6 điển hình thành công trong kinh doanh nhờ áp dụng tiêu chí ESG

Cẩm Hà

(Dân trí) - Các tiêu chí Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đã trở thành yếu tố quan trọng đối với các doanh nghiệp muốn nâng cao danh tiếng, thu hút nhà đầu tư và đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Bài viết này sẽ giới thiệu 6 ví dụ tiêu biểu về cách các công ty hàng đầu trong danh sách toàn cầu, bao gồm Microsoft, IKEA, Patagonia, Ben & Jerry's, Salesforce và Unilever, áp dụng ESG vào chiến lược kinh doanh, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh và thành công lâu dài.

Tuy nhiên, trước khi đi vào các ví dụ cụ thể, chúng ta phải hiểu ESG bao gồm những gì.

Hiểu về ESG: Khung nền tảng cho một doanh nghiệp bền vững

ESG là viết tắt của Môi trường (Environmental), Xã hội (Social) và Quản trị (Governance) - 3 yếu tố cốt lõi được sử dụng để đo lường mức độ bền vững và tác động đạo đức của một khoản đầu tư vào doanh nghiệp. Các công ty áp dụng nguyên tắc ESG cam kết:

Trách nhiệm môi trường: Giảm lượng khí thải carbon, quản lý chất thải và sử dụng tài nguyên hiệu quả.

Trách nhiệm xã hội: Đảm bảo điều kiện lao động công bằng, tham gia cộng đồng và thúc đẩy sự đa dạng, hòa nhập.

Quản trị doanh nghiệp: Áp dụng các thực tiễn minh bạch, lãnh đạo có đạo đức và đảm bảo trách nhiệm giải trình.

Những yếu tố này giúp doanh nghiệp xây dựng một mô hình bền vững, thu hút sự quan tâm của các bên liên quan, bao gồm nhà đầu tư, khách hàng và nhân viên.

Quản trị doanh nghiệp xuất sắc tại Microsoft

Microsoft, tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, là một ví dụ điển hình về quản trị doanh nghiệp xuất sắc, với cam kết mạnh mẽ về minh bạch, đạo đức và trách nhiệm giải trình.

Chiến lược quản trị của tập đoàn này bao gồm một hệ thống quản lý rủi ro, bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng vững chắc. Tập đoàn thường xuyên công bố các báo cáo chi tiết về hiệu suất ESG, thể hiện cam kết minh bạch và cải tiến liên tục. Ngoài ra, Microsoft đã triển khai nhiều sáng kiến về đa dạng và hòa nhập, thúc đẩy một nền văn hóa tôn trọng và bình đẳng.

Đối với nhà đầu tư và đối tác, sự xuất sắc trong quản trị của Microsoft giúp giảm thiểu rủi ro và gia tăng giá trị dài hạn. Các nhà mua sỉ có thể hưởng lợi từ việc liên kết với một công ty có uy tín về đạo đức và quản trị vững chắc, củng cố cam kết của chính họ đối với sự chính trực và trách nhiệm giải trình.

Ngoài ra, gần đây, gã khổng lồ công nghệ đã ký thỏa thuận 25 năm với Chestnut Carbon với hơn 7 triệu tấn tín chỉ carbon. Đây là một trong những hợp đồng thu mua carbon từ thiên nhiên lớn nhất tại Mỹ, tiếp nối thỏa thuận ban đầu được ký kết vào tháng 12/2023.

6 điển hình thành công trong kinh doanh nhờ áp dụng tiêu chí ESG - 1

Microsoft, là một ví dụ điển hình về quản trị doanh nghiệp xuất sắc, với cam kết mạnh mẽ về minh bạch, đạo đức và trách nhiệm giải trình (Ảnh: Getty).

Sáng kiến năng lượng tái tạo tại IKEA

IKEA, tập đoàn nội thất hàng đầu thế giới, đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chứng minh rằng trách nhiệm môi trường có thể thúc đẩy thành công kinh doanh. Tập đoàn này cam kết giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính trên toàn bộ chuỗi giá trị để góp phần giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

"Chúng tôi có những cam kết mạnh mẽ về khí hậu, và việc công bố kế hoạch chuyển đổi sang phát thải ròng bằng 0 giúp chúng tôi có một lộ trình rõ ràng hơn để đạt được mục tiêu đó", bà Karen Pflug, Giám đốc Bền vững tại Ingka Group cho biết.

Mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Inter IKEA Group bao gồm tất cả khâu từ khai thác nguyên liệu thô, sản xuất, vận chuyển, vận hành bán lẻ, đến vòng đời sản phẩm trong gia đình khách hàng.

Đổi mới vì môi trường tại Patagonia

Patagonia, thương hiệu thời trang ngoài trời, là một ví dụ tiêu biểu về cách đổi mới vì môi trường có thể thúc đẩy thành công trong kinh doanh.

Patagonia luôn cam kết phát triển bền vững bằng cách tích hợp các vật liệu và quy trình thân thiện với môi trường vào sản phẩm của mình. Công ty sử dụng bông hữu cơ, polyester tái chế và nhiều vật liệu bền vững khác nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.

Chương trình "Worn Wear" của doanh nghiệp này khuyến khích khách hàng sửa chữa và tái chế quần áo, thể hiện cam kết của công ty đối với tính bền vững. Sáng kiến này không chỉ giúp giảm rác thải mà còn tạo ra lòng trung thành thương hiệu bằng cách kết nối với những người tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường.

Đối với các nhà mua sỉ và người tiêu dùng, hợp tác với các công ty như Patagonia giúp đảm bảo sự phù hợp với các giá trị thân thiện với môi trường, từ đó nâng cao danh tiếng thương hiệu và thu hút thị trường có ý thức sinh thái.

Tác động xã hội tại Ben & Jerry's

Ben & Jerry's, thương hiệu kem nổi tiếng, đã tích hợp thành công trách nhiệm xã hội vào mô hình kinh doanh. Được biết đến với tinh thần hoạt động xã hội và cam kết với các vấn đề toàn cầu, Ben & Jerry's tích cực tham gia vào các chiến dịch về biến đổi khí hậu, công bằng chủng tộc và thương mại công bằng.

Công ty sử dụng nền tảng và sản phẩm của mình để nâng cao nhận thức và thúc đẩy thay đổi. Ví dụ, Ben & Jerry's thu mua 5 thành phần chính (đường, ca cao, vani, cà phê và chuối) theo tiêu chuẩn Fairtrade, đảm bảo mức lương và điều kiện làm việc công bằng cho nông dân. Ngoài ra, công ty còn cho ra mắt các hương vị kem nhằm ủng hộ các chiến dịch công bằng xã hội, tận dụng sức mạnh thương hiệu để tạo ảnh hưởng tích cực.

Cam kết về trách nhiệm xã hội không chỉ giúp công ty này duy trì lòng trung thành của khách hàng mà còn thu hút các nhà đầu tư có ý thức xã hội. Đối với các doanh nghiệp và nhà mua sỉ, hợp tác với những công ty có trách nhiệm xã hội như Ben & Jerry's có thể nâng cao hình ảnh thương hiệu và thể hiện cam kết đối với các thực tiễn đạo đức.

6 điển hình thành công trong kinh doanh nhờ áp dụng tiêu chí ESG - 2

Cam kết về trách nhiệm xã hội giúp Ben & Jerry's duy trì lòng trung thành của khách hàng, thu hút các nhà đầu tư có ý thức xã hội và nâng cao hình ảnh thương hiệu (Ảnh: Retaildetail).

Đa dạng và hòa nhập tại Salesforce

Salesforce, công ty phần mềm điện toán đám mây hàng đầu, đã lấy đa dạng và hòa nhập làm nền tảng chiến lược doanh nghiệp. Công ty triển khai các chính sách như kiểm toán lương bình đẳng, nhóm hỗ trợ nhân viên, và tuyển dụng hòa nhập, giúp thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới.

Quản lý chuỗi cung ứng có đạo đức tại Unilever

Unilever đã thiết lập tiêu chuẩn về chuỗi cung ứng có trách nhiệm, tập trung vào tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Công ty hợp tác với các nhà cung cấp để cải thiện điều kiện lao động và giảm tác động môi trường, đồng thời công bố các báo cáo kiểm toán độc lập nhằm đảm bảo lòng tin của các bên liên quan.

Những ví dụ trên cho thấy việc áp dụng nguyên tắc ESG không chỉ nâng cao danh tiếng mà còn thúc đẩy hiệu suất tài chính, đổi mới và tăng trưởng lâu dài. Doanh nghiệp nào ưu tiên ESG sẽ có lợi thế cạnh tranh trong một thị trường ngày càng có ý thức về trách nhiệm xã hội và môi trường.

Theo www.globalsources.com