1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

8 doanh nghiệp sữa đối mặt nguy cơ bị truy thu 1.000 tỷ đồng thuế

(Dân trí) - Việc thay đổi mã số thuế, đồng nghĩa với mức thuế tăng từ 5% áp dụng hiện tại lên 15%, khiến 8 doanh nghiệp ngành sữa đối mặt với nguy cơ bị truy thu khoảng 1.000 tỷ đồng.

8 doanh nghiệp sữa đối mặt nguy cơ bị truy thu 1.000 tỷ đồng thuế - 1

8 doanh nghiệp lớn của ngành sữa vừa có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính kiến nghị xem xét lại quyết định truy thu thuế của Tổng cục Hải quan.

Trong văn bản kiến nghị các doanh nghiệp phản ánh, từ năm 2000 đến nay, các doanh nghiệp nhập nhập khẩu mặt hàng có tên thương mại là Anhydrous milkfat (AMF) để phục vụ sản xuất, kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Mặt hàng có tên thương mại là Anhydrous milk fat hoặc cách gọi khác là Anhydrous butter fat do tập đoàn Fontera của Newzeland sản xuất, đóng gói 210 kg/thùng.

Từ năm 2000, ngoài việc khai báo của doanh nghiệp, cơ quan Hải quan trên toàn quốc cũng đã lấy mẫu hàng hóa, gửi đi phân tích phân loại để xác định chính xác về bản chất, thành phần cấu tạo,… Tất cả các kết quả giám định, phân tích chứng nhận đều xác định mặt hàng Anhydrous MilkFat có mã số đúng là 0405.90.10.

Tuy nhiên, ngày 24/11/2014 Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu chi nhánh tại TPHCM có thông báo kết quả phân tích đối với một mẫu hàng thuộc lô hàng Anhydrous MilkFat của Công ty TNHH Néstle Việt Nam nhập khẩu tại Cục Hải quan Đồng Nai; trên cơ sở thông báo này, Tổng cục Hải quan có Thông báo về kết quả phân loại đối với mặt hàng Anhydrous MilkFat có mã số 0405.90.90 (loại khác).

Từ khi có phân loại đối với mặt hàng Anhydrous MilkFat có mã số 0405.90.90, các Cục Hải quan địa phương mời các Công ty lên làm việc và yêu cầu điều chỉnh mã số. Đồng thời, đề nghị truy thu thuế đối với tất cả các tờ khai nhập khẩu trước đây.

Các doanh nghiệp ngành sữa cho biết, họ không đồng ý với kết quả phân tích phân loại bất nhất này và việc truy thu thuế mang tính áp đặt là hoàn toàn không có căn cứ và cơ quan hải quan đã đồng ý dừng lại mọi việc này.

Sau đó, Hải quan tiếp tục lấy mẫu để phân tích tiếp 2 lô hàng và đều cho kết quả mã số 0405.90.10.

Tuy nhiên, gần đây, Tổng cục Hải quan lại ra những văn bản chỉ đạo các cục Hải quan địa phương sử dụng mã số thuế 040590.90 và thực hiện truy thu thuế (nhập khẩu và VAT) từ năm 2010. Như vậy, việc thay đổi mã số thuế, đồng nghĩa với mức thuế tăng từ 5% áp dụng hiện tại lên 15%, khiến 8 doanh nghiệp ngành sữa đối mặt với nguy cơ bị truy thu khoảng 1.000 tỷ đồng.

Theo đại diện Cty sữa Việt Nam Vinamilk, phía Tổng cục Hải quan cho rằng “mặt hàng Anhydrous MilkFat theo quy trình của nhà sản xuất đi từ nguyên liệu thô, tươi, không được phép bổ sung phụ gia thuộc nhóm “Bơ và các chất béo và các loại dầu khác tách từ sữa; chất phết bơ từ bò sữa”, mã số 0405.90.90. Trong khi đó, Anhydrous ButterFat theo quy trình của nhà sản xuất đi từ kem hay bơ có độ tuổi khác nhau, có thể được sử dụng phụ gia trong quá trình sản xuất thì thuộc mã số 0405.90.10 “chất béo khan bơ”. 

Lý do này đưa ra đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ các Cty nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất như: Vinamilk, Cty CP Sữa Hà Nội, Nutifood, FrieslandCampina Việt Nam, Cty Cổ phần Đại Tân Việt, Cty CP TM và Công nghệ Thực phẩm Hoàng Lâm...

Theo các doanh nghiệp, việc thực thi pháp luật không nhất quán, không đúng quy định của pháp luật của cơ quan Hải quan đang thực hiện làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 8 doanh nghiệp và việc này được thực hiện sẽ gây những hệ lụy nghiêm trọng, và có khả năng xảy ra tranh chấp pháp lý.

Về vấn đề này, ngày 2/12, lãnh đạo Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) khẳng định: cơ quan chức năng đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị địa phương trong đó nêu rõ “chất béo khan của bơ” và “chất béo khan từ sữa” là 2 dòng hàng khác nhau. Hai dòng hàng này có mức thuế nhập khẩu riêng biệt. Cụ thể, thuế nhập khẩu với chất béo khan của bơ là 5% trong khi chất béo khan từ sữa là 15%.

Cũng theo đại diện ngành Hải quan, thực tế, có một số doanh nghiệp khi nhập khẩu đã thực hiện khai “chất béo khan từ sữa” vào mặt hàng “chất béo khan của bơ.”

“Chúng tôi không khẳng định doanh nghiệp nào khai sai, khai đúng. Từ dấu hiệu, chúng tôi đã có chỉ đạo các địa phương kiểm tra sau thông quan. Nếu xác định đúng là bản chất chất béo khan từ sữa thì thuế nhập khẩu phải là 15% còn chất béo khan của bơ thì mức thuế chỉ là 5%” – đại diện ngành Hải quan cho hay.

Vị lãnh đạo này cho biết, trong biểu thuế của Thái Lan và Việt Nam đều coi là đây là 2 mặt hàng khác nhau. Các doanh nghiệp khi nhập về hai nhưng vẫn khai thành một và “đã thành lịch sử”

“Nếu có sai sót thì nhiều doanh nghiệp sẽ phải nộp thêm một khoản thuế lớn nên họ phản ứng là đương nhiên. Song ngành hải quan vẫn thực hiện theo quy định”. Dự tính khoản tiền truy thu do chênh lệch sẽ vào khoảng 700 tỷ đồng.

Vị này cũng cho biết, do có những mặt hàng “rất phức tạp” nên khó phát hiện, và khâu thông quan vẫn có thể cho vào luồng xanh theo khai báo của doanh nghiệp, do đó mới phải tiến hành kiểm tra sau thông quan.

Vấn đề này sẽ được lãnh đạo Bộ Tài chính sớm xem xét và quyết định.

Dung Phương - Bích Diệp