1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

4 chữ "An" trong sứ mệnh của Petrovietnam

Trường Thịnh

(Dân trí) - Với sứ mệnh góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và là đầu tàu kinh tế, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã có những bước phát triển sau 47 năm xây dựng và trưởng thành.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng khẳng định, thông qua quản trị hiệu quả, tập đoàn đã trở thành đơn vị kinh tế mạnh trong nước và quốc tế, giữ vai trò quan trọng trong an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế và an ninh quốc phòng.

4 chữ An trong sứ mệnh của Petrovietnam - 1
Hoạt động khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ (Ảnh: Petrovietnam).

An ninh năng lượng

Tại Việt Nam, bảo đảm an ninh năng lượng được xác định là mục tiêu xuyên suốt của chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Trong đó, dầu khí là nguồn năng lượng chính đảm bảo cho sự ổn định của các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại và dân sinh.

Với vai trò đầu tàu trong ngành dầu khí Việt Nam, nhiều năm qua, Petrovietnam không ngừng tích cực tìm kiếm, thăm dò, khai thác và gia tăng trữ lượng dầu khí nhằm bảo đảm ổn định nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp, đầu vào cho các hoạt động sản xuất công nghiệp.

Số liệu 7 tháng đầu năm 2022 cho thấy dù bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất trong nước suy giảm, dầu khí vẫn duy trì tăng trưởng tốt. Khai thác dầu thô trong toàn tập đoàn đạt 0,9 triệu tấn, vượt 19% kế hoạch tháng 7; tính chung 7 tháng đạt 6,38 triệu tấn, vượt 22% kế hoạch. Sản xuất xăng dầu 7 tháng vượt 8%, sản xuất đạm vượt 9% kế hoạch.

Đến nay, tổng sản lượng khai thác của tập đoàn đạt 441,5 triệu tấn dầu và 174,7 tỷ m3 khí, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sản xuất 170 tỷ kWh điện (chiếm khoảng 15% tổng công suất lắp đặt và 30% tổng sản lượng điện cả nước), 55 triệu tấn sản phẩm dầu (chiếm 33% tổng nhu cầu xăng dầu), đáp ứng 70% nhu cầu LPG, 90% condensate.

Trong lĩnh vực sản xuất điện, hiện Petrovietnam vận hành 2 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 2.400 MW (Sông Hậu 1 và Vũng Áng 1); 4 nhà máy nhiệt điện khí với tổng công suất 2.700 MW (Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1&2); 2 nhà máy thủy điện với tổng công suất 305 MW (Hủa Na, Đakđrinh). Tổng công suất lắp đặt các nhà máy điện của Petrovietnam đạt 5.405 MW, chiếm hơn 7% tổng công suất lắp đặt, giữ thị phần số 2 về tổng lượng điện phát trong toàn hệ thống với khoảng 10%.

Trong bối cảnh giá xăng dầu lên cao, nguồn cung thế giới khan hiếm, việc xây dựng và quản trị chuỗi liên kết trong ngành dầu khí càng có ý nghĩa trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất dưới sự hỗ trợ của Petrovietnam luôn đảm bảo được cung cấp đủ dầu thô để vận hành liên tục ở mức 100-110% công suất, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu trong nước.

4 chữ An trong sứ mệnh của Petrovietnam - 2
Công nhân làm việc tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Ảnh: Petrovietnam).

An ninh lương thực

Chế biến dầu khí cung cấp các sản phẩm thiết yếu, giá trị cao cho nền kinh tế đất nước như xăng dầu, hóa chất, nhựa, xơ sợi, phân đạm, ure… Hàng năm, lĩnh vực chế biến dầu khí đóng góp khoảng 20-25% tổng doanh thu của toàn Petrovietnam.

Với sứ mệnh tiên phong, Petrovietnam chính là cổ đông sáng lập và sở hữu hai nhà máy sản xuất phân đạm lớn nhất hiện nay, gồm Nhà máy Đạm Phú Mỹ (Tổng công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí - PVFCCo) và Nhà máy Đạm Cà Mau (Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau - PVCFC), với tổng công suất 1,6 triệu tấm/năm, đáp ứng 70% nhu cầu cả nước.

Hai nhà máy sản xuất phân bón này thuộc mắt xích cuối cùng tạo nên chuỗi giá trị gia tăng hoàn chỉnh từ khâu tìm kiếm, thăm dò - khai thác - chế biến - phân phối sản phẩm và dịch vụ dầu khí, giúp Việt Nam chủ động chống chịu trước những biến động của thị trường thế giới khi xảy ra khủng hoảng nguồn cung.

4 chữ An trong sứ mệnh của Petrovietnam - 3
Sản xuất phân bón tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ (Ảnh: Petrovietnam).

An ninh kinh tế

Trong những năm qua, Petrovietnam thể hiện vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, điều tiết kinh tế vĩ mô. Các sản phẩm chiến lược như dầu thô, xăng dầu, đạm, điện, khí, LPG... đã và đang góp phần tích cực chủ động bình ổn thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế đất nước.

Petrovietnam phục hồi bất chấp khó khăn do Covid-19 và đợt suy giảm nghiêm trọng giá dầu năm 2021. Nếu năm 2020, tập đoàn đóng góp vào ngân sách Nhà nước hơn 83.000 tỷ đồng, thì đến năm 2021, mức nộp đạt 112.500 tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch năm, tăng 36% so với năm 2020. Kết quả sản xuất kinh doanh của Petrovietnam dẫn đầu 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, nộp ngân sách Nhà nước của Petrovietnam ước đạt 79.600 tỷ đồng, vượt 74% so với kế hoạch 7 tháng, vượt 23% kế hoạch năm 2022 và tăng 47% so với cùng kỳ 2021.

An ninh quốc phòng

Không chỉ đóng góp về kinh tế, sự xuất hiện, hoạt động của những đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân và mỗi một giàn khoan của ngành dầu khí trên biển chính là sự khẳng định chủ quyền của đất nước, thể hiện việc thực hiện chiến lược kinh tế biển của Việt Nam.

4 chữ An trong sứ mệnh của Petrovietnam - 4
Người lao động dầu khí chào cờ đầu tuần tại giàn Hải Thạch PQP trên Biển Đông (Ảnh: Petrovietnam).

Bên cạnh việc chủ động đầu tư vào công tác khảo sát, điều tra cơ bản, đánh giá tổng thể tiềm năng dầu khí, Petrovietnam còn chú trọng tính toán các cơ hội đầu tư vào vùng nước sâu, xa bờ. Đồng thời, tập đoàn phối hợp phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các ban, ngành liên quan để thẩm định dự án, xây dựng phương án hiệp đồng bảo đảm an toàn các công trình dầu khí và các hoạt động dầu khí trên biển.

Trải qua chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển, Petrovietnam luôn vững vàng vượt qua thử thách, khó khăn để ngành dầu khí có được những bước phát triển mạnh mẽ.

Sức mạnh đó có được là nhờ đúc kết truyền thống và văn hóa của những người đi tìm lửa, đồng thời không ngừng bồi đắp, gìn giữ giá trị cốt lõi "Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình", giữ lửa nhiệt huyết trong tim, thực hiện quản trị hiệu quả, làm tròn trách nhiệm tìm dầu, phát triển chuỗi giá trị năng lượng, giữ vững 4 chữ "An" cho sự phát triển vững mạnh, hùng cường của Việt Nam.