4 trường hợp phải ngừng khai thác dầu khí

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quy chế khai thác dầu khí. Theo đó, người điều hành phải ngừng ngay các hoạt động khai thác dầu khí trong 4 trường hợp.

Thứ nhất, khi hoạt động khai thác gây ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng.

Thứ hai, khi việc tiếp tục hoạt động khai thác sẽ gây ra mất an toàn nghiêm trọng cho người làm việc, công trình khai thác hoặc vi phạm các quy định của pháp luật về chất thải, bảo vệ môi trường.

Thứ ba, khi có người bị trọng thương, nếu không dừng hoạt động khai thác thì sẽ gây ra các hậu quả nghiêm trọng khác hoặc sự cố gây nguy hại nghiêm trọng cho thiết bị.

Thứ tư, khi một giếng trên khu vực khai thác bị mất kiểm soát hoặc có nguy cơ bị mất kiểm soát, người điều hành phải đóng các giếng thuộc khu vực khai thác đó cho tới khi các nguy cơ trên được khắc phục.

Người điều hành phải thông báo ngay cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bằng phương tiện thông tin nhanh nhất về các sự cố hoặc tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại công trình khai thác dầu khí.

Người điều hành chỉ được tiếp tục các hoạt động khai thác trở lại khi hoàn tất các điều chỉnh, sửa chữa đáp ứng các yêu cầu pháp luật về an toàn và bảo vệ môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

Cũng theo Quy chế này, người điều hành phải báo cáo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc thử không thành công hoặc kết quả thử phát hiện sự sai, hỏng của bất kể thiết bị nào trong hệ thống an toàn của công trình không chậm hơn 30 ngày kể từ khi kết thúc việc thử.

Đối với hệ thống khai thác ngoài khơi, người điều hành phải lắp đặt thiết bị và bảo đảm khả năng xác định vị trí của bất kỳ hệ thống ngầm nào nằm dưới mực nước biển.

Ngoài ra, Quy chế quy định ít nhất 12 tháng một lần, người điều hành các công trình khai thác phải tổ chức diễn tập cho những người làm việc trên công trình về ứng cứu khẩn cấp và ứng phó sự cố tràn dầu.

An Hạ