Vốn khó đến được tay doanh nghiệp nhỏ vì ngân hàng sợ vướng vào "lao lý"
(Dân trí) - TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng: Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có nhiều yếu kém nên bản thân các ngân hàng không mặn mà, ngờ vực khi cho vay. Vấn đề hình sự hóa quan hệ kinh tế đã khiến cán bộ tín dụng e ngại cho vay khi DN chưa đủ các điều kiện, bởi xảy ra rủi ro cán bộ ngân hàng (NH) sẽ vướng vào "lao lý".
Chia sẻ với báo giới xung quanh thực trạng rất nhiều DNNVV thời gian qua khó tiếp cận, thậm chí không thể tiếp cận được vốn của ngân hàng, hai chuyên gia Cấn Văn Lực và ông Lê Xuân Nghĩa đều đưa ra góc nhìn và lý giải khác nhau.
Theo ông Lực: “Nghề NH là huy động vốn và cho vay nhưng DNNVV khó tiếp cận vốn vì rủi ro tín dụng lớn, DN chưa mặn mà mua bảo hiểm cho khoản vay. Hơn nữa, vấn đề hình sự hóa quan hệ kinh tế gần đây đã khiến cán bộ tín dụng e ngại cho vay khi DN chưa đủ các điều kiện, bởi xảy ra rủi ro cán bộ NH sẽ vướng vào lao lý”.
Ông Lực cho rằng một số ngân hàng hiện vẫn chưa thực sự “mặn mà” đối với khách hàng DNNVV, một phần do quy mô và hiệu quả tín dụng không cao, trong khi rủi ro và chi phí hoạt động cao. Các TCTD chưa có các sản phẩm - dịch vụ chuyên biệt cho nhóm khách hàng này và thủ tục còn rườm rà, phức tạp khiến giải ngân chậm.
Theo ông Lực, cần phải công bằng trong cơ chế vay và cho vay bởi NH thương mại hiện nay cũng hoạt động theo thị trường, chịu sự ràng buộc của quy định của các tổ chức tín dụng.
Ông Lực nói: "Không phải tất cả nhưng hiện có quá nhiều DNNVV có trình độ quản lý yếu kém, công nghệ lạc hậu; thông tin kém minh bạch, khả năng đáp ứng đủ điều kiện hồ sơ vay vốn ngân hàng còn hạn chế như: Thiếu chiến lược kinh doanh, phương án kinh doanh chưa khả thi; Sản phẩm thiếu tính cạnh tranh và thanh toán tiền mặt nên ngân hàng khó kiểm soát dòng tiền".
Theo ông Lực, nếu DN không đủ các điều kiện, NH chấp nhận cho thì không khác nào nhắm mắt làm liều.
Ông Mạc Quốc Anh - Hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Hà Nội cho hay: "DNNVV của Hà Nội chiếm 97,2 % tổng số DN đăng ký thành lập, là khu vực có vai trò rất quan trọng đóng góp 40% GDP của địa phương, song với họ, vốn để mở rộng là khó khăn nhất. Thay đổi quy mô, phát triển thành lớn cần có vốn đầu tư, nhưng ngân hàng lại đòi hỏi phải có thế chấp, có chiến lược kinh doanh thì gây khó cho DN. Câu chuyện lại xoay quanh quả trứng có trước hay con gà có trước".
TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia tài chính ngân hàng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng: "Hiện nhiều DNVVN đã được được các ngân hàng thương mại cho vay tín chấp, đây là điều mà trước đây rất hiếm thấy, ngoại trừ đối tác của NH đó là DN Nhà nước".
Vị chuyên gia tài chính phân tích: Việc một số ngân hàng cho DN nhỏ vay tín chấp thay vì tài sản đảm bảo, chiến lược kinh doanh là chưa có tiền lệ trong ngành ngân hàng, nó thể hiện niềm tin của ngân hàng vào DN, nhưng đó phải là các DN họ biết mặt đặt tên và kỳ vọng, để lọt "mắt xanh" của ngân hàng đòi hỏi các DN phải có bản CV tốt và được thẩm định khả năng hiệu quả, đây là cách làm sáng tạo, phù hợp thay vì làm theo khuôn mẫu, quy định cứng nhắc.
Theo TS Nghĩa, từ khi có Thông tư 39 của NHNN, quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với DN cởi mở hơn, hiệu quả hơn. "Khảo sát của chúng tôi cho thấy, lãi suất cho vay trong các chương trình kết nối, các sáng kiến, các gói tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM) thường thấp hơn mặt bằng lãi suất chung từ 0,5% - 1,5%, điều này đã giúp cho các DNNVV có thêm nguồn lực phát triển", TS Nghĩa nói.
Nguyễn Tuyền