90 đơn thư kiến nghị gửi Thủ tướng, 26 kiến nghị có phản hồi

(Dân trí) - Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, từ sau Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng với doanh nghiệp, đã có 90 đơn, thư kiến nghị gửi Thủ tướng và đều đã được chuyển đến các bộ, cơ quan xử lý theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện. Đến nay đã có 21 cơ quan có văn bản trả lời 26 kiến nghị của doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp phải tạo mọi điều kiện cho người dân kinh doanh và doanh nghiệp phát triển.
Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp phải tạo mọi điều kiện cho người dân kinh doanh và doanh nghiệp phát triển.

Bán vốn Nhà nước thu lời gấp đôi

Báo cáo về tình hình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) 9 tháng đầu năm 2016 của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho thấy, tính đến ngày 28/9, cả nước đã cổ phần hóa 8 DNNN và 3 đơn vị sự nghiệp công lập.

Đây là các doanh nghiệp (DN) thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và một số địa phương.

Ngoài ra, 12 DN cũng đã thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác, trong đó giải thể 10 DN, phá sản 1 DN và bán 1 DN.

Về kết quả thoái vốn, đến ngày 28/9, trong cả nước có Bộ Xây dựng, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Dệt May (Vinatex), SCIC, Vinafood 1 và Hà Nội đã thực hiện bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại DN với tổng giá trị theo sổ sách là 2.809,3 tỷ đồng, thu về 4.993,1 tỷ đồng (tức lãi gần gấp đôi).

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cũng cho biết, đến cuối tháng 9, đã có 22 bộ, cơ quan ngang bộ, 59 địa phương và VCCI đã ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.

Hiện còn Bộ Y tế và 4 địa phương là Lạng Sơn, Thanh Hóa, Đắklăk, Đồng Nai chưa gửi Chương trình hành động báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, VCCI và các địa phương trong cả nước đã hoàn thành việc ký cam kết về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN như Nghị quyết 35 đã giao. Các địa phương cam kết đến năm 2020 sẽ có khoảng 1,2 triệu DN hoạt động.

Nhiều địa phương đã tổ chức gặp mặt, đối thoại với DN để lắng nghe và giải quyết các kiến nghị cho DN; thành lập và công khai đường dây nóng hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho DN. Cụ thể có Hà Nội, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng,…

Nửa năm sau Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng với DN, hàng loạt vấn đề được tiếp thu và giải quyết
Nửa năm sau Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng với DN, hàng loạt vấn đề được tiếp thu và giải quyết

18/34 văn bản về điều kiện kinh doanh trái luật

Ngoài ra, cũng theo tinh thần của Nghị quyết 35, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp, rà soát, lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành quy định liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.

Kết quả kiểm tra 34 văn bản quy phạm pháp luật đã phát hiện 18 văn bản quy định về điều kiện kinh doanh không đúng thẩm quyền và Bộ Tư pháp đang theo dõi, đôn đốc, xử lý.

Từ sau Hội nghị Thủ tướng với DN diễn ra hồi cuối tháng 4 đến nay, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN đã nhận được 90 đơn, thư kiến nghị của các hiệp hội, DN và VCCI gửi Thủ tướng Chính phủ.

Những kiến nghị chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực như thuế, hải quan, thanh tra, kiểm tra, dự án bất xây dựng, bất động sản, đầu tư, cấp phép, vốn điều lệ của ngân hàng và xử lý các tranh chấp dân sự, sai phạm trong điều hành, quản lý DN…

Theo khẳng định của ông Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo, Phó Chủ nhiệm VPCP thì các đơn thư kiến nghị nói trên đã được chuyển đến các bộ, cơ quan xử lý theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện. Đồng thời, chuyển VCCI, Cổng thông tin điện tử Chính phủ để theo dõi, công khai kết quả xử lý của các bộ, cơ quan. Đến nay đã có 21 cơ quan có văn bản trả lời 26 kiến nghị của DN.

Trước đó, tại hội nghị đối thoại với các DN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu cụ thể 10 giải pháp và 6 việc cần làm ngay của chính quyền các cấp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho cộng đồng DN phát triển.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu phải cải cách và nâng cao chất lượng các quy định về điều kiện kinh doanh. Tập hợp rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh theo hướng đơn giản hóa, loại bỏ quy dịnh không còn phù hợp, nghiêm cấm ban hành các quy định trái luật, ban hành không đúng thẩm quyền.

Đổi mới tư duy, phương pháp quản lý nhà nước theo hướng các DN được làm những gì pháp luật không cấm. Bỏ cơ chế xin - cho sang áp dụng cấp phép tự động rồi hậu kiểm. Thanh tra kiểm tra, giám sát hướng tới mục tiêu DN phát triển.

Bích Diệp