1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

70% doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn vì không có tài sản thế chấp

(Dân trí) - Giá trị thị trường thương mại của Việt Nam có thể đạt hơn 58.000 tỷ đồng vào năm 2020. Thế nhưng, các doanh nghiệp lại không có sức cạnh tranh vì thiếu vốn, thiếu giải pháp công nghệ trong kinh doanh.

70% doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn vì không có tài sản thế chấp - 1
Chương trình “Nâng tầm 50.000 doanh nghiệp Việt” tổ chức tại TPHCM. Ảnh: Đại Việt

Trong chương trình “Nâng tầm 50.000 doanh nghiệp Việt” tổ chức tại TPHCM, đại diện các đơn vị quản lý và các doanh nghiệp hỗ trợ tài chính cho rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận nguồn vốn và thường phải loay hoay trong “bài toán” tài chính của chính mình.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, ngành thương mại điện tử ở Việt Nam đã phát triển khởi sắc trong thời gian qua. Hai năm gần đây, ngành thương mại điện tử đã có mức tăng trưởng lên tới 35%.

Cụ thể, trong năm 2017, một đơn vị giao từ 1.000 – 2.000 đơn hàng/1 ngày là rất cao, thế nhưng, cho đến nay thì đã có nhiều đơn vị có số đơn hàng lên tới hàng trăm ngàn đơn mỗi ngày. Điều này cho thấy sự “bùng nổ” của thương mại điện tử.

Hiện nay, tại Việt Nam có rất nhiều cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, startup nhỏ nên rất cần có những đơn vị cung cấp các giải pháp công nghệ, giải đáp các "bài toán" về tài chính, vốn, thanh toán trực tiếp.

Ông Huỳnh Lâm Hồ, đại diện một doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp thương mại điện tử và bán hàng đa kênh chia sẻ, hiện nay, các doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển đổi số rất mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí vận hành.

Tuy nhiên, phần lớn người kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam vẫn chưa hòa nhập được xu thế công nghệ trong kinh doanh, bán lẻ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn có hiệu quả kinh doanh ngày càng thấp, thu nhỏ quy mô hoặc đóng cửa kinh doanh.

70% doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn vì không có tài sản thế chấp - 2
Ông Huỳnh Lâm Hồ, Giám đốc điều hành một doanh nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp thương mại điện tử và bán hàng đa kênh. Ảnh: Đại Việt

Ngoài ra, sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp bán lẻ “khổng lồ” tại Việt Nam như Lazada, Tiki, Sendo, Shopee…khiến cho “bức tranh” tăng trưởng của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước lại càng thêm khó.

Theo bà Đặng Thị Châu Giang, đại diện Ngân hàng VPBank thì có đến 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Lý do khiến các doanh nghiệp không được vay vốn là vì thiếu tài sản thế chấp. Ngoài ra, việc tuyển chọn kênh phân phối của doanh nghiệp cũng còn nhiều bất cập và thao tác thủ công trong quản lý kênh bán hàng cũng chiếm đến 90% công việc.

Trong khi đó, giá trị thị trường thương mại của Việt Nam đang tăng “chóng mặt”. Cụ thể, trong năm 2017, giá trị thị trường chỉ khoảng 27.000 tỷ đồng. Thế nhưng, dự báo đến năm 2020 thì giá trị thị trường có thể lên tới hơn 58.000 tỷ đồng.

“Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Chính vì vậy, cần phải hỗ trợ giải pháp quản lý và tài chính cho họ. Chúng tôi sẽ cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh bán lẻ được vay vốn nhưng không cần tài sản thế chấp, hạn mức thẻ cũng lên tới 2 tỷ đồng và được miễn lãi suất từ 45 – 55 ngày”, bà Giang nói.

Ngoài ra, người vay cũng có thể thế chấp hóa đơn VAT để nhận vốn lên tới 1 tỷ đồng.

70% doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn vì không có tài sản thế chấp - 3
Bà Đặng Thị Châu Giang, đại diện Ngân hàng VPBank chia sẻ về phương thức hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ lẻ thiếu vốn. Ảnh: Đại Việt

Theo ban tổ chức chương trình, trong thời gian tới sẽ có khoảng 50.000 doanh nghiệp, người kinh doanh sẽ được hỗ trợ về công nghệ và tài chính trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam.

Đại Việt

70% doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn vì không có tài sản thế chấp - 4

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm