4 "ông lớn" nhập cuộc, lãi suất huy động VND tăng thế nào?
(Dân trí) - Bắt đầu từ những ngân hàng nhỏ trong nhóm tư nhân, đến nay, 4 "ông lớn" trong khối ngân hàng Nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) cũng đã nhập cuộc tăng lãi suất huy động VND.
Khoảng một tháng gần đây, cuộc đua tăng lãi suất huy động VND lại "bùng" lên trong bối cảnh các ngành hàng cần nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh. Bắt đầu từ những ngân hàng nhỏ trong nhóm tư nhân, đến nay, 4 "ông lớn" trong khối ngân hàng Nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) cũng đã nhập cuộc tăng lãi suất huy động VND.
Theo đó, Agribank điều chỉnh tăng tất cả lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn, mức tăng khoảng 0,2 đến 0,3%/năm. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng của ngân hàng này tăng từ mức 4,3%/năm lên 4,5%/năm; kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,2%/năm lên 4,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng từ 4,6%/năm lên 4,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng từ 5,3% lên 5,5%/năm.
Lãi suất kỳ hạn dưới 3 tháng của Vietcombank cũng đã tăng 0,1% lên 4,4%/năm. Kỳ hạn 3 và 6 tháng tăng 0,2% lên 4,8%/năm và 5,5%/năm.
Trước 2 ngân hàng này, lãi suất của VietinBank và BIDV còn cao hơn một số ngân hàng khác ở nhiều kỳ hạn ngắn. ở kỳ hạn 1 tháng, lãi suất của Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank ở mức từ 4,4%-4,5%/năm, cao hơn LienVietPostBank (4,3%/năm). Tương tự kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của 4 "ông lớn" là 5,5%/năm, cao hơn 0,2% so với LienVietPostBank.
Ở kỳ hạn 12 tháng, 18 tháng, lãi suất huy động VND của 4 ngân hàng lớn có vốn Nhà nước cạnh tranh gay gắt nhất với những ngân hàng khác. Lãi suất của BIDV ở kỳ hạn 1 năm là 6,9%/năm, bằng Sacombank và cao hơn cả 4 ngân hàng: ACB, Eximbank, Techcombank và LienVietPostBank. Lãi suất của Vietcombank, Agribank, VietinBank cũng rất cạnh tranh ở mức 6,8%/năm.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trở lại cùng với động thái bơm ròng của Ngân hàng Nhà nước cho thấy thanh khoản toàn hệ thống tuần vừa qua ở trạng thái eo hẹp hơn so với tuần trước đó.
Tuần qua, khối ngoại bán ròng trên thị trường thứ cấp. Cụ thể, đã có 180 tỷ đồng được mua vào trong khi 683 tỷ đồng bị bán ra, do đó 503 tỷ đồng đã được khối này bán ròng trong tuần. Như vậy, tính từ đầu năm 2018 đến nay, khối ngoại đã bán ròng 4.410 tỷ đồng.
Bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) cũng cho rằng, động cơ chính để các ngân hàng nâng lãi suất là thanh khoản trong hệ thống kém đi. Lượng tài sản ròng trên thị trường liên ngân hàng đã kém đi kể từ giữa tháng 7, với giá trị hiện tại khoảng 220.000 - 250.000 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 100.000 tỷ đồng từ đỉnh vào đầu tháng 7.
Thống kê của HSC cho thấy, mặt bằng lãi suất đã được nâng lên đáng kể với xu hướng tăng rõ ràng hơn trong tháng 9, trong khi biến động tăng/giảm không đồng nhất hai tháng trước đó. Lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng bình quân tăng 0,06% trong tháng 9 và hiện tương đương lãi suất cuối năm 2017.
Còn Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, lãi suất trong nước sẽ bắt đầu tăng lên từ năm 2019 do cả rủi ro bên trong và bên ngoài nền kinh tế. Rủi ro bên ngoài có thể kể đến như Fed sẽ tiếp tục kiên định với lộ trình tăng lãi suất, Ngân hành Trung ương (NHTW) Châu Âu sẽ kết thúc chương trình mua tài sản vào cuối năm nay trong khi NHTW Nhật Bản (BOJ) có thể xem xét lại mục tiêu lạm phát và định hướng điều hành chính sách tiền tệ. Còn rủi ro nội tại đến từ việc lạm phát gia tăng tạo sức ép lớn đối với lãi suất.
An Hạ