555 triệu cổ phiếu chào sàn, TPBank hứa chia cổ tức 10 -15%/năm

(Dân trí) - Chiều nay 12/4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã tổ chức roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu TPBank. Theo kế hoạch, 555 triệu cổ phiếu TPBank với mã chứng khoán TPB sẽ chính thức niêm yết trên HOSE vào ngày 19/4, giá chào sàn là 32.000 đồng/cổ phiếu.

Với mức giá khởi điểm trên, vốn hóa thị trường của TPBank ước đạt 17.760 tỷ đồng và trở thành ngân hàng có vốn hóa lớn thứ 8 trên thị trường chứng khoán.

Đánh giá về mức giá chào sàn 32.000 đồng/cổ phiếu, ông Nguyễn Hồng Nam, Phó Tổng giám đốc SSI, đơn vị tư vấn cho biết, mức giá này được định giá dựa trên nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó, cơ bản dựa vào quy mô ngân hàng và mức độ, hiệu quả tăng trưởng và kế hoạch kinh doanh trong tương lai.

"Mức giá 32.000 đồng/cổ phần là đã giảm so với mức định giá được, sau khi so sánh với các ngân hàng đã niêm yết khác", ông Nam cho hay.


555 triệu cổ phiếu TPBank với mã chứng khoán TPB sẽ chính thức niêm yết trên HOSE vào ngày 19/4, giá chào sàn là 32.000 đồng/cổ phiếu.

555 triệu cổ phiếu TPBank với mã chứng khoán TPB sẽ chính thức niêm yết trên HOSE vào ngày 19/4, giá chào sàn là 32.000 đồng/cổ phiếu.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Đỗ Anh Tú - Phó Chủ tịch TPBank cho hay: Năm nay, ngân hàng có kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông từ nguồn lợi nhuận năm 2017 với tỷ lệ trên 8%. Ngân hàng cũng đang hoàn tất giao dịch bán 15% cố phần cho các nhà đầu tư trong, ngoài nước thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ và sẽ tiến hành chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông tỷ lệ 20% từ nguồn thặng dư của đợt phát hành này.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, lợi nhuận 3 tháng đầu năm nay của ngân hàng đạt 513 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần so với cùng kỳ 2017; tổng huy động đạt trên 110 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức thấp 0,95%.

TPBank đặt mục tiêu lãi trước thuế 2.200 tỷ đồng trong năm nay, tăng 82,42% so với năm 2017. Với kế hoạch này, tỷ suất lợi nhuận ROE dự kiến cũng sẽ vượt 20%, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động. TPBank cũng kỳ vọng vốn hóa thị trường của ngân hàng sẽ tăng lên ít nhất 1 tỷ USD trong năm 2018, sau khi cổ phiếu được niêm yết trên sàn HOSE.

Ông Hưng cũng nhấn mạnh lợi nhuận đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi không phải từ các khoản bất thường khác. Thu từ hoạt động dịch vụ ngân hàng tăng trưởng tốt. Trong đó, riêng kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đang thu về 20 tỷ đồng mỗi tháng. Thị trường liên ngân hàng ổn định cùng hiệu quả đầu tư trái phiếu Chính phủ.

Với khoản cho vay khách hàng cá nhân, mức margin tăng lên cũng là nền tảng để TPBank tự tin với kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Về kế hoạch tăng vốn, TPBank dự kiến tăng vốn lên 8.566 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo TPBank cũng cho biết nếu nhu cầu vốn tăng lên có thể nâng mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng. Kế hoạch tăng vốn này nếu thực hiện sẽ triển khai vào quý cuối cùng của năm.

Chia sẻ với nhà đầu tư về khả năng bán vốn cho nhà đầu tư ngoại trong tương lai hay không, bà Bà Bùi Thị Thanh Hương, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết: Sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu riêng lẻ 15% cho nhà đầu tư thì room cho nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn 0,77%. Hiện nay, trong cơ cấu cổ đông có 2 nhà đầu tư nước ngoài lớn là SBI, IFC với tỷ lệ cao. Tuy nhiên, nếu trường hợp Nhà nước cho phép mở rộng hơn cho nhà đầu tư ngoại thì đó cũng là cơ hội cho TPBank.

Cũng theo bà Hương, vừa qua có thêm nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư thực sự quan tâm tới TPBank, thậm chí muốn đầu tư hàng tỷ USD nhưng room chỉ còn thấp nên chưa thể hợp tác. Thực tế, không phải chỉ riêng TPBank mà nhiều ngân hàng khác cũng đã kín room ngoại.

Theo tài liệu mà TPBank trình các cổ đông tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 dự kiến diễn ra vào ngày 20/4 tới, trong năm 2017, lợi nhuận sau thuế của TPBank là hơn 963 tỷ đồng. Do đó, ngân hàng sẽ trích lập các quỹ, trả cổ tức ưu đãi cho cổ đông lớn IFC, và chia thưởng EXCO 2016-2017 khoảng hơn 195 tỷ đồng.

Cùng với đó là dùng gần 534 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu (tương ứng 8,37%, sau khi phát hành tăng vốn 15% trong năm 2018, không bao gồm cổ đông IFC).

Như vậy, TPB sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu lần đầu tiên sau 7 năm ngân hàng này lên kế hoạch trả cổ tức.

Kèm theo đó là kế hoạch tăng vốn 15% bằng kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu nêu trên thì TPBank cũng sẽ sử dụng thặng dư vốn từ đợt phát hành 15% để chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20%.

An Hạ

555 triệu cổ phiếu chào sàn, TPBank hứa chia cổ tức 10 -15%/năm - 2