9 công ty nước ngoài của Viettel có giá đến 5 tỷ USD?
(Dân trí) - Theo công ty tư vấn định giá, năm 2016 giá trị của 9 công ty nước ngoài của Viettel ở mức 4,5 - 5 tỉ USD tính theo giá trị thuê bao.
Tốc độ tăng trưởng trung bình 25%
Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, ngày 17/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 10 năm Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel đầu tư ra nước ngoài.
Sau 10 năm tham gia hoạt động đầu tư quốc tế, Viettel nay đã đầu tư tại 11 quốc gia với quy mô dân số 320 triệu dân, gấp 3 lần dân số Việt Nam. Trong đó, 5 nước kinh doanh được 5 năm đều có lãi và đứng thứ nhất hoặc thứ 2, thậm chí một số nước kinh doanh chưa đến 2 năm đều đứng số một như Tanzania, Burundi.
Theo công ty tư vấn định giá, năm 2016 giá trị của 9 công ty nước ngoài của Viettel ở mức 4,5 - 5 tỉ USD tính theo giá trị thuê bao.
Năm nay, dự kiến chỉ riêng doanh thu từ viễn thông nước ngoài của Viettel đã đem về gần 1,4 tỉ USD, lũy kế đến nay đạt 6,5 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình 25%/năm, cao gấp 10 lần so với tốc độ tăng trưởng ngành viễn thông thế giới.
Viettel hiện phục vụ 100 triệu khách hàng, trong đó, số khách hàng quốc tế là hơn 35 triệu, tăng 12 lần kể từ khi khai trương thị trường nước ngoài đầu tiên và trong top 30 tập đoàn viễn thông có số lượng khách hàng lớn nhất trên thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kết quả này đã tạo niềm tin cho cộng đồng quốc tế, các đối tác nước ngoài; đồng thời điều đặc biệt quan trọng là đã truyền cảm hứng và sự tự tin cho các doanh nghiệp Việt Nam trong đầu tư kinh doanh ở nước ngoài.
Thủ tướng nói đánh giá: “Trong thời đại hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm cách mở rộng thị trường của mình, tham gia sâu vào thị trường quốc tế, phải học cách kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng với các Tập đoàn quốc tế”.
Bảo vệ thương hiệu như bảo vệ tài sản quốc gia
Thủ tướng lưu ý Viettel tập trung vào một số nội dung trong thời gian tới. Cụ thể:
Một là, Viettel cần đẩy mạnh năng lực giải quyết các vấn đề xã hội, tạo ra sự phát triển bền vững cho ngành viễn thông của tất cả các quốc gia mà Viettel đầu tư. Thủ tướng cho rằng một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản quốc gia. Viettel phải bảo vệ thương hiệu của mình như bảo vệ tài sản của quốc gia. Viettel cần chú trọng công tác dự báo, phân tích và quản trị rủi ro. Viettel cũng cần giữ gìn văn hóa và mối quan hệ bằng hữu với các nước đầu tư mà Viettel đã làm thời gian qua.
Hai là, Viettel đã tạo ra một mẫu hình tăng trưởng mới cho Việt Nam. Chúng ta không thể cứ khai thác tài nguyên thiên nhiên hay lao động giá rẻ mà cần đẩy mạnh phát triển các ngành, sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Đó là sự phát triển chủ yếu dựa trên sự đổi mới sáng tạo, dựa trên công nghệ tiên tiến và năng suất cao.
“Viettel đã đi đầu và sẽ phải là nòng cốt trong bước chuyển về sức canh tranh và hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta rất cần và mong muốn có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn như Viettel”, Thủ tướng chia sẻ.
Ba là, Viettel cần liên tục sáng tạo và khởi tạo những không gian phát triển mới. Không chỉ là thiết lập các mô hình, ý tưởng sản xuất kinh doanh, mà còn là khởi sự hành động trong các lĩnh vực khác nhau, hướng tới phục vụ cộng đồng, xã hội, giải quyết bài toán về con người và sự phát triển bền vững. Viettel phải thực hiện tốt vai trò là trung tâm thúc đẩy, khuyến khích khởi nghiệp, trước hết về viễn thông và công nghệ thông tin. Đây là lĩnh vực rất có tiềm năng đối với thanh niên Việt Nam, những con người thông minh, sáng tạo.
Bốn là, tăng cường kỷ luật kỷ cương. Kỷ luật là sức manh của Quân đội; rèn luyện, nêu cao phẩm chất đạo đức, lối sống, chống tiêu cực, tham nhũng; có chiến lược dài hạn về phát triển nguồn nhân lực để nâng cao sức mạnh tổng thể của Tập đoàn, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Năm là, Viettel cần làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sỹ, người lao động, đồng thời phải làm tốt công tác hậu phương quân đội, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội.
Bích Diệp (ghi)