80% FDI ở Việt Nam có 100% vốn nước ngoài

(Dân trí) - Gần 30 năm sau khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, một thực trạng phải thừa nhận là kết nối cộng sinh trong kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt với quá ít liên doanh, liên kết yếu.

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ diễn ra sáng nay (16/6), ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, cho đến nay, khu vực doanh nghiệp FDI vẫn là nhân tố quan trọng, đóng góp vào việc tạo thêm việc làm, tăng sản lượng công nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Cụ thể, khu vực này đã đóng góp trên 50% giá trị công nghiệp chế tác và trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. FDI đã hiện diện trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, kể cả những ngành mà doanh nghiệp trong nước có thể đầu tư.

“Đầu tư bài bản hơn, công nghệ cao hơn và đáng lưu ý FDI thậm chí đang nhận được những ưu đãi lớn hơn so với các doanh nghiệp tư nhân trong nước như trong tiếp cận đất đai, ưu đãi về thuế…”, Chủ tịch VCCI nhận xét.

Sự chênh lệch về trình độ có thể dẫn đến tình trạng hai nền kinh tế trong một quốc gia
Sự chênh lệch về trình độ có thể dẫn đến tình trạng "hai nền kinh tế trong một quốc gia"

Ông Lộc cho rằng, với tiềm lực mạnh hơn hẳn các doanh nghiệp trong nước về vốn, công nghệ, quản trị, kết nối thị trường, lại ít bị tác động hơn bởi những rào cản từ thể chế, các doanh nghiệp FDI đã nhanh chóng vượt lên nắm giữ tỷ trọng ngày càng cao trong những lĩnh vực được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế như công nghiệp chế tác và xuất khẩu (50% công nghiệp chế tác, 70% kim ngạch xuất khẩu đến từ khu vực FDI).

Tuy nhiên, theo ông, dường như Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết những lợi ích từ các dòng vốn FDI.

Gần 30 năm sau khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, một thực trạng phải thừa nhận là kết nối cộng sinh trong kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt. Hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế.

Trong các dự án FDI có quá ít liên doanh (khoảng 80% FDI ở Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài). Tỷ lệ các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang cung cấp các hàng hoá, dịch vụ cho doanh nghiệp FDI rất hạn chế.

Theo kết quả điều tra doanh nghiệp gần nhất, điều tra PCI 2016, chỉ có khoảng 14% doanh nghiệp tư nhân đang có khách hàng là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Con số này có dấu hiệu cải thiện theo thời gian, nhưng rất chậm chạp.

Từ phía các doanh nghiệp FDI, liên kết hàng dọc với các công ty trong nước rất yếu (theo thống kê thì chỉ 26,6% đầu vào của FDI được mua tại Việt Nam, trong đó một tỷ lệ đáng kể lại là mua từ chính các doanh nghiệp FDI khác).

Những khác biệt này chủ yếu là do 3 yếu tố sau tạo nên: chất lượng nguồn nhân lực,trình độ công nghệ của doanh nghiệp tư nhân trong nước và sự cách biệt về địa lý giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa.

Chỉ khi khắc phục được những vấn đề này, Việt Nam mới tránh được tình trạng “một nền kinh tế với hai tốc độ”, hay “hai nền kinh tế trong một quốc gia”.

Bích Diệp