỏ ra thích thú và gợi ý cho chị nên làm thêm nước gội đầu. 

Sản phẩm ra đời

Chị Nhung thừa nhận, chính khách hàng đã gợi ý cho chị một ý tưởng hay. Nghĩ là làm, chị đã bắt tay vào nghiên cứu, tìm hiểu về các loại thảo mộc có công dụng tốt cho tóc và da đầu để tìm ra loại nước gội đầu chất lượng.

Đầu tiên, chị Nhung thử nghiệm với những nguyên liệu sẵn có quanh nhà như bồ kết, bồ hòn, lá bưởi, chanh, gừng, cỏ mần trầu... để nấu. Mẻ nước gội đầu thảo mộc đầu tiên ra đời với hơn 100 chai, được mọi người ủng hộ hết chỉ trong 2 ngày.

Bỏ phố về quê nấu nước gội đầu thảo mộc, bà mẹ 2 con chốt đơn mỏi tay - 3

Các nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên.

Vừa làm vừa tìm hiểu, mày mò, cải tiến, từ các nguyên liệu cơ bản nấu nước gội ban đầu, chị Nhung đã bổ sung lên thành hơn 20 loại thảo mộc. Trong đó, ngoài các nguyên liệu chủ đạo nêu trên, còn có thêm hương nhu, hoắc hương, quế, lá dâu tằm, lá bọt cua, một số vỏ cây, lá rừng. Đồng thời, chị cũng cố gắng cải tiến phương pháp nấu để tạo ra thành phẩm sánh và nhiều bọt hơn.

Bỏ phố về quê nấu nước gội đầu thảo mộc, bà mẹ 2 con chốt đơn mỏi tay - 4

Thời gian để nấu ra một nồi nước gội đầu mất 3 ngày.

"Thời gian đầu, tôi cứ cho tất cả nguyên liệu vào nồi nấu chung. Sau này có kinh nghiệm, tôi phải tách bồ kết và bồ hòn ra nấu riêng. Các loại thảo mộc có tinh dầu dễ bay hơi ở nhiệt độ cao thì chỉ ủ chứ không nấu. Để nước sánh, cho ra nhiều dưỡng chất, tôi phải băm, chặt, giã các nguyên liệu và ủ trong thời gian dài", chị tiết lộ.

Thông thường, mất 3 ngày để chị nấu ra một nồi nước gội đầu. Mỗi ngày, chị Nhung chỉ đun trong khoảng 6 tiếng, rồi ủ trên bếp lò. Sau đó trải qua các công đoạn như giã, lọc, đun, cuối cùng mới để nguội và đóng thành từng chai 500 ml.

Gian nan đổi ngọt ngào

Thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, các tháng cao điểm, chị Nhung đều bán ra thị trường 400 - 500 chai nước gội đầu thảo mộc mỗi tháng, với giá 129.000 đồng/chai.

Ngoài bán trực tiếp cho bà con làng xóm ở quanh nhà, bà mẹ 2 con còn đẩy mạnh tiêu thụ trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Tỷ lệ khách quay lại và mua dầu gội đạt ở mức cao và có nhiều phản hồi tốt về chất lượng sản phẩm.

Bỏ phố về quê nấu nước gội đầu thảo mộc, bà mẹ 2 con chốt đơn mỏi tay - 5

Những nguyên liệu mà chị dùng để nấu nước gội đầu.

Để có đủ hàng cung ứng cho khách, chị phải tăng cường nhập thêm nguyên liệu về dự trữ. Vào mùa bồ kết, chị thường nhập cả tấn về phơi khô rồi đóng bao, cất trữ trong kho. Còn bồ hòn và các loại thảo mộc khó kiếm tại địa phương thì chị sang tận Hòa Bình mua. Chỉ có các nguyên liệu dễ kiếm như gừng, sả, bưởi, chanh thì chị lấy quanh nhà để tiết kiệm chi phí đầu vào.

Ngoài ra, chị cũng mày mò tìm hiểu rồi chế thêm các loại máy tự chế như máy ép bã, máy xay bồ kết, xây bếp lò không khói... để nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm.

"Nhờ có lượng khách ổn định nên thu nhập của tôi cũng tạm ổn, thậm chí là cao hơn so với thời điểm đi làm ở thành phố. Nhưng tôi phải làm nhiều hơn, từ việc nghiên cứu, sản xuất, thương mại đến quảng cáo sản phẩm. Nói chung là làm một lúc nhiều vai nhưng tôi thấy xứng đáng", chị nói.

Bỏ phố về quê nấu nước gội đầu thảo mộc, bà mẹ 2 con chốt đơn mỏi tay - 6

Sản phẩm xà phòng handmade.

Theo chị Nhung, đến bây giờ, chị vẫn luôn tin quyết định bỏ phố về quê của mình là hoàn toàn đúng đắn. Ngoài việc cải thiện thu nhập, chị còn có thời gian nhiều hơn cho con và gia đình. 

Ngoài đẩy mạnh sản xuất dầu gội, chị còn phát triển dự án làm xà phòng handmade để con tham gia. Đây là dự án dài mà chị muốn dành tặng riêng cho con.