45 phút cuốn phăng gần 10 tỷ USD, nhà đầu tư bay cả nhà, ô tô

Mai Chi

(Dân trí) - Nhiều nhà đầu tư đã có một phiên giao dịch tồi tệ khi tài sản bốc hơi chóng vánh phiên 15/4. Cổ phiếu giảm sàn hàng loạt khiến quy mô vốn hóa sàn HoSE bốc hơi 244.000 tỷ đồng.

Phiên giao dịch ngày 15/4, thị trường chứng khoán trong nước trải qua 45 phút cuối đầy khó khăn khi các chỉ số đồng loạt lao dốc thẳng đứng. VN-Index giảm sốc 60 điểm tương ứng 4,7% còn 1.216,61 điểm. Các chỉ số khác như VN30-Index cũng đánh rơi 4,42%; HNX-Index giảm 4,82% và UPCoM-Index giảm 2,44%.

Giấc ngủ trưa "đắt nhất lịch sử" 

Theo đó, phiên giảm điểm ngày 15/4 của VN-Index là phiên giảm mạnh nhất trong vòng 2 năm qua, kể từ ngày 12/5/2022. Tại phiên 12/5/2022, VN-Index giảm gần 63 điểm (4,82%).

Tình trạng bán tháo lan rộng. Sắc đỏ bao trùm thị trường với 886 mã giảm giá, 157 mã giảm sàn. Theo đó, hầu hết nhà đầu tư đều bị thiệt hại nặng nề.

45 phút cuốn phăng gần 10 tỷ USD, nhà đầu tư bay cả nhà, ô tô - 1

Chỉ số VN-Index và VN30-Index thiệt hại nặng nề phiên 15/4 (Ảnh chụp màn hình).

Một số người cho biết, do trong suốt phiên sáng và đầu phiên chiều thị trường tương đối bình lặng, các chỉ số dao động biên hẹp quanh ngưỡng tham chiếu, do đó, một bộ phận nhà đầu tư không "bám bảng".

"Đầu giờ chiều bận họp, tới lúc mở ứng dụng (app) đã thấy tài khoản bốc hơi cả trăm triệu đồng", "thấy thông báo liên tục từ app về chỉ số và các mã chứng khoán giảm biên độ lớn hơn 2%, vội vàng kiểm tra tài khoản thì đã thấy tất cả mã trong danh mục đều giảm sàn", "giấc ngủ trưa đắt nhất lịch sử"... là những chia sẻ đầy thảng thốt của nhà đầu tư. 

Khá nhiều chia sẻ của các nhà đầu tư không chuyên về "cú sốc" hôm nay. Theo đó, với số lượng mã giảm sàn lớn, có những người bị thổi bay 5-7% giá trị danh mục cổ phiếu trong phút chốc. Nếu quy mô đầu tư càng lớn thì thiệt hại càng nặng nề.

Bỏ hàng tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng vào một vài cổ phiếu có diễn biến giảm sàn đồng nghĩa với thiệt hại có thể lên tới hàng trăm triệu đồng, chỉ một cú lao dốc đã "bốc hơi" cả chiếc ô tô.

Với những nhà đầu tư nắm tỉ trọng cổ phiếu lớn trong danh mục hoặc vay ký quỹ (margin), khi chứng kiến đà giảm mạnh của giá cổ phiếu sẽ khó tránh khỏi tâm lý bất an, lo lắng, áp lực đè nặng.

Vay margin khi thị trường tăng mạnh, nhà đầu tư tận hưởng "kỳ quan lãi kép", song ngược lại, margin cũng là con dao hai lưỡi, sẽ khiến nhà đầu tư "lỗ kép" ở những phiên lao dốc, bị bán tháo như hôm nay.

Chỉ tính riêng sàn HoSE, vốn hóa thị trường đã "bốc hơi" khoảng 244.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 9,6 tỷ USD. Vốn hóa thị trường HoSE sau phiên này lùi về dưới ngưỡng 5 triệu tỷ đồng.

45 phút cuốn phăng gần 10 tỷ USD, nhà đầu tư bay cả nhà, ô tô - 2

Có đến 157 mã cổ phiếu giảm sàn (Ảnh chụp màn hình).

Trong rổ VN30 có tới 6 mã giảm sàn là MSN, BCM, BID, GVR, SSI, VRE. Các mã lớn khác cũng giảm sâu: TCB giảm 6,3%; HPG giảm 4,8%; VIC giảm 3% khiến giá trị tài sản của các đại gia chứng khoán co hẹp đáng kể.

Các tỷ phú mất bao nhiêu tiền?

Theo ghi nhận của Forbes, sau phiên hôm nay, giá trị tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group - đã lùi về 1 tỷ USD, giảm 74 triệu USD tương ứng giảm 6,77%. Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank - mất 7,62% giá trị tài sản ròng, tương ứng thiệt hại 137 triệu USD còn 1,7 tỷ USD.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hòa Phát - cũng bị giảm 138 triệu USD tài sản ròng (tương ứng giảm 5,56%) còn 2,3 tỷ USD. Trong khi đó, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup - giảm 84 triệu USD, tương ứng 1,83% tài sản, còn 4,5 tỷ USD; bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air - giảm 37 triệu USD tương ứng 1,29% tài sản, còn 2,9 tỷ USD.

Vốn hóa thị trường của Vingroup hôm nay giảm 5.544 tỷ đồng; vốn hóa Hòa Phát giảm sâu 8.431 tỷ đồng; vốn hóa Techcombank giảm 10.568 tỷ đồng. Vốn hóa thị trường của Masan lùi về dưới mốc 100.000 tỷ đồng sau khi sụt giảm 7.154 tỷ đồng.