5 triệu đồng sống chưa đủ, sao áp thuế?
Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đến giờ vẫn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm bởi người dân và nhất là giới trí thức mà chưa hiểu kỹ thì rất khó thực hiện... Xin giới thiệu một ý kiến rất đáng chú ý của tiến sỹ Nguyễn Quang A.
Dư luận lại nóng lên với cuộc hội thảo góp ý cho dự thảo luật thuế thu nhập cá nhân do Trung ương MTTQ và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức ngày 24/7. Nhiều ý kiến đòi “mức khởi điểm chịu thuế” lên “ít nhất cũng phải là 6 triệu đồng, còn không là 7 hoặc 8 triệu đồng”, hoặc lên mức 10-15 triệu đồng/tháng.
Rất nhiều ý kiến, đặc biệt sôi động quanh vấn đề: Giá cả gia tăng; “Nếu thực hiện thu thuế thu nhập cá nhân theo dự luật thì toàn xã hội sẽ bị ảnh hưởng, trong đó người làm công ăn lương là đối tượng sẽ chịu thiệt đơn, thiệt kép…”; Cần có cuộc khảo sát mức chi tiêu bình quân của một người trong tháng, đủ tái tạo sức lao động và có tích lũy, rồi căn cứ vào đó để đưa ra mức khấu trừ gia cảnh”; “Cả dự thảo không hề biết, hoặc không hề quan tâm đến thuế suất âm, một hình thức trợ cấp cho những bộ phận dân nghèo, những bộ phận dân cư cần hỗ trợ đặc biệt...".
Tại các hội thảo trước đó cũng có những người cho rằng chính sách thuế chỉ nhắm đến tận thu, “dẫn đến thu vào người nghèo nhiều hơn người giàu, cứ nhè vào người có thu nhập thấp để tăng thu” do mức giảm trừ gia cảnh thấp.
Bỏ, giảm mức giảm trừ gia cảnh hay hạ mức khởi điểm chịu thuế sẽ “ảnh hưởng đến người nghèo”, sẽ làm “mất lòng dân”; nâng mức giảm trừ là “khoan sức dân”, v.v. Nghe có vẻ rất nhân văn. Còn nhân văn hơn khi có lẽ cũng những người này lại đòi giáo dục miễn phí và chữa bệnh miễn phí nữa.
Vậy thực hư ra sao?
Hãy bình tâm suy nghĩ và đặt ra cho mình câu hỏi: Nhà nước lấy đâu ra tiền để nuôi quân đội, công an, đầu tư, duy trì bệnh viện công và trường công, nuôi viên chức Nhà nước (kể cả một số nhân sỹ)? Tiền đó chủ yếu lấy từ thuế!
Khi một bác xích lô mua một gói thuốc lá giá 10 ngàn đồng thì bác đã đóng thuế cho Nhà nước 5 ngàn rưỡi. Khi ta uống một lon bia 10 ngàn đồng ta nộp thuế khoảng 4 ngàn. Nhưng cả bác xích lô lẫn những người thích uống bia chẳng mấy khi kêu ca về số thuế đó (Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên tăng thuế thuốc lá nữa).
Tương tự vậy khi ta tiêu thụ các mặt hàng hay dịch vụ khác ta đều nộp thuế cho Nhà nước. Đấy là các khoản thuế gián thu, và người nộp thuế thường không ý thức về việc nộp thuế của mình. Còn thuế thu nhập cá nhân là thuế trực thu, đánh trực tiếp vào thu nhập của ta, nên rất dễ nhận biết, rất dễ gây xúc động.
Nếu đi hỏi người dân “anh thích Nhà nước đánh thuế trực tiếp vào thu nhập của anh cao hay thấp?” chắc chắn sẽ có kết quả: ít nhất 90% trả lời là không được đánh thuế hay đánh thấp thôi. Đấy là điều dễ hiểu về mặt tâm lý mà “việc lấy ý kiến nhân dân” phải lưu ý đến. Cho nên những bức xúc như nêu trên cũng khá dễ hiểu.
Tuy nhiên, hãy cẩn trọng xem kỹ những quy định của dự thảo và hãy thử tính vài con số ta sẽ thấy tình hình khác đi.
Thứ nhất, có sự ngộ nhận về tên gọi của dự luật thuế này. Tên chính xác là dự thảo luật thuế thu nhập cá nhân, chứ không phải là thuế thu nhập đối với những người có thu nhập cao (mà hiện nay là pháp lệnh quy định mức khởi điểm chịu thuế là 5 triệu đồng). Như thế về nguyên tắc mọi khản thu nhập cá nhân đều phải chịu thuế, nên không có cái gọi là “mức khởi điểm chịu thuế”.
Thứ hai, mức 4 triệu hay 5 triệu nêu trong dự thảo là mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân có thu nhập chịu thuế và giảm tiếp 40% mức đó (1,6 triệu hay 2 triệu) cho mỗi người phụ thuộc mà người chịu thuế phải nuôi dưỡng (nhưng không quá 10 triệu).
Mức đó là cao hay thấp? Tổng cục thuế đã nghiên cứu kỹ mức giảm trừ gia cảnh so với GDP/đầu người ở các nước khác và thấy như sau: Trung Quốc 94%, Malaysia 66,8%, Thái Lan 165%, Indonesia 188%, Việt Nam (theo dự thảo 4 triệu/tháng + 2 người phụ thuộc) là 660%.
Cho nên cũng chẳng lạ khi cả các chuyên gia Nhật Bản lẫn EU tại hội thảo ở Hà Nội đều cho rằng, cơ quan thuế Việt Nam “quá hào phóng” về khoản giảm trừ gia cảnh (4 triệu và 1,6 triệu) dự kiến. Mức thấp nhất theo dự thảo đã là mức “ngất ngưởng” rồi, còn nếu đưa lên 5, 6, 7 hay 10 triệu thì chúng ta là “vô địch”, mà Việt Nam thì rất hay thích là vô địch. Lưu ý thuế là nghĩa vụ, ai cũng phải đóng, không thể có những lý do biện bạch.
Thứ ba, người ta thường không nhìn dự thảo một cách tổng thể, thí dụ không chú ý đến khoản 11 Điều 5, theo đó thu nhập của tất cả các hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp và làm muối không phải chịu thuế. Tức là những người nghèo (và giàu!) trong các lĩnh vực này (chiếm 70% dân số) không hề bị ảnh hưởng và chẳng có lý do nào để kêu ca.
Vấn đề là người nghèo ở đô thị, cán bộ Nhà nước và những người hưởng lương thấp. Người ta cũng không tính cụ thể nên cứ kêu ca. Nếu mức giảm gia cảnh hạ xuống 3 triệu/tháng thì người có thu nhập 4 triệu phải nộp thuế 50 ngàn đồng (1,25% thu nhập), có lẽ tương tự như bao nhiêu khoản “đóng góp” vô danh khác.
Nếu không có mức giảm trừ gia cảnh nào cả, và mức thuế suất ban đầu chỉ là 1%, thì người có thu nhập 1 triệu đồng/tháng sẽ phải đóng 10 ngàn đồng/tháng (ít hơn tiền thuế của 2 bao thuốc lá Vina!). Nếu tính toán và so sánh như vậy chắc người dân cũng chẳng kêu to như các nhân sỹ.
Thứ tư, thuế suất âm đầy rẫy trong dự thảo. Các loại miễn, trừ, giảm, chiết trừ gia cảnh chính là các khoản trợ cấp “ngầm”, chính là “thuế suất âm” đấy ạ! Và một điều tối kỵ là đi lẫn lộn giữa trợ cấp và thuế, lẫn lộn giữa thu ngân sách và chi ngân sách. Phải rạch ròi, chi ra chi, thu ra thu. Lẫn lộn giữa trợ cấp và thuế gây ra những hệ quả khôn lường và rất nên tránh.
Về mặt này ngay cả các nước phát triển cũng có nhiều cái dở mà chúng ta không cần “học hỏi”. Chính vì thế nhiều người kiến nghị bỏ hay giảm tối đa các khoản miễn trừ, chiết giảm trong luật thuế (nhưng không có nghĩa là bỏ trợ cấp đối với những người đáng nhận trợ cấp mà chỉ có nghĩa là khoản trợ cấp nhà nước phải chi riêng một cách tách bạch, không được để “lẩn” vào thuế).
Thứ năm, nếu để mức giảm trừ gia cảnh ở mức 4 triệu (chứ không phải 5 hay 10 triệu) như dự thảo, thì tuyệt đại đa số quan chức (có lẽ cả một số nhân sỹ) sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Và có chuyên gia đã rất có lý khi nêu vấn đề vì sao các quan chức nhà nước và hầu hết cán bộ công chức đều thuộc diện “không phải đóng thuế”. Nếu thông qua luật như vậy, thì “điều này có nghĩa chúng ta sẽ tiếp tục loại trừ một bộ phận quan trọng của xã hội sẽ không phải đóng thuế.
Nói ra thì "phản cảm" nhưng có phải chúng ta làm luật chỉ để nhắm đến việc thu thuế của những người dân bình thường? Các bộ trưởng, thứ trưởng của chúng ta đang thật sự nhận khoản thu nhập là bao nhiêu? Có thật là chưa đến mức phải đóng thuế?”
Nếu quốc hội thông qua mức giảm trừ gia cảnh mà trên 50% đại biểu quốc hội “không phải đóng thuế” thì sẽ vô cùng tai tiếng! Có lẽ đấy mới là bất công bằng, còn người nghèo cũng phải đóng (ít), người giàu phải đóng (nhiều) mới là công bằng hơn.
Chính vì vậy nên bỏ giảm trừ gia cảnh đi và đưa mức thuế suất ban đầu 1-2% vào. Như thế sẽ tránh được rất nhiều phiền phức sau này.
Cuối cùng, nếu thỏa mãn các “bức xúc” như nêu ở đầu bài thì thuế sẽ rất phức tạp, rắm rối, khó thực thi, tạo điều kiện cho việc nhũng nhiễu, tham nhũng, và sẽ vi phạm rất nhiều nguyên tắc mà một sắc thuế nên hay phải tuân thủ như tính nhất quán, tính trung lập, tính hiệu quả, và sẽ gây ra vô vàn khó khăn trong thực hiện.
Có thể thấy thuế thu nhập cá nhân là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, người dân và nhất là các trí thức, nhân sỹ mà chưa hiểu kỹ, thì rất khó thực hiện. Và việc trao đổi ý kiến thẳng thắn, mang tính xây dựng sẽ góp phần vào việc nâng cao quan trí và dân trí đối với lĩnh vực rất quan trọng nhưng nhạy cảm này.
TS Nguyễn Quang A
VietNamnet