4 nước G7 "cấm cửa" vàng Nga, thị trường sẽ ra sao?

An Chi

(Dân trí) - Thị trường vàng không có quá nhiều biến động khi 4 thành viên của nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) gồm Anh, Canada, Mỹ, Nhật Bản cấm nhập khẩu vàng Nga.

Sáng nay (27/6), doanh nghiệp vàng lớn tại Hà Nội niêm yết vàng miếng SJC tại 67,95 - 68,67 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua và giữ nguyên giá ở chiều bán so với phiên trước. Tại TPHCM, giá thu gom tương đương Hà Nội nhưng bán ra rẻ hơn 20.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán dao động 800.000 - 820.000 đồng/lượng.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.835 USD/ounce (tương đương 51,50 triệu đồng/lượng), tăng 8 USD so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 17,17 triệu đồng/lượng.

4 nước G7 cấm cửa vàng Nga, thị trường sẽ ra sao? - 1

Giá vàng thế giới không có quá nhiều biến động khi Anh, Canada, Mỹ, Nhật Bản cấm nhập khẩu vàng Nga (Ảnh: Tiến Tuấn).

Giá vàng thế giới không có quá nhiều biến động khi 4 thành viên của nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) gồm Anh, Canada, Mỹ, Nhật Bản cấm nhập khẩu vàng Nga. Biện pháp trừng phạt mới nhất này nhằm vào Moscow để phản ứng chiến sự ở Ukraine. Vì vàng là mặt xuất khẩu mang về nguồn thu lớn thứ hai cho Nga, chỉ sau năng lượng.

Nhà Trắng cho biết, Nga chiếm khoảng 5% tổng lượng vàng xuất khẩu trên thế giới trong năm 2020 và 90% lượng vàng từ Nga là xuất sang các nước G7. Năm 2021, vàng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, đạt 15,5 tỷ USD.

Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Joe Biden viết: "Chúng tôi sẽ cấm nhập khẩu vàng từ Nga, một mặt hàng xuất khẩu chính đem về hàng chục tỷ USD cho quốc gia này". Đồng quan điểm, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cho biết, lệnh cấm trên sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế Nga.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại đặt ra nghi ngờ về tác động của lệnh trừng phạt. Hồi tháng 3, sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ, Hiệp hội Thị trường vàng thỏi London (LBMA) đã loại bỏ các nhà máy tinh chế vàng của Nga ra khỏi danh sách giao hàng. Vào thời điểm đó, cơ quan này cũng thừa nhận, lệnh cấm không ảnh hưởng đến thị trường vàng toàn cầu vì sản lượng vàng từ Nga chủ yếu là trong nước.

Hiện tại, lệnh cấm mới dành cho Nga chỉ áp dụng cho các quốc gia G7. Trong khi, 2 quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ có thể tiếp tục mua kim loại quý từ Nga. 

Ông Byron King từ Agora Financial đánh giá, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga có thể phản tác dụng khi giá dầu và lương thực tiếp tục tăng. Đặc biệt, "sự thổi phồng đồng USD" để chống lại Nga có thể gây ra những hậu quả lớn đối với nền kinh tế Mỹ.