6 người Nhật tử vong sau khi ăn cải bắp muối của Trung Quốc

(Dân trí) – Theo thông tin từ báo giới Nhật, 6 người dân tại thành phố Sapporo, đảo Hokkaido đã tử vong và hơn 100 người khác đang bị ngộ độc sau khi ăn bắp cải muối của Trung Quốc. Số bắp cải này sau đó được xác định nhiễm khuẩn E.coli O-157.

Sản phẩm bắp cải muối trên được xác định là do công ty Iwai Shokuhin có trụ sở tại Sapporo sản xuất, nhưng nguyên liệu là bắp cải được nhập từ Trung Quốc hôm 29 và 30/7. Theo trung tâm y tế thành phố Sapporo các nguyên liệu thô có thể đã không được khử khuẩn đầy đủ.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Tin tức trên tờ Asahi Shimbun cho hay, đa số các nạn nhân là người đang sống tại 9 trại dưỡng lão ở thành phố Sapporo và một số khu vực khác của Hokkaido. 5 trong số các nạn nhân là phụ nữ, tuổi từ 80 đến 100. Đáng chú ý là trong số các nạn nhân tử vong có một bé gái 4 tuổi đã qua đời hôm 11/8 sau khi có những triệu chứng ngộ độc thực phẩm trước đó 5 ngày

Sau khi xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bé gái này, các chuyên gia y tế nhận thấy chủng vi khuẩn Ecoli O157 được phát hiện trên cơ thể nạn nhân giống với chủng vi khuẩn có trên cải bắp. Qua thông tin từ gia đình, các cơ quan chức năng xác định rất có thể em bé đã ăn phải cải bắp nhiễm khuẩn mua tại một siêu thị gần nhà.

2 trường hợp nhiễm độc khác là các cụ bà ở tuổi 90 đang sống tại trại dưỡng lão của trung tâm y tế Ebetsu. Những người này ăn cải bắp hôm 1/8 và lần lượt phải nhập viện vào các ngày 5 và 6/8 sau khi có các triệu chức đau bụng, tiêu chảy.

Dù được chăm sóc tích cực nhưng đến ngày 16/8 vừa qua họ đã qua đời vị hội chứng tán huyết, tăng urê máu. Mặc dù chủng Ecoli O157 không được tìm thấy trên cơ thể 2 cụ bà này nhưng tại nơi họ sống, rất nhiều người khác cũng bị ngộ độc thực phẩm hàng loạt.

Trước tình trạng này chủ tịch của công ty thực phẩm Iwai Shokuhin đã phải lên tiếng xin lỗi người dân. “Tôi cảm thấy đau buồn sâu sắc về vụ việc và sẽ làm hết sức để hỗ trợ công tác điều tra. Tôi chỉ có thể nói rằng tôi thực sự lấy làm tiếc”, ông Norio Iwai nói.

Theo các chuyên gia các vụ ngộ độc thực phẩm do rau củ thường ít xảy ra hơn các trường hợp với thị, cá và các loại động vật giáp xác. Đồng thời các chuyên gia cũng cho biết các loại rau củ muối sơ qua đòi hỏi phải được chế biến kỹ lưỡng hơn các loại thực phẩm khác bởi quá trình chế biến không hề sử dụng nhiệt hay các loại men để diệt vi khuẩn.

Đây không phải lần đầu tiên người Nhật phải hứng chịu ngộ độc thực phẩm hàng loạt sau khi sử dụng các thực phẩm nhập từ Trung Quốc. Nghiêm trọng nhất phải kể đến vụ ngộ độc do bánh bao đông lạnh nhập khẩu từ tỉnh Hồ Bắc tháng 2/2008. Tổng cộng có hơn 500 người tại 33 địa phương bị ảnh hưởng với các triệu chứng đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.

Thanh Tùng
Theo Asahi Shimbun và Yomiuri Shimbun